‘Thấy máu sợ quá trời, mà thôi cứu người trước rồi tính tiếp!’

1.

Chiều tối ngày 29-7, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn giao với đường Nguyễn Xí. Nạn nhân là một người đàn ông lớn tuổi, tóc đã bạc, đi xe máy.

Những người dân hai bên đường đã giữ xe và băng vết thương cho người đàn ông. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Không ai biết tại sao ông bị té xe. Có người bảo ông tự té, có người bảo do va quẹt với một xe máy trước, người kia thấy ông nằm đó thì chỉ nhìn rồi phóng xe đi mất. Thực hư câu chuyện chẳng biết sao.

Nhưng lúc té xong, người đàn ông nằm úp mặt xuống mặt đường, máu chảy rất nhiều, tầm 3 phút không động đậy, không lật người, tóc rũ xuống, che hết mặt, khiến nhiều người rất sợ.

Không ít người đi đường đứng lại xem, có người dựng hộ xe giúp ông, nhưng không ai dám đụng tới người đàn ông đang nằm úp mặt xuống lòng đường.

Những người dân buôn bán hai bên đường Phạm Văn Đồng chính là người đã giúp ông đứng dậy, giữ xe dùm và băng bó vết thương cho ông.

Chỉ khi được dìu vào lề đường, nạn nhân mới tỉnh táo lại. Một vết rách dài trên mặt, máu chảy liên tục, cả gương mặt người đàn ông toàn máu. Nạn nhân có mùi rượu và biểu hiện không tỉnh táo, phải thuyết phục mãi ông mới chịu đưa điện thoại để gọi về cho người nhà.

- Thấy ổng té rồi nằm im thin thít, máu quá trời, tui sợ lắm. Cũng sợ rắc rối, mà không cứu, lỡ ổng chết thì sao? Cứu người trước, rồi tính tiếp.

Người phụ nữ đã trả lời như vậy khi có người hỏi: “không sợ máu, không sợ rắc rối hả?”

2.

Thực ra không phải ngẫu nhiên mà gặp người bị tai nạn người ta vô cảm, không, phải nói là họ không dám giúp vì sợ rắc rối, làm ơn mắc oán. Một người quen của tôi, anh Tôn Long Hạ (Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) từng kể một câu chuyện như vầy.

Thầy Tôn Long Hạ- Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Hôm đó, anh thấy một cô gái bị tông xe ngã. Kẻ tông trúng cô đã rồ ga bỏ chạy, chỉ còn cô gái ngã trên đất vẫn chưa dậy được. Anh vội vã dừng lại, dựng xe và đỡ cô gái vào lề đường.

“Tôi còn hỏi cổ xem có cần hỗ trợ gì không, bảo gọi liền cho người nhà tới đón, có gì còn đi bệnh viện khám. Chút xíu sau, có người nhà tới, là một người đàn ông. Anh ta không nói không rằng đạp tôi một cái lộn nhào. Tôi xua tay bảo nhầm rồi tôi chỉ là người đi đường dừng lại giúp, rồi những người xung quanh can ngăn nói thêm rằng tôi không phải là thủ phạm, anh ta mới dừng lại. Điều tôi buồn là cô kia cũng không một lời giải thích. Anh kia biết đánh nhầm người cũng không một lời xin lỗi” - anh Hạ nhớ lại.

Nhưng khi tôi hỏi: “Liệu những lần sau thấy người bị nạn vậy, anh còn giúp đỡ không?”. Anh cười, bảo thực ra anh bị đánh vì giúp người mấy lần rồi, đó không phải là lần đầu.

"Cứ tự an ủi mình người ta nóng nên mới hành động vậy, chứ chẳng lẽ thấy người ta vậy không giúp. Cứ đặt mình vào vị trí người ta để cảm thông thôi. Chỉ cần thấy nhẹ nhõm, về nhà tâm an yên là đủ”.

3.

Tôi không hỏi người đàn ông bị tai nạn tét đầu, chảy máu là ai, tôi cũng chẳng hỏi những người đã giúp đỡ ông họ tên là gì.  

Sau khi người nhà nạn nhân tới, họ quay trở lại với công việc thường nhật của mình: người bán áo gối, người bán chè, bán giày dép…

Câu chuyện nhỏ tôi chép lại, tặng cho... ngày chủ nhật. Chợt nhớ câu hát: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm