Tấm lòng của người dưng với bé trai bị bỏ rơi

Sáng 26-3, Trạm Y tế xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP.HCM) đông người ghé hơn mọi ngày. Phần đông trong số họ đều nghe tin có một bé trai đỏ hỏn nên đến để thăm hỏi tình hình của bé và tặng bé quần áo, tã, sữa.

Sợ bé không qua nổi

Chăm sóc túc trực bé không rời là bà Nguyễn Thị Tốt, mẹ của chàng trai Phan Nguyễn Trí Dũng (21 tuổi), người phát hiện bé đầu tiên trong đêm tối. Anh Dũng kể lại lúc gần 8 giờ rưỡi tối 25-3, anh ra cổng số 3 Khu di tích Ngã Ba Giồng chơi thì nghe tiếng khóc. Ban đầu anh tưởng là tiếng mèo kêu vì chỉ ré lên rồi tắt. Anh lấy đèn pin điện thoại rà quanh chỗ gần gốc cây thì phát hiện trên nền gạch, một bàn tay nhỏ xíu đưa lên thì vội chạy lại.

Cảnh tượng diễn ra trước mắt anh là em bé được quấn trong chiếc áo ấm đen nằm trên tấm áo mưa trên nền gạch. Bồng đứa bé lên và giở người bé ra, anh thấy trên người bé vẫn còn máu thì rất hoảng sợ nên gọi điện thoại báo cho Công an xã Xuân Thới Thượng. Sau đó, công an xã đến và đưa bé về trạm y tế xã chăm sóc.

Chàng trai Phan Nguyễn Trí Dũng cùng bé trai bị bỏ rơi mà anh nhặt được. Ảnh: HOÀNG LAN

“Em bé người vẫn dính dây rốn còn ướt và buộc chỉ, có lẽ chỉ mới vừa sinh thôi. Nếu không có tiếng khóc và cánh tay bé giơ lên thì tôi không nghĩ đó là đứa bé mới sinh. Lúc bế lên da bé đã tím tái rồi” - anh Dũng kể lại.

Anh Dũng chia sẻ có lẽ do có duyên với bé và bé may mắn nên mới được mình phát hiện bởi lẽ thời điểm đó, cổng khu di tích rất tối, nhiều người chạy bộ tập thể dục nhưng không một ai phát hiện ra bé. Ngoài ra, bình thường anh cũng ít khi ra cổng số 3 của khu di tích này.

Từ khi cứu được một sinh linh bé bỏng vừa chào đời, anh Dũng không tài nào chợp mắt được. Anh kể tối hôm qua cả gia đình anh gồm bốn người đã họp lại lúc 3 giờ sáng để tính nhận bé về nuôi vì cảm thấy bé rất có duyên với mình. Dù độc thân nhưng Dũng tin sợi dây gắn kết tình cảm lúc chào đời với bé sẽ giúp mình vượt mọi khó khăn và bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị để nuôi dưỡng bé. Dũng kể lúc mới phát hiện bé, anh cũng mong tìm thấy thứ gì đại loại như giấy tờ đặt cạnh bé nhưng tuyệt nhiên không có gì.

Bà Tốt, mẹ anh Dũng, cho hay: “Lúc mới nhặt được bé, Dũng về nhà hỏi tôi có muốn nuôi em bé không. Tôi nhắc con nuôi một đứa bé không đơn giản đâu, con phải suy nghĩ cho kỹ. Nó nói con nghĩ kỹ rồi. Thằng anh của nó còn độc thân cũng tán thành. Vậy là cả nhà đều đồng ý, sáng sớm nay, tôi lật đật lên đây coi sóc bé thế nào. Nuôi một đứa bé rất vất vả nhưng có tình thương yêu thì khó khăn nào rồi cũng qua”.

Nhiều người xin nhận nuôi bé

Trong ngày 26-3, có rất nhiều người đến xin nhận nuôi bé trai và ủng hộ tã, sữa, quần áo cho bé. Người thì quyên góp quần áo, sữa hộp, các vật dụng của trẻ sơ sinh như bao tay, vớ, dầu, sữa tắm... Có những người mẹ có con vài tháng tuổi cũng ghé và ủng hộ sữa mẹ cho bé và dặn dò khi hết thì cứ báo để vắt sữa mang qua.

Chị NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNGPhó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn

Ít nhất mẹ đã cho con chào đời

Một trong số những người hay tin về bé sơ sinh bị bỏ rơi sớm nhất là chị Kim Thoa, bán tạp hóa ở chợ Xuân Thới Thượng. Chị Thoa cho biết từ sáng sớm, các chị em tiểu thương đã kháo nhau và gói ghém tặng bé quần áo. Do quần áo quá nhiều mà không có tủ nên chị Thoa lật đật đi mua tủ về để đựng đồ cho gọn. Vừa thu xếp từng bộ quần áo bé xíu vào tủ, chị Thoa vừa chép miệng: “Mỗi người mỗi cảnh, tội đứa bé không mẹ”.

Đôi bàn tay xương xẩu cầm tờ 100.000 đồng, bà Phạm Thị Nhung nhỏ nhẹ xin ủng hộ mua ít sữa cho bé. Đi theo bà Nhung là đứa bé gái khá hiếu động. Nhìn theo cháu, bà Nhung xúc động: “Cha mẹ nó cũng bỏ đi từ lúc nó mới đẻ ra, tôi phải đi kiếm nó tận bệnh viện ở tuốt Đồng Nai để mang về. Chăm sóc nó không cha không mẹ thấy thương lắm, suốt ngày chỉ bám riết lấy mình. Giờ thấy bé nào bị bỏ rơi, không hơi ấm của cha của mẹ là tôi cảm thấy buồn. May mà cháu tôi còn có tôi. Mình làm không có tiền không dám nhận bé về nuôi, thôi nhịn ăn sáng ủng hộ cho bé”.

Chị Trần Thị Thủy Tiên cho biết chị đọc thông tin trên Facebook nên bàn với ông xã đến xin nhận bé về nuôi bởi bốn năm cưới nhau, hai vợ chồng chị dù chạy chữa nhiều nơi vẫn hiếm muộn. Chị Tiên cho rằng người mẹ cũng rất dũng cảm khi chấp nhận cưu mang đứa trẻ chín tháng trong bụng để bé có một hình hài đẹp như thiên thần, chấp nhận sự tồn tại của bé, có lẽ vì một phút nông nổi mà bỏ con, mong mẹ bé suy nghĩ lại.

Mồ hôi nhễ nhại và còn nguyên bộ đồng phục ở trường, hai chị em bé Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh cấp 2 tới gửi cho bé ít quần áo. Bé Thảo chia sẻ hai chị em phải khều ống heo mới có đủ tiền mua. “Em cũng không có mẹ từ nhỏ nên nghe bé em thấy xót lắm” - bé Tú chia sẻ.

Bé trai vẫn say giấc, thỉnh thoảng trở mình ngáp dài, gương mặt phụng phịu đáng yêu khiến ai cũng “tan chảy”. Bé chưa lớn để hiểu sự mất mát của tình mẫu tử lúc chào đời nhưng mong rằng tình yêu thương sẽ theo em vào đời.

Thao thức chăm bé suốt đêm

Chị Huỳnh Thị Năm, cán bộ chuyên trách trẻ em của xã, cho hay đêm qua khi tiếp nhận bé chị không dám ngủ. “Tôi phải mở mắt dòm bé hoài vì sợ bé ngưng thở. Dường như biết số phận của mình hay sao mà bé chẳng khóc gì cả, chỉ e e đòi bú nên tôi mới sợ bé có chuyện gì trong đêm, thà bé khóc mình an tâm hơn” - chị Năm kể. Chị Năm dặn các cán bộ tiếp nhận ở trạm y tế ghi kỹ đặc điểm cái áo, tấm áo mưa bé được quấn trước khi bị bỏ rơi: “Ghi lại kỹ để mấy chục năm sau, người ta nghĩ lại kiếm con thì còn đối chiếu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm