Tháo nhẫn không dễ như ta tưởng

Không ít cặp đôi sau khi ký đơn đã ước rằng mình bình tĩnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn. Mặc dù không phải mọi cuộc ly hôn đều là điều xấu. Có những trường hợp đã tìm thấy hạnh phúc thực sự của mình sau khi dứt khỏi lựa chọn ban đầu. Vậy phải làm sao để quyết định ly hôn sẽ không gây nuối tiếc về sau. Hãy chắc chắn được 10 điều dưới đây trước khi bạn quyết định tháo nhẫn, giải phóng cả hai.

Không thể cứu vãn

Dù chỉ còn một tia hy vọng cứu vãn cuộc hôn nhân này cũng không nên từ bỏ. Đa số các cuộc đổ vỡ đều còn khả năng cứu chữa nhưng nó đã…tan nát chỉ vì người trong cuộc không chịu thực hiện cuộc đại tu. Hãy chỉ ký đơn khi chính bạn chắc chắn rằng không còn đường nào để níu kéo cuộc sống chung tiếp tục, không còn cách nào để giữ gìn gia đình này.

Tháo nhẫn không dễ như ta tưởng ảnh 1

Trợ cấp

Bạn cần có kiến thức pháp luật rõ ràng trong chuyện phân chia tài sản sau khi ly hôn. Các khoản trợ cấp có thể có nếu bạn nuôi con hoặc do kinh tế từ trước đến nay bạn là người phụ thuộc, quy định về bồi thường (nếu có)… Lo toan chi phí cho cuộc sống không phải là điều dễ dàng, đó cũng là một phần lý do người ta góp gạo thổi cơm chung. Trong lúc nghĩ đến điều này, mong là sẽ xuất hiện rất nhiều “tài sản” bạn không muốn phân chia.

Kế hoạch B

Phải có phương án dự phòng cho các rủi ro có thể xảy ra. Liệu bạn có được một cuộc chia tay trong hòa bình, cả hai sẽ chung tay lo cho các con, bạn sẽ sống tiếp ở căn nhà hiện tại… Nhưng nếu không như vậy, bạn sẽ làm gì? Việc thu xếp cuộc sống một mình có thể sẽ khiến bạn cảm nhận rõ ràng hơn cần thiết có sự chung đôi để cuộc sống dễ dàng hơn, ấm áp hơn. Thông thường người ta sẽ dễ tha thứ cho nhau hơn khi suy nghĩ kín kẽ về tương lai lẻ bóng.

Người phối ngẫu

Tháo nhẫn không dễ như ta tưởng ảnh 2

Tất nhiên bạn đã hiểu, hiểu nhiều về người phối ngẫu của mình. Tuy nhiên, thời điểm này là lúc bạn phải thực sự tập trung, đọc thấu suy nghĩ, tình cảm của người ấy. Hãy tự hỏi mình người ấy có muốn ly hôn không, người ấy sẽ phản ứng như thế nào sau khi ly hôn, sẽ sống ra sao, cư xử thế nào với bạn, các con…? Lỗi lầm (nếu có) liệu có thể sửa chữa? Càng hiểu rõ về người ấy, bạn càng có được quyết định chính xác hơn.

Tài chính

Ảnh hưởng của cuộc ly hôn đến khả năng tài chính của bạn là như thế nào? Tài sản chung, công việc trong tương lai, nguồn thu nhập để bạn tiếp tục cuộc sống khi một mình lo liệu tiếp cuộc sống của bản thân? Bạn phải thực sự vạch ra được con đường tài chính trong tương lai của mình, nếu thấy ổn thì mới tính tiếp.

Tài khoản ngân hàng

Không ít người sau khi lập gia đình đã giao hẳn các vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng, giấy tờ nhà…. cho người phối ngẫu. Đến khi cần đến lại lúng túng vì chưa từng làm những việc liên quan đến nó. Cuộc sống vợ chồng càng ràng buộc (không phải phụ thuộc nhé) về tài sản thì càng khó tách rời nhau. Nếu bạn muốn ly hôn, phải chắc chắn rằng mình sẽ thực hiện được mọi thủ tục, quản lý, sử dụng được mọi giấy tờ liên quan đến tài chính của mình.

Sự thật về ly hôn

Tháo nhẫn không dễ như ta tưởng ảnh 3

Dù sắp xếp rất kỹ, nhưng việc ly hôn sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc hơn bạn nghĩ. Có lúc bạn cảm thấy chỉ muốn thoát ra càng nhanh càng tốt nhưng nó sẽ không diễn tiến suôn sẻ như vậy, bởi cả pháp luật lẫn gia đình đều có xu hướng hàn gắn. Bất cứ cuộc ly hôn nào cũng gây ra hậu quả, tổn thương ở một chừng mực nào đó. Bạn cần biết rằng dù là làm cuộc cách mạng giải phóng bản thân thì đó cũng là một cuộc đấu tranh, có nhiều điều bạn phải chịu đựng. Trong đó bao gồm tai tiếng, đau đớn, dằn vặt, trách móc, sự nghiệp liêu xiêu…. Cần sẵn sàng cho những điều đó.

Mất đi bạn bè

Đương nhiên, người bạn lớn nhất mà bạn mất trong đổ vỡ này là người phối ngẫu. Còn các bạn bè chung và riêng của hai người, họ sẽ ứng xử như thế nào trước quyết định của hai người. Sẽ có nhóm ủng hộ bạn và sẽ có nhóm ngược lại. Nhóm ủng hộ chưa chắc đã tốt trong khi nhóm phản đối sẽ chỉ trích, chê bai…thậm chí nghỉ chơi bạn. Sau vụ việc này, có một vài người, một vài nhóm các bạn sẽ không thể tiếp tục ngồi chung với nhau được nữa. Bạn có chịu đựng được điều đó?

Con cái

Tháo nhẫn không dễ như ta tưởng ảnh 4

Dù các con của bạn bao nhiêu tuổi, chúng cũng luôn cần cả cha và mẹ. Ly hôn dù khi con cái đã lớn cũng là một đả kích lớn. Các con càng nhỏ, hậu quả càng lớn. Nếu yêu thương các con, bạn phải chọn cách xử lý khủng hoảng ít gây tổn hại nhất đến chúng, trong đó có cả khả năng gương vỡ lại lành.

Hãy tự đặt ra những câu hỏi, tự chất vấn mình mọi biện pháp có thể để bảo vệ các con của bạn. Con cái là lý do lớn nhất để hàn gắn mọi rạn nứt trong hôn nhân.

Cách ly hôn bạn chọn

Theo quy định của pháp luật, khi ly hôn chúng ta có quyền lựa chọn cách thức theo nhu cầu cá nhân. Ly hôn có hòa giải hay không, thương lượng về tài sản hay phân chia theo pháp luật, tranh chấp đến cùng….Luật sư thường làm theo thói quen nhưng bạn cần làm chủ việc này.

Bạn cần phải hiểu rõ các lựa chọn của mình, luật pháp và lựa chọn luật sư phù hợp nhất. Việc lựa chọn cách thức chia tay nhau chứng tỏ trình độ hiểu biết, cách hành xử văn minh và trên hết, giảm thiểu tổn thương cho chính bạn.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm