Sống tốt đời đẹp đạo

Những việc làm của họ đã góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn, chan chứa nghĩa tình hơn.

Nhiều năm qua, sư cô Thích Nữ Diệu Hoa, trụ trì chùa Kỳ Quang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) và linh mục Đoàn Vĩnh Phúc (nguyên Hạt trưởng Hạt Tân Sơn Nhì, Chánh xứ Giáo xứ Thiên Ân, quận Tân Phú, TP.HCM) đã có những giải pháp thiết thực để góp phần chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.

Xây trường mới, xóa cầu khỉ

Những ngày này, gặp sư cô Thích Nữ Diệu Hoa hơi khó vì cô đang bận rộn chuẩn bị cho mùa Lễ Phật đản. Nhưng khi nghe hỏi về những cây cầu bê tông, về những ngôi trường mà sư cô đã góp công xây và sắp xây cho những vùng quê nghèo khó thì sư cô gác lại hết công chuyện để tiếp tôi. Sư cô cho biết một ngôi trường mẫu giáo trên đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) sắp mọc lên, đó là ngôi trường thứ sáu cùng với 47 cây cầu bê tông thay cho cầu khỉ tạm bợ tại các tỉnh ĐBSCL mà sư cô vận động các nhà hảo tâm xây dựng được. Công việc này, sư cô và Hội Phước thiện Hoa tình thương do sư cô chủ nhiệm đã âm thầm làm suốt bảy năm qua. Đến giờ, sư cô vẫn còn nhớ như in lần xây chiếc cầu đầu tiên: “Trong một lần đi làm công quả ở huyện Gò Quao (Kiên Giang), tôi chứng kiến cảnh một cây cầu khỉ gãy ngang lúc học sinh chưa kịp tới trường. Các em chỉ biết bấu víu vào con đò chở người có hạn làm tôi day dứt mãi”. Từ trăn trở đó, sư cô đã trở lại đây để xây cây cầu mang tên Xóm Chùa. Đó cũng là con đường bê tông đầu tiên của 80 hộ dân với 500 nhân khẩu ở đây.

 
Sư cô Diệu Hoa (thứ ba, từ trái qua) dự lễ khánh thành cầu Kênh 4, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) vào tháng 12-2012 . Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sư cô Diệu Hoa say sưa kể lại cảm giác khánh thành ngôi trường đầu tiên ở Kiên Giang: “Trường các em nền đất, lợp tôn tứ phía đã mục gỉ luôn nóng hầm hập. Trường chỉ có hai phòng và thầy hiệu trưởng đồng chủ nhiệm cả sáu điểm trường như thế. Nhìn thấy nỗ lực của thầy trò, tôi rất cảm kích nên muốn mang lại điều kiện tốt hơn cho họ”. Vài tháng sau, ngôi trường đầu tiên mang tên Thạnh Yên A (xã Thạnh Yên A, tỉnh Kiên Giang) đã khánh thành khiến thầy trò rất đỗi vui mừng. Tuy vậy học sinh vẫn còn thưa thớt, sư cô tiếp tục vận động xây thêm hai cây cầu gần trường nữa để các em đi lại dễ dàng hơn. Số lượng học sinh tăng thêm gấp đôi sau đó làm sư cô rất hài lòng. Niềm vui sau mỗi chuyến đi khánh thành những cây cầu và ngôi trường mới cứ được kéo dài ra mãi khi các công trình này đưa vào sử dụng liền mang đến đổi thay cho cuộc sống của người dân địa phương và đặc biệt là các em nhỏ. Với sư cô, đó là những việc làm chỉ như muối bỏ biển nhưng những hạt muối khi hòa vào đại dương lại không vô nghĩa chút nào.

Mù chữ sẽ dễ sa ngã

Ở tuổi 85, lê từng bước chân khó nhọc với đôi tai hầu như không còn nghe thấy gì nhưng linh mục Đoàn Vĩnh Phúc, nay đã nghỉ hưu vẫn ngày ngày chăm lo cho gần 500 em học sinh ở lớp học tình thương Thiên Ân và Trường tình thương Tân Sơn Nhì (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM). Từ các lớp học này, các em có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ, không phân biệt tôn giáo, chủ yếu là dân nhập cư từ các quận, huyện, tỉnh, thành xa, dần được tiếp nối từ lớp này lên lớp khác, năm này qua năm khác. Không những được miễn học phí hoàn toàn, linh mục còn vận động tài trợ cho các em từng bộ quần áo đồng phục đến sách vở, dụng cụ học tập. Ngoài ra, ở Trường tình thương Tân Sơn Nhì, buổi chiều các em còn được học phụ đạo, lớp Anh văn, vi tính, đàn mandolin và lớp cắt may…

Nhiều em trưởng thành từ các lớp học này lại tìm về vào dịp khai giảng mỗi năm như một cách tỏ lòng biết ơn. Công việc gieo chữ thầm lặng này, linh mục Phúc và các cộng sự đã thực hiện suốt 17 năm qua.

Linh mục kể: “Nơi này ngày xưa vắng hoe, tệ nạn nhiều, trẻ em phần đông là con của người dân nhập cư, tối ngày chủ yếu lo kiếm ăn nên đều mù chữ hết. Mà mù chữ thì sẽ rất dễ sa ngã. Không có con đường nào khác thay đổi cuộc đời của các em tốt hơn bằng con đường học vấn cả”.

Ông Đinh Viết Thìn, cộng sự của linh mục Phúc, cho biết kỷ niệm từ những ngày cha cử anh đi khảo sát các gia đình có con em mù chữ vẫn còn nguyên vẹn như mới đây. “Cha bảo tôi đến từng nhà, cho mỗi em học sinh 100.000 đồng để động viên cha mẹ đưa các em tới trường nhưng hỏi ra mới biết gia đình không cho con đi học được vì không có hộ khẩu. Những năm 1998, số tiền đó lớn lắm. Từ đó, cha trăn trở phải mở lớp học tình thương cho các em là giải pháp tốt nhất”. Từ quyết tâm của linh mục, lớp học đầu tiên đã được khai giảng với 40 em. “Có lớp học rồi nhưng không phải dễ dàng gì để các em theo học đến nơi đến chốn, cha lại cùng tôi đến từng nhà thuyết phục cha mẹ các em bớt lo làm kinh tế mà hãy lo cho tương lai các em. Đối với những hoàn cảnh quá khó khăn, cha hỗ trợ tiền, gạo, thường xuyên tới thăm hỏi, trao quà bằng cái tình ấm áp. Hiện tại, có em đã rời trường nhưng cha vẫn liên hệ giúp đỡ để động viên em tiếp tục việc học. Lớp học tình thương Thiên Ân đến năm 2007 thì quá tải nên cha tiếp tục vận động xây thêm Trường tình thương Tân Sơn Nhì, khánh thành vào năm 2009” - ông Thìn tiếp lời. Còn ông Nguyễn Quý Chuân, làm nhiệm vụ bảo vệ lớp học từ những ngày đầu cũng kiêm nhiệm luôn công việc thi thoảng phải đưa các em đi cấp cứu vì thương tích ẩu đả trong lớp, kết hợp với gia đình trong việc quản lý trẻ lêu lổng bộc bạch: “Thực lòng mà nói, phải có cái tâm mới làm được những việc như thế này. Bây giờ nhìn các em được đi học, cải thiện đời sống dân trí khiến chúng tôi rất sung sướng”.

Hằng ngày, từ căn phòng nhỏ đối diện khoảnh sân của lớp học tình thương Thiên Ân, linh mục Phúc háo hức trông chờ các em cắp sách tới trường và vui đùa trong giờ ra chơi. Thỉnh thoảng, các em lại ùa vào phòng, gọi ông bằng tiếng “cha” thân mật. Cứ thế, niềm vui của một người không con mà có rất nhiều con đã tiếp thêm động lực để linh mục không một giây phút nào ngơi nghỉ công việc xây những viên gạch giáo dục đầu tiên cho thế hệ trẻ.

HOÀNG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm