Rối như canh hẹ (hay là chuyện đi tìm "bản chuẩn" bài thơ "Quê hương")

Bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Đỗ Trung Quân được công bố lần đầu vào năm 1983. Những vần thơ ngọt ngào, thanh khiết của bài thơ này từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người, nhất là khi nó được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc:

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay…

Thế nhưng xung quanh bài thơ "Quê hương" có một đôi điều… không bình thường, gây dích dắc cho cả người đọc lẫn các nhà biên soạn.

Chả là cách đây ít ngày, trên báo Tuổi trẻ online, nhân có ý kiến của một độc giả cho rằng cuốn sách giáo khoa "Tiếng Việt 1, tập 1", trang 163 đã in sai câu thơ trong bài "Quê hương" của Đỗ Trung Quân (ý kiến này cho rằng: Câu thơ nguyên văn của nhà thơ Đỗ Trung Quân là "Tuổi thơ con thả trên đồng" chứ không phải "Chiều chiều con thả trên đồng" như sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đã in), nhà thơ họ Đỗ liền hăng hái vào cuộc. Nhà thơ tuyên bố "Sách in sai!" và đây đẩy không nhận hai chữ "chiều chiều" là của mình trong câu thơ "Quê hương là con diều biếc/ Chiều chiều con thả trên đồng…".

Ơ hay, thế ròng rã từ năm 1997 đến năm 2012, có dăm bảy tập thơ tuyển của những người tuyển chọn có nghề, có "thương hiệu" và hết sức cẩn trọng, nghiêm túc…; trong đó, câu thơ này đều được in là "Chiều chiều con thả trên đồng". Đó là các tập thơ tuyển: "Những bài thơ em yêu" (NXB Giáo dục, 1997, trang 149, tuyển chọn: Phạm Hổ, Nguyễn Nghiệp ); "Thơ thiếu nhi chọn lọc" (NXB Thanh niên, 2000, trang 151, tuyển chọn: Định Hải, Xuân Dục, Minh Phúc); "Văn học thiếu nhi Việt Nam", tập hai (NXB Từ điển bách khoa, 2004, trang 460, tuyển chọn: Định Hải, Nguyên An); "Thơ Việt Nam thế kỉ XX" (NXB Giáo dục, 2005, trang 612, tuyển chọn: Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương); "Thơ thiếu niên Việt Nam và thế giới chọn lọc" (NXB Thanh niên, 2012, trang 98, tuyển chọn: Định Hải, Xuân Dục, Minh Phúc)…

Chắc chắn nhà thơ Đỗ Trung Quân phải có trong tay một vài tập thơ tuyển này (do người tuyển chọn hoặc Nhà xuất bản gửi sách biếu). Nhưng sao không thấy nhà thơ lên tiếng về việc "in sai" hai chữ "chiều chiều" trong các tập thơ tuyển nói trên? Gần đây, nhà thơ bức xúc khẳng định hai chữ "chiều chiều" không phải của ông. Thế thì chữ dùng này là của ai vậy? Chắc không phải người tuyển chọn, người biên tập tự ý thêm vào hoặc tự ý thay thế, sửa chữa?

Vậy thì, nếu có chuyện thoạt đầu nhà thơ Đỗ Trung Quân dùng chữ "chiều chiều", sau này ông sửa thành chữ "tuổi thơ" thì ông cứ nhận cho xong, sao lại cứ nằng nặc nói rằng chữ "chiều chiều" không phải của mình? Việc sửa một vài chữ trong một bài thơ là việc làm rất đỗi bình thường. Không ít nhà thơ có tiếng cũng đã từng làm việc này. Nhà thơ Đỗ Trung Quân "hắt hủi", không nhận hai chữ "chiều chiều" này khiến sự việc trở nên bí ẩn. Vậy thì chữ này ở đâu ra? Chắc không phải từ trên trời rơi xuống?

Chưa hết, ở trên là nói về chữ dùng, dưới đây sẽ nói tới một khía cạnh khác của bài thơ "Quê hương". Đó là sự "lộn xộn" về văn bản, về cấu trúc của bài thơ. Về số lượng khổ thơ, có văn bản thì 7 khổ (chiếm đa số), có văn bản 6 khổ, có chỗ chỉ 5 khổ, thậm chí có cuốn sách chỉ in 4 khổ (tương ứng với lời của ca khúc "Quê hương" do Giáp Văn Thạch phổ nhạc). Thực tình, đến nay, tôi cũng không biết được đích xác bài thơ "Quê hương" có bao nhiêu khổ. Về trật tự các câu thơ trong một vài khổ thơ, cũng có những dị bản. Rồi câu kết của bài thơ, theo lời của chính nhà thơ Đỗ Trung Quân, khi ông viết, không có câu kết này mà khi gửi đăng báo, một biên tập viên đã thêm vào. Thế nhưng hiện nay, người ta coi câu kết này mặc nhiên là của nhà thơ Đỗ Trung Quân…

Rối như canh hẹ (hay là chuyện đi tìm "bản chuẩn" bài thơ "Quê hương") ảnh 1

Cứ với cung cách này, tình trạng này thì những người làm về văn bản học (xác định nguồn gốc và tính chính xác của một văn bản) cũng phải… chào thua!

Không rõ tình trạng trên có liên quan gì đến "tính lơ đãng và dễ dãi" của nhà thơ, như chính nhà thơ Đỗ Trung Quân đã tự thừa nhận… hay không?

 
 Theo Lê Thành Văn (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.