Sẽ dời dân ven kênh về Thủ Thiêm

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, tại chung cư 346 Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh vẫn còn một số hộ dân có nhà bị cháy tại khu vực cầu Bông, quận Bình Thạnh tạm cư tại đây từ năm 2004 nhưng chưa được giải quyết nhà ở. Lý giải tình trạng này, ông Tuấn cho hay TP đang thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị và có tới hơn 20.000 căn nhà phải tháo dỡ. Do đó cần phải có một lượng căn hộ tái định cư chuẩn bị sẵn đủ để đáp ứng nhu cầu trên. “Từ nay đến cuối năm 2015 TP sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng tạm cư kéo dài của người dân” - ông Tuấn khẳng định.

Sẽ dời dân ven kênh về Thủ Thiêm ảnh 1 

Người dân ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B trao đổi với PV về đời sống sau khi di dời đến chung cư này. Ảnh: DIỆU AN

Theo Sở Xây dựng, từ trước đến nay TP có gần 42.000 căn hộ và nền đất đã phân bổ cho các quận, huyện để bố trí tái định cư cho các hộ dân trên địa bàn. Trong số này, hiện vẫn còn nhiều căn hộ chưa bố trí tái định cư, tập trung tại dự án Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) và chương trình 12.500 căn tái định cư tại Thủ Thiêm.

Về chương trình 12.500 căn tái định cư tại Thủ Thiêm, thời gian qua Sở Xây dựng đã nghiệm thu, bàn giao gần 3.000 căn và quận 2 đã bố trí gần 1.500 căn cho các hộ dân. Số lượng căn hộ còn lại sẽ được dùng để bố trí cho người dân các quận 1, 3, 5, 9, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức. Đặc biệt, gần 10.000 hộ trong chương trình di dời nhà dân ven/trên kênh rạch và tại các chung cư cũ cũng sẽ được ưu tiên bố trí về đây.

Để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án tái định cư mới, TP đã có chủ trương bán đấu giá hơn 1.000 căn hộ tại chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B. Gần 1.000 căn còn lại sẽ được bố trí cho các quận, huyện có nhu cầu. Ngoài ra, những trường hợp không đủ điều kiện tái định cư hay người nghèo khó khăn về nhà ở cũng có thể được xem xét giải quyết mua nhà tại dự án này. VIỆT HOA

 

Không dễ phá dỡ Thuận Kiều Plaza

Thời gian qua có thông tin cho rằng chủ đầu tư Thuận Kiều Plaza, đường An Dương Vương, quận 5 (TP.HCM) có thể tháo dỡ cao ốc này để xây mới. Ông Trần Trọng Tuấn khẳng định đến nay Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ sang tên đổi chủ của Thuận Kiều Plaza, cũng chưa nhận được thông tin chính thức về việc chủ đầu tư phá dỡ công trình này.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau buổi họp báo, ông Lê Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thông tin thêm: Theo quy định, có ba trường hợp phải tháo dỡ công trình: để giải phóng mặt bằng; do vi phạm; để đầu tư xây dựng lại công trình mới. Cao ốc Thuận Kiều Plaza thuộc trường hợp thứ ba và trước khi tháo dỡ, chủ đầu tư phải có phương án tháo dỡ, sau đó gửi văn bản thông báo với UBND phường nơi có dự án, không phải xin phép cơ quan chức năng.

“Để lên được phương án tháo dỡ công trình 33 tầng này, chủ đầu tư phải có đủ năng lực theo quy định hoặc thuê đơn vị tư vấn có chức năng thực hiện việc này” - ông Bình nói. Cũng theo ông Bình, dù chủ đầu tư không phải xin phép tháo dỡ nhưng cơ quan có thẩm quyền có quyền ngưng thi công bất cứ lúc nào nếu phương án tháo dỡ không đảm bảo an toàn.

“Từ trước đến nay trên địa bàn TP đã có nhiều chung cư cũ phải tháo dỡ để xây mới nhưng quy mô lớn như cao ốc Thuận Kiều Plaza là trường hợp đầu tiên” - ông Bình cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm