Rể Tây nói về người miền Tây

Cách đây 25 năm, khi Geogres Blanchar (quốc tịch Pháp, hiện là giám đốc Liên minh Phòng, chống buôn bán người (AAT) có trụ sở tại quận 3, TP.HCM) đến TP.HCM làm việc. Anh được một người bạn giới thiệu ở trọ tại căn nhà số 21B Lê Văn Sỹ, quận 3. Chủ nhà nhận anh làm con nuôi. Anh được sống trong một gia đình người Việt rất ấm áp tình thân.

Cô gái giúp việc ở căn nhà đó rất xinh xắn và hiền lành, tên Phan Thị Ý. Ý xuất thân trong một gia đình nghèo, đông con ở Bến Tre. Mỗi ngày trở về nhà, Geogres quan sát cô gái giúp việc với một tình cảm rất thân thương. Anh lúc đó đã học tiếng Việt được một ít nhưng mãi anh mới dám tỏ tình: “Có muốn làm vợ anh không?”. Cô gái trả lời anh: “Quê em chưa có ai lấy chồng Tây. Em sẽ không phải là người đầu tiên”. Câu trả lời của cô khiến anh buồn bã.

Viết thư ngỏ ý với cha vợ

Không bỏ cuộc, Geogres viết thư cho cha của Ý, xin phép ông cho anh được yêu thương, chăm sóc cô. Geogres hứa sẽ không bao giờ làm Ý phiền lòng. Rồi Ý trở về quê. Những ngày đó, lòng Geogres cứ bồn chồn như có lửa. Nhưng khi quay trở lại thành phố, Ý chỉ nói với anh một câu rất nhẹ nhàng: “Cha đồng ý rồi đó nhưng cha nói anh phải theo nếp Việt Nam, làm đám cưới đàng hoàng”.

Được cha Ý chấp thuận, Geogres về Bến Tre ra mắt. Anh chở người yêu trên chiếc xe phân khối lớn chạy một mạch từ 3 giờ sáng. Vì cả hai không rành đường nên vừa đi vừa hỏi đường, trầy trật mới về tới nhà vợ tương lai. Hàng xóm tò mò chạy qua ngó chàng rể Tây. Chỉ vài phút sau là mọi người đã thân nhau, trò chuyện rôm rả. Anh hóm hỉnh nhớ lại: “Cách đây hơn hai chục năm, tôi chưa hiểu hết phong tục Việt Nam. Tôi lo lắng vì Bến Tre là vùng đất cách mạng, còn tôi là một anh Tây, cũng lo ở quê người ta không thích mình. Nhưng rồi tôi nhận ra người miền Tây rất dễ thương, thân thiện”.

 

Đám cưới của Geogres diễn ra tưng bừng theo phong tục sông nước miền Tây, được ấn định đúng ngày Việt Nam chiến thắng Điện Biên Phủ. Geogres hay đùa rằng cha vợ chọn ngày này để cưới nên anh biết sẽ không bao giờ được “thắng” vợ. Mỗi lần cãi nhau, chỉ cần vợ nổi nóng chút xíu là anh bỏ ra ngoài.

Vợ làm gì cũng khen

Geogres cho biết anh gần như không gặp trở ngại nào khi hòa nhập cuộc sống ở Việt Nam: “Tôi đi đến đâu, chỉ sau 5 phút là có bạn mới. Người dân Việt Nam vô cùng thân thiện và sẵn sàng trò chuyện. Tôi đang đi trên đường thấy có đám cưới, tò mò dừng lại ngó một chút là được mời vô ăn đám cưới luôn”.

Sau đám cưới, Geogres và vợ trở lại TP.HCM sinh sống. Cuộc sống mới của anh rất hạnh phúc vì vợ anh nấu ăn rất ngon, mà anh lại rất mê các món ăn Việt Nam: “Tôi thích gà chiên nước mắm. Cô ấy nấu được rất nhiều món làm từ gà, trong khi món Pháp chỉ có vài kiểu chế biến thôi”.

Vợ chồng anh Gearge Blanchard hiện nay

Vợ anh nấu món gì anh cũng khen. Đi chơi đâu anh cũng rủ cô đi cùng. Anh tự hào khi vợ luôn là người bạn thân nhất của anh suốt hơn 20 năm qua. Anh cho biết, anh muốn bù đắp cho vợ và cho chính mình sau những năm tháng thiếu thốn hơi ấm gia đình. Vợ anh mất mẹ sớm. Còn anh trở thành trẻ mồ côi năm 13 tuổi. Anh đã đi làm thợ xây từ năm 15 tuổi, tự kiếm sống, làm việc trong khu phố có nhiều gái mại dân. Anh quan sát và mong muốn giúp đỡ các cô gái đó. Do đó, anh đã đi đến trung tâm xã hội đăng ký làm tình nguyện viên xã hội. Cũng từ công việc này, anh đến Việt Nam và tiếp tục sứ mệnh giúp đỡ các cô gái bị mua bán.

Vợ chồng anh Georges cùng hai con gái và cha mẹ nuôi

Chị Phan Thị Ý chia sẻ: “Cách sống của Geogres rất dễ chịu. Anh chưa bao giờ phàn nàn bất cứ điều gì. Tôi nấu gì ảnh cũng ăn, cũng khen ngon. Tôi làm gì ảnh cũng khen. Đôi khi tôi cũng thấy chạnh lòng một chút cho những cô bạn của tôi lấy phải chồng gia trưởng, không bao giờ khen ngợi hay bày tỏ sự trân trọng đối với vợ. Có những hôm tôi bận, ảnh có thể ăn cơm trắng với nước mắm mà vẫn vui vẻ khen ngon. Ảnh như vậy nên tôi không bao giờ giận được”.

Geogres nói: "Gia đình là tất cả với tôi”.

Dạy con theo nếp Việt Nam

Geogres thích quan sát vợ dạy con, nhất là về các giá trị gia đình như kính trọng người già, gắn bó với gia đình. Con gái anh hiện đang du học ĐH Dược ở Pháp, ngày nào cũng gọi điện thoại trò chuyện với cha mẹ. Anh nói: “Đó là sự gắn bó kiểu gia đình Viêt Nam và tôi rất thích. Phong tục Việt Nam rất hay, dạy mỗi người phải nghĩ cho người khác, tôn trọng người đã mất.  Tôi muốn nuôi dạy con cái ở môi trường như vậy”.

Những ngày nghỉ hè, anh đưa con về quê ngoại để con đi chăn bò, nuôi gà như những nông dân thực thụ. Các con anh rất thích cuộc sống ở quê. Khi trở về thành phố, các cô gái có nhiều động lực để học tập và sống có trách nhiệm hơn. Một cô gái đã nói với Geogres: “Nhiều bạn bè con không được hạnh phúc được như con vì cha mẹ họ không hạnh phúc”.  

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm