“Thấy con nhỏ làm bông là biết Tết sắp đến rồi!”

Chị cười tươi khoe những chậu cây lá ngọc cành vàng đã làm sẵn để chuẩn bị giao cho khách.

Chị là Lê Thị Quỳnh Như, nhà ở ngay chợ Phú Trung (Quận Tân Phú). Đã hơn 3 năm nay, cứ mỗi độ cận Tết, vợ chồng anh chị lại tranh thủ làm những chậu cây cành vàng lá ngọc dùng để trang trí nhà cửa, bàn thờ mỗi dịp tết đến xuân về.

Chiều nay, tôi ghé qua nhà người bạn chơi, thấy người phụ nữ đang đứng tựa cửa cuốn cuốn cây vàng đẹp mắt, nên bắt chuyện. Hỏi ra mới biết, chị đang làm hàng Tết. Vừa làm, chị vừa kể chuyện nghề, kể chuyện "trai miền Nam thương vợ" cưng gì đâu!

Thấy chậu bông là thấy Tết!

Vợ chồng chị Như đang làm cây lá ngọc cành vàng

“Làm cả chục công đoạn mới ra được cái cây. Thay vì đi làm mướn cho người ta thì mình chọn công việc này, lấy công làm lời. Mỗi năm một kiểu, đâu năm nào giống năm nào. Mình phải học, xem tự đổi mới, làm một kiểu hoài lạc hậu lắm, ai mua. Chị chuyên đổ sỉ cho mấy người buôn, mỗi cây lãi có mấy chục hà. Người ta bán ra nhiu thì chị hông biết, nhưng chị thấy họ bán cũng được lắm!”, vừa thoăn thoắt cuốn chặt một cây còn dang dở chị vừa rổn rảng kể chuyện.

Anh chị đang ở nhà mướn. Khắp nhà la liệt cây và nguyên vật liệu làm cây cành vàng lá ngọc.

“Đâu phải tự nhiên nó thành cây vầy đâu. Đây là hàng thủ công, chị ra chợ, mua nguyên vật liệu về lắp ráp: lá nè, dây kẽm nè… lựa cẩn thận từng thứ một. Như dây kẽm đem về phải cắt ra từng đoạn rồi xoắn lại, từng cành, từng bông vậy đó, rồi tạo dáng cho cây.... Mình chuyên bỏ sỉ, cây nhỏ nhỏ thì tầm 30-40.000 đồng, cây lớn đẹp thì tầm 500.000 đồng, có cây tiền triệu… ”, chị kể.

Ngoài góc cổng, anh Lê Văn Trúc, chồng chị đang hì hụi đốt lửa khoan cắt, tạo lỗ đặt cây vào đồng tiền vàng. “Làm cái này là làm tối ngày, không có thời gian rảnh. Nhưng vui lắm, thấy nó là thấy Tết rồi!”, anh Trúc cười hồn hậu.

“Trai miền Nam cưng vợ lắm em ơi!”

Chị Như kể chị quê gốc ở Hậu giang, anh ở Bến Tre. Tết năm nào, dù khó khăn đến đâu anh chị cũng ráng về cả hai quê.

“Năm thì về quê vợ trước, năm thì về quê chồng trước. Nhưng năm nào cũng về 2 quê. Đổ 50.000 tiền xăng là có tiền về hà”, chị cười.

"Bên nào cũng là cha là mẹ, sao không cho vợ về ngoại được"

Chúng tôi hỏi chuyện, một số ông chồng lấy vợ xong là không cho vợ về ngoại ăn Tết nữa. “Năm nào cũng về quê cả hai đón Tết, cũng tốn kém anh ha?”, tôi hỏi vậy, anh Trúc cười lớn: “Có chuyện đó hả, vậy là mua đứt vợ luôn hả. Trả nhiêu mà hông cho người ta về ngoại ăn Tết? Phong tục gì đâu kì vậy. Làm có tiền thì về thôi. Sống bình đẳng, bên nào cũng là cha là mẹ, sao không cho vợ về ngoại được”, anh cười.

Muốn hỏi thêm xíu mà anh lắc đầu cười hà hà bảo, chuyện năm nào cũng về quê ngoại, quê nội ăn Tết là thường thôi, có gì đâu kể. Anh bảo muốn vợ đối xử với nhà mình sao thì chính mình cũng phải đối xử với nhà vợ như vậy.

“Trai miền Nam cưng vợ lắm em ơi”, chị Như nhìn chồng cười.

Nói rồi, hai anh chị lại tất bật với công việc: người cuốn cây, người lắp ráp.

Chỉ còn gần tháng nữa thôi là Tết đến rồi!

Người cháu họ cũng sang phụ giúp gia đình vợ chồng làm cây ngày Tết.

"Thấy nhỏ Như làm bông là biết Tết sắp đến rồi!"...

Nguyên vật liệu ban đầu

Những sợi dây kẽm tạo cành, thân cây

Đây là sản phẩm từ bàn tay khéo léo của anh chị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm