Sụp bẫy siêu bịp tại chợ "cổ vật dã chiến"

Trào lưu trưng bày trong tư gia các món đồ xưa nay hiếm đang là mốt của nhiều tay chơi mới phất khoái thể hiện mình. Nắm bắt nhu cầu khoe mẽ ấy của đám "thượng đế" thừa tiền bạc nhưng non kinh nghiệm, đám con buôn đồ cổ trời ơi "đẻ" ra đủ ngón lừa siêu hạng.

Màn kịch "đồ gia bảo"

"Những con đường tập trung đông đám con buôn đồ lạc xoong như chợ điện tử Nhật Tảo (quận 10), đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), đường Phó Đức Chính (quận 1)…  là điểm họp chợ lý tưởng của các tay buôn "cổ vật". Ăn theo các phiên chợ này, đám con buôn "đồ cổ" trải bạt thả những món đồ mà chúng rao là "vật gia bảo" làm mồi nhử đặng câu đám khách ít hiểu biết.

Được ông Q. - một nhà sưu tầm cổ vật có tiếng tại TP HCM "bảo trợ" về mặt thông tin nên chúng tôi lập tức vào cuộc với điểm dừng là chợ lạc xoong trên đường Phó Đức Chính.

Giữa hàng chục "quầy" lạc xoong với quần áo, giày dép, kính đeo mắt, nước hoa, linh kiện điện tử…, quầy hàng "đồ gia bảo" của người thanh niên khoảng 30 tuổi nổi bật với những món đồ khác lạ như muỗng nĩa, ly tách, tô chén…

Sụp bẫy siêu bịp tại chợ "cổ vật dã chiến" ảnh 1 
Bẫy giăng... và những con mồi ngờ nghệch tự nạp mạng.

Thấy mấy món đồ xưa lạ, nhiều khách ghé hỏi thăm thì gã thanh niên cất giọng Huế thảm sầu: "Do thời vận nên gia đình tôi lâm cảnh khánh kiệt. Bí quá đành phải đem bán mấy món đồ gia bảo truyền đời của cụ tổ vốn là quan tri huyện ở đất thần kinh xoay xở chuyện gia đình". Khách bu lại mỗi lúc một đông chừng như là liều doping kích thích gã nọ tiếp tục ba hoa: "Bạc có tính năng khử độc siêu hạng nên được vua chúa, quan lại ngày xưa tin dùng nhằm tránh bị bọn xấu nuôi mưu đồ đầu độc".

Tuyệt kỹ lừa siêu hạng

Ra vẻ hoài nghi, một ông khách trề môi bảo: "Lấy gì khẳng định đây là đồ bạc?". Sau khi vỗ ngực tự xưng: "Tôi trước là thợ kim hoàn nên biết vài kỹ thuật thử vàng đo bạc", ông này đề nghị "thử vài chiêu". Hơn chục người khách bu xem đồng loạt hưởng ứng và cuộc thử nghiệm bắt đầu.

Trước khi đổ chai thuốc tẩy mới mua lên tay cầm của một chiếc muỗng bạc, ông nọ giảng giải: "Bạc nguyên rất dị ứng với các loại hóa chất như thuốc tẩy, nước rửa chén, nước xả quần áo nên khi tiếp xúc sẽ xảy ra phản ứng hóa học chuyển màu xạm đen nhưng đem lau chùi sẽ sáng trở lại".

Sau pha thử nghiệm, thấy chiếc muỗng đen đúa sáng loáng như lúc đầu, ông nọ kết luận: "Cơ bản là bạc nguyên chất" rồi hỏi mượn một chiếc bật lửa loại lớn đặng đốt cán chiếc muỗng với lời giải thích: "Bị nung đỏ, nếu là bạc xịn khi nguội sẽ trắng như thuở ban đầu, bạc dỏm thì đen xì như bị cháy".

Màn thử nghiệm lại được kết quả mỹ mãn nhưng ông nọ vẫn chưa chịu dừng. Ông chọn một cái ly nhỏ rồi đem đổ thuốc tẩy, nung lửa một hồi với kết quả y như lần thử nghiệm chiếc muỗng, lúc này người đàn ông gật đầu tấm tắc "Đúng là đồ bạc trăm phần trăm". Hỏi giá chiếc ly, nghe chủ nhân phán 1.500.000 đồng, người đàn ông xì tiền cái rụp để đổi lấy quyền sở hữu. Trước khi rồ máy, ông này tỏ vẻ tiếc nuối: "Tại hôm nay hổng đem nhiều tiền chứ nếu có tui ôm hết mấy món đồ của ông ngay".

Cá không cắn câu mới lạ!

Nãy giờ còn hơi nghi ngại nhưng khi thấy người đàn ông móc ví trả tiền rinh chiếc ly bằng bạc, một số vị khách lúc này mạnh miệng hỏi giá cái chén, đôi đũa, chiếc muỗng… "bạc trăm năm".

Trả gần 1 triệu đồng cho đôi đũa bạc được chạm hình rồng rất tinh xảo, một phụ nữ chạy xe SH giọng hớn hở: "Từ đây không lo bị ngộ độc thực phẩm hay nạp hóa chất vào người rồi".

Chị nọ vừa dứt lời thì có tiếng hô: "Công an tới", gã nọ mau chóng túm lấy 4 góc tấm bạt rồi hòa mình vào đám đông lủi mất. Sự xuất hiện của lực lượng tuần tra giải phóng lòng lề đường đã cứu nguy cho các con mồi tương lai của gã thoát khỏi bàn thua trả tiền thật rinh đồ gia bảo dỏm.

Đem những gì mục kích được trao đổi với ông Q., chúng tôi nhận từ ông nụ cười mỉa: "Dùng khoảng hai tuần là chị nọ sẽ ngộ ngay đó là đũa xi bạc giá chỉ vài chục ngàn một đôi thôi". Ông Q. phân tích: "Thời buổi này làm gì còn có chuyện kẹt tiền bán cổ vật gia bảo như gã nọ rêu rao. Mà nếu có thì họ cũng bán có chỗ có nơi chứ đâu có kiểu bầy ra vỉa hè như đồ tầm bậy vậy được".

Đi tìm hiểu sự thật, tôi đã gặp chị Nguyễn Thu Hoài, ở phường 17, quận Bình Thạnh, người từng sụp bẫy 2 chiếc muỗng và chiếc tô "bạc trăm năm" để nghe chị kể lại chuyện thương đau.

Như ông Q., chị Hoài gửi gắm lời khuyên: "Khi phát hiện mình bị lừa, tôi định đi báo Công an nhưng phần ngại mọi người chê cười, phần nghĩ mình chẳng có cơ sở, bằng chứng gì để kết tội chúng nên thôi. Bởi vậy tốt nhất mọi người nên tẩy chay cái kiểu mua cổ vật vỉa hè đi. Đừng để khi ngộ ra thì chuyện đã muộn"
 

 
Theo T.Dũng (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm