Rừng ngập mặn Cần Giờ đang chết dần

Với diện tích hơn 37.000 ha, rừng ngập mặn Cần Giờ được xem là lá phổi xanh của TP.HCM và là nơi lưu giữ nhiều giống gien động, thực vật quý hiếm. Năm 2001, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng đước chết khô đã xảy ra ở hầu hết các tiểu khu ở đây, trong đó tập trung chủ yếu ở các tiểu khu 10A, 5B, 15A, 17, lâm viên đảo khỉ Cần Giờ…

Lùng sâm đất, nuôi tôm

Dọc theo tuyến đường rừng Sác, nhiều cụm đước hai bên đường chết trắng gốc. Anh Nguyễn Văn Thanh, một người dân ở tiểu khu 10A, cho biết: “Trước đây, tình trạng đước chết khô chỉ xảy ra ở một vài tiểu khu nhưng gần đây đước chết nhiều trên diện rộng. Cứ đà này, một thời gian nữa rừng đước tại nhiều tiểu khu có nguy cơ chết trắng”.

Tại tiểu khu 5B, đước chết hàng loạt khiến nhiều khoảnh rừng trống trơn. Ông Trần Xuân Nam (người được giao khoán bảo vệ rừng) phản ánh: “Từ ngày rộ lên phong trào đi lùng sâm đất về bán, nhiều cánh rừng đước bị đào xới ngổn ngang. Cây lớn, cây bé bị đổ bật gốc, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi. Chúng tôi đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ bắt giữ, tịch thu nhiều dụng cụ khai thác sâm đất nhưng do lợi nhuận cao nên nhiều người vẫn lén lút khai thác”. Tại hiện trường, nhiều rễ cây đước bị phanh nham nhở, lộ màu trắng tinh. Nhiều cây đước con 2-3 tuổi không có đất bám, nằm chênh vênh bên những hố sâu hoắm. Ông Nam cho hay đó là “sản phẩm” để lại của những tay săn lùng sâm đất.

Rừng ngập mặn Cần Giờ đang chết dần ảnh 1

Rừng đước tại nhiều tiểu khu chết trắng. Ảnh: TẤN TÀI

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết hiện toàn huyện có hơn 4.500 ha nuôi tôm, trong đó có hơn 2.000 ha nằm trong vùng lõi rừng phòng hộ. Năm 2011, diện tích nuôi tôm tăng 5%-10%. Hiện có 400 hộ dân đang nuôi tôm bán tự nhiên trong các tiểu khu thuộc rừng ngập mặn Cần Giờ. Ông cho biết: “Huyện đã giao hơn 26.000 ha cho 14 đơn vị và các hộ dân chăm sóc, bảo vệ. Do đời sống còn khó khăn nên những hộ này được hưởng phụ cấp bảo vệ rừng hằng tháng và có thể nuôi cua, nuôi tôm, đánh cá… trong khu vực rừng phòng hộ”.

Tuy nhiên, theo Chi cục Lâm nghiệp TP.HCM, việc nhiều hộ nuôi tôm vào rừng Cần Giờ tự ý khoanh vùng, đắp bờ, chặn dòng nước đã khiến tình trạng ngập úng kéo dài, chế độ thủy triều bị thay đổi nên ảnh hưởng đến cây đước.

Sâu bệnh, độ mặn…

Theo ông Cát Văn Thành, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, sau khi phát hiện rừng đước tại nhiều tiểu khu có dấu hiệu chết khô, Ban quản lý rừng phòng hộ đã phối hợp với một số đơn vị lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu nhằm sớm đưa ra phương án ứng cứu rừng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nạn dịch sâu ăn lá, sâu đục thân gây nên. Ông cho biết trước đây dịch sâu bệnh cũng đã khiến nhiều diện tích rừng đước bị chết trụi. Tuy nhiên, những năm gần đây do biến đổi khí hậu khiến thủy triều lên xuống thất thường, độ mặn tăng cao làm tầng đất trên bị khô cứng khiến cây bị chết.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ, mật độ cây quá dày cũng làm cây trở nên ốm yếu, dễ ngã đổ, phát sinh dịch bệnh. “Trước đây, theo quy định, cứ năm năm lại tỉa cây nhằm tạo không gian dinh dưỡng phát triển cho đước. Nhưng do một số người lợi dụng việc tỉa cây để phá rừng, đốt than, lấy củi, tạo diện tích làm muối… nên UBND TP đã giao cho UBND huyện Cần Giờ quản lý, nghiêm cấm các hoạt động tỉa thưa cây”.

Rừng ngập mặn Cần Giờ đang chết dần ảnh 2

Sâu bệnh đang đe dọa khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Ảnh: TẤN TÀI

Ứng cứu

Theo Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ, hiện 37.000 ha rừng ở đây đã được phủ kín cây rừng. Trung tâm đang có dự án trồng xen canh nhiều loài cây ngập mặn mới song song với phát triển rừng đước.

Theo ông Tuấn, để cứu nguy cho rừng đước, cần tiến hành ngay việc tỉa thưa cây để tạo không gian dinh dưỡng cho cây. Vừa qua, trung tâm đã nghiên cứu về “các biện pháp lâm sinh, tỉa thưa cây đước ở rừng ngập mặn Cần Giờ” trình lên UBND TP nhưng chưa được chấp thuận. “Mặt khác, số liệu thống kê của trung tâm cho biết hiện mấy chục hecta rừng đước đã bị chết do sâu bệnh và có nguy cơ lan rộng ra nhiều nơi với tốc độ nhanh. Hiện chúng tôi đang theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để xác định chủng loại sâu và số lượng để có biện pháp ứng cứu kịp thời” - ông Tuấn cho hay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn cho biết việc nuôi tôm tự nhiên và các hoạt động sản xuất khác đang gây ảnh hưởng cho sự phát triển của rừng ngập mặn. Kế hoạch của huyện là giảm dần diện tích nuôi tôm trong khu vực rừng ngập mặn, ngăn cấm việc phá rừng làm muối và đào tìm sâm đất. Về lâu dài, cần có phương án dạy nghề cho các hộ dân sinh sống trong và lân cận khu vực rừng phòng hộ.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm