Rừng bần phòng hộ bị “xẻ thịt”

Hiện khu vực rừng bần phòng hộ thuộc địa phận xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang đang bị Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Công an tỉnh Trà Vinh chặt trắng dưới danh nghĩa cải tạo rừng.

Rừng bần 20 năm tuổi bị đốn hạ

Tại khu vực cồn Nạng (xã Mỹ Long Nam), con rạch từ khu vực bãi bồi ven biển đến trạm gác đã được nạo vét, tỉa cây để dọn đường cho ghe vào rừng bần chở gỗ.

Đi sâu vào rừng khoảng 1 km, một lán trại tạm với gần chục công nhân đang làm việc. Chung quanh khu vực này, hàng ngàn mét khối gỗ bần nằm la liệt, có thân gỗ đường kính gần 1 m. Đang giữa trưa nhưng cách đó không xa, nhóm thợ với cưa máy đang cặm cụi hạ cây. “Chuyện buôn bán chúng tôi không rõ. Nghe nói rừng này Nhà nước bán, dân sao dám rớ tới rừng phòng hộ!” - một thợ cưa nói.

Gần khu vực tập kết gỗ, nhiều gốc bần to hơn vòng tay người ôm trơ gốc. Ước tính gần 10 ha rừng đã bị đốn hạ.

“Hơn 20 năm nay, dân ở ven biển sống nhờ vào rừng bần. Ngoài việc chắn sóng, gió bão, rừng bần còn là nơi trú ngụ của tôm, cua, cá. Vì vậy, dân ở đây luôn có ý thức bảo vệ rừng, ai chặt một cây bần tụi tôi đều báo kiểm lâm, biên phòng. Không hiểu sao giờ lại chặt rừng” - ông TVT, một người dân địa phương, nói.

 
Hàng ngàn mét khối gỗ bần đã bị đốn hạ. Ảnh: HN

Đốn trắng rừng là sai

Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ Trà Vinh, trong tổng số 300 ha rừng bần tại cồn Nạng, có 70 ha rừng được giao cho Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Công an tỉnh Trà Vinh quản lý, bảo vệ từ năm 1993 đến nay.

“Năm 2013, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Công an tỉnh Trà Vinh có đề xuất mô hình thử nghiệm cải tạo rừng kém hiệu quả để trồng lại rừng mới và đã được Chi cục Kiểm lâm thông qua và UBND tỉnh phê duyệt” - ông Sơn cho biết.

Theo mô hình này, 10 ha rừng bần sẽ bị khai thác trắng, sau đó sẽ trồng mới 5 ha cây đước, 5 ha còn lại làm đường ranh lô và đê bao điều tiết nước vì khu vực cồn Nạng đã bị gò hóa, không phù hợp cho cây bần phát triển. Khi bán gỗ rừng, công an tỉnh được chia 60%, 40% còn lại giao cho Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ Trà Vinh.

Với lý do cồn bị gò hóa nên bần bị đốn hạ, thực tế không như vậy, bởi nhiều diện tích bần ngập nước gần 1 m cũng bị đốn hạ. Còn việc gò hóa này, theo ông Sơn là “chỉ dựa theo kinh nghiệm và quan sát bằng mắt thường”.

Khi được hỏi việc đốn rừng để trồng nêu trên, ông Dương Văn Điện - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh ngắn gọn: “Khai thác trắng rừng phòng hộ xung yếu với diện tích lớn như trên là sai”.

Theo chúng tôi, nếu không có nghiên cứu khoa học cho việc đốn rừng này, không bao lâu nữa số diện tích rừng bần ở Cầu Ngang sẽ bị xóa sổ.

HOÀNG NAM

 

Khi rừng trồng đạt tuổi khai thác, hằng năm được phép khai thác chọn nhưng không quá 20% hoặc chặt trắng theo băng, theo đám nhỏ với diện tích dưới 1 ha đối với rừng phòng hộ xung yếu và dưới 0,5 ha đối với rừng phòng hộ rất xung yếu, tổng diện tích khai thác không vượt quá 1/10 và phải trồng lại rừng ngay sau vụ kế tiếp…

(Theo Quy chế về khai thác gỗ và lâm sản khác năm 2005 của Bộ NN&PTNT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm