Tác giả 'Sài Gòn-Hai đầu thế kỷ' trải lòng

Tối 19-8, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) đã diễn ra buổi giao lưu chủ đề "Giữ gìn di sản Sài Gòn" của cựu nhà báo Phúc Tiến tại BCF Phương Nam thu hút đông đảo mọi người tham gia.

Buổi trò chuyện còn có sự tham gia của Nhà nghiên cứu trẻ Phan Khắc Huy- trưởng nhóm Cội Việt và nhóm tác giả cuốn sách Sài Gòn – Hai đầu thế kỷ là cựu nhà báo Phúc Tiến và Văn Phụng Khắc Minh mang đến chương trình câu chuyện khám phá “Sài Gòn cổ tích”, chia sẻ những ý tưởng xây dựng đô thị Sài Gòn từ hơn 100 năm trước. Những hình ảnh kiến trúc và cảnh quan Sài Gòn ở hai đầu thế kỷ XX và XXI do khách mời sưu tầm và thu thập được, sẽ trở thành minh họa sinh động và cơ sở đề xuất những biện pháp thiết thực để giữ gìn di sản Sài Gòn.

Cựu nhà báo Phúc Tiến (giữa) cùng trao đổi với mọi người về gìn giữ di sản Sài Gòn... ẢNH: THANH TUYỀN.

Bên cạnh đó, hoạt động trưng bày hơn 40 bức ảnh so sánh các kiến trúc và cảnh quan Sài Gòn xưa và nay của các tác giả cũng sẽ được giới thiệu tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ sáng 17- 8 đến hết ngày 19-8.

Nhận định rõ trong quá trình phát triển đô thị, vấn đề gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng. Cả ba đều đồng ý rằng: Di sản là tất cả những gì gọi là hay, là đẹp của quá khứ để lại, của cha ông, thế hệ đi trước để lại cho chúng ta. Chính vì vậy, cần thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc để góp phần phát triển cả về kinh tế và đời sống tinh thần của người dân.

Cựu nhà báo Phúc Tiến chia sẻ về những giá trị của di sản và cho rằng, chúng ta cần tôn trọng những giá trị xưa chứ không phải cứ đập bỏ xây lại là xong. Anh kể về bề dày lịch sự của Nhà thờ Đức Bà: “Chúng ta nhìn qua bên phía nhà thờ Đức Bà, đây là kiến trúc có từ năm 1880. Khi chúng tôi tìm lại di tích của nhà thờ Đức Bà thì mới ngạc nhiên khi tìm được tấm bản đồ quy hoạch nhà thờ. Năm 1880, nhà thờ Đức Bà chưa có hai cái tháp; đến năm 1895 mới có hai tháp xây ở trên. Khi tôi tìm được bản đồ quy hoạch đó mới thấy người Pháp hình dung ra nhà thờ Đức Bà có hai tháp cao và Sài Gòn được quy hoạch rất là đẹp”.

Làm sao để gìn giữ nét di sản Sài Gòn chưa qua từng giai đoạn lịch sử là điều mà tác gải cũng như nhiều người đau đáu. Trong ảnh: Người dân đến đường sách dừng lại xem tranh về Sài Gòn xưa. ẢNH: THANH TUYỀN.

Anh kể thêm, Sài Gòn có thành Gia Định. Trong cuốn tạp chí của Hội nghiên cứu Đông Dương năm 1935 có nói rằng năm 1926 người ta đã đào được cái tường thành của thành Gia Định, thời Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790, nó chính là một phần của con đường Lý Tự Trọng ở chỗ công viên Chi Lăng. Công viên này bây giờ bị phá nên không nhìn thấy được con dốc, cái con dốc đó chính là phần đất cao ráo từ nhà thờ Đức Bà chạy tới, đó là một bờ thành được người ta xây nên.

Cựu nhà báo Phúc Tiến cũng nhắc lại về từng địa điểm mà các nhà cao tầng đang mọc dần lên thay thế những di sản cũ chỉ còn lại trong ký ức. Anh nói vui là những di sản đó đã “bay lên trời”.

Anh chia sẻ câu chuyện: “Mấy hôm nay chúng ta đang mất bãi giữ xe. Một trong những nơi trở thành bãi giữ xe mà đã “bay lên trời”... Thời điểm anh Hiếu Minh chụp hình tòa nhà đó thì nó còn mang tên là Ngân hàng dầu khí PG Bank, ở bên cạnh Diamond Plaza. Đó là viện bảo tàng lịch sử đầu tiên đặt tại Sài Gòn, trước khi chúng ta có viện bảo tàng lịch sử trong sở thú. Hội nghiên cứu Đông Dương đã đặt ở đó và nhà đó còn tồn tại đến năm 2014, anh Hiếu Minh chụp xong thì nó “bay lên trời” mất rồi. Hiện tại thì nó đang là bãi giữ xe, người ta chuẩn bị xây một trung tâm hay gì đó... Có những miếng đất, thịt nạc như vậy mà người ta cứ phá đi rồi để đó mà không có một cái bảng lưu niệm nơi đây từng là cái gì...”

Anh cũng nói thêm, tiêu chí mà anh cũng như anh Hiếu Minh thể hiện trong cuốn sách là cố gắng đi tìm những cái gì gọi là hay, đẹp... “Có thể chưa có được cái bảng di sản văn hóa hay kiến trúc nhưng trong con mắt chúng tôi, trong những tài liệu chúng tôi tìm thấy nó còn rất đẹp thì chúng ta cũng phải trân trọng nó. Những di sản nào mà 100 năm trước đây người ta đã hình dung, đã xây dựng và thiết kế để sống mãi với chúng ta”.

Anh cho biết, trong một cuộc chuyện trò cùng T.S Nguyễn Thị Hậu, cả hai đều rất tiếc khi nhìn vòng xoay Lê Lợi- Nguyễn Huệ bị đập bỏ.

“Tôi có nghe Hiếu Minh nói về quy hoạch kiến trúc của người Pháp, lúc nào họ cũng chú ý đến cái trục trung tâm của thành phố hai đại lộ giao nhau thì đó chính là hợp điểm, chính là cái vòng xoay. Còn ở mình, chúng ta thay nó bằng công trình nhạc nước, chắc cũng là hay lắm nhưng giá như giữ lại được cái vòng xoay, bồn phun nước đó có từ năm 1943 thì sẽ hay hơn chứ”, anh nêu quan điểm.

Người nghe cùng góp ý kiến của mình về việc gìn giữ di sản Sài Gòn. ẢNH: THANH TUYỀN.

Qua đó, cựu nhà báo Phúc Tiến cũng nêu rõ quan điểm rằng, tất cả những tòa nhà cao ốc xây dọc theo các tuyến đường cần phải mời các nhà khảo cổ đến tìm hiểu và giữ lại những giá trị di sản mà chúng ta có trước khi cho tiến hành đập bỏ.

 “Chúng ta có khung luật lệ, có nhiều luật di sản nhưng vấn đề là chúng ta có nhớ, các cơ quan chức năng có nhớ để thực hiện các quy định đó hay không. Vừa rồi chúng ta biết có một biệt thự cổ ở khu vực gần cầu Băng Ki, khi người ta đập thì mọi người phát hiện và đưa lên Facebook, lúc đó có một anh công chức trẻ gọi điện cho ủy ban, nói rằng theo quy định thành phố, những nhà này nằm trong quy định về di sản của thành phố nên không được phép đập. UBND quận và phường đã thực hiện điều đó và cho ngưng lại. Trong vài cuộc trò chuyện, cô Hậu có nói với tôi rằng nhiều công trình kiến trúc muốn đập phải mời các nhà khảo cổ học đến để khảo sát trước khi đập bỏ để lưu lại những giá trị di sản thời cổ xưa”, tác giả cuốn sách Sài Gòn- Hai đầu thế kỉ nói thêm.

“Chợ Bến Thành ngày xưa nằm trên con kênh gọi là kênh chợ Vải, đường Nguyễn Huệ hồi xưa là một con kênh chỗ đó là vùng đất mà nó tụ lại và đến sau này thì có những kiến trúc khác nhưng rất tiếc... phải nhìn những cảnh đập bỏ tan nát, thậm chí là những viên gạch từ năm1943 cũng không được giữ lại. Chúng ta có luật lệ, nơi này nơi kia thông tin không đầy đủ, những cán bộ công chức, cơ quan chức năng có thể không đủ sức hoặc không biết đã quên đi hay là lỡ rồi... Nhiều công trình cứ “bay lên trời” như công viên Chi Lăng... Hoặc tôi nghĩ cần phải làm bảo tàng về hàng hải đặt tại Bason, không có bảo tàng thì rất là phí, nó tan tác hết tất cả các hiện vật”, anh đau đáu.

Cựu nhà báo Phúc Tiến cũng cho rằng, di sản là làm ra tiền, di sản không chỉ để trang trí. “Không chỉ là người ta mua vé đi vào bảo tàng tham quan, nó là một ngành kinh tế rất là lớn. Quan trọng là chúng ta có biết cách khai thác nó để phát triển kinh tế như các nước khác hay không”, anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm