Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu: Thêm gánh nặng cho dân!

Trên số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCM thông tin việc Bộ GTVT công bố dự thảo nghị định về quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó sẽ thu qua xăng dầu với mức phí 1.000 đồng/lít xăng và 100-800 đồng/km với xe chạy bằng dầu diezel.

Đây là đề xuất gây lo ngại, nhất là trong bối cảnh giá xăng bán cho người tiêu dùng đã phải “cõng” quá nhiều loại phí, thuế và là mặt hàng nhạy cảm, dễ tác động đến các mặt hàng thiết yếu khác… Lãnh đạo Bộ Tài chính và các doanh nghiệp vận tải đều cho rằng đề xuất của Bộ GTVT không thuyết phục người dân.

Chăm chăm thu phí là không ổn

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho rằng việc xây dựng quỹ bảo trì đường bộ có thể là cần thiết. Tuy nhiên, nếu thu qua giá xăng thì cá nhân ông không đồng tình. “Thực tế, để bảo trì đường bộ thì hiện nay chúng ta cũng đã thực hiện nhiều kênh khác nhau. Do vậy, không nhất thiết phải thu qua giá xăng” - ông Thỏa nói.

Cũng theo ông Thỏa, hiện nay trong cơ cấu giá xăng dầu có gần 10 khoản thuế và phí. Tổng các khoản thuế và phí đã chiếm tới 30% giá xăng dầu. Cạnh đó, hiện giá xăng đã có 1.000 đồng tiền phí, trong đó có một phần là phí giao thông rồi, giờ thêm một loại phí bảo trì nữa là không ổn…”.

Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu: Thêm gánh nặng cho dân! ảnh 1

Việc thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng liệu có tác động đến mặt bằng giá cả? Ảnh: HTD

Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết ông vừa nhận được dự thảo nghị định về quỹ bảo trì đường bộ từ Bộ GTVT gửi sang. “Mặt hàng xăng dầu là cực kỳ nhạy cảm, nên cân nhắc thận trọng việc thu thêm một khoản thu nữa qua giá xăng dầu. Quan trọng là ở Việt Nam, nếu bắt giá xăng phải “cõng” thêm một khoản phí nữa thì độ nhạy cảm của giá xăng sẽ rất gay go, phức tạp hơn nhiều. Chắc chắn mặt bằng giá cả nói chung, nhất là các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng. Bên cạnh đó, bản chất của quỹ này cần được xem lại từ gốc. Bởi nhà nước thu thuế của dân thì phải làm và bảo trì đường sá cho dân nhưng Bộ GTVT lại đẻ thêm một loại phí mới thì xem chừng không được. Để đường tốt thì nên tìm cách thu khác, đừng chăm chăm chỉ tính đến chuyện thu tiền của người dân” - vị này nói.

Đừng hành khó doanh nghiệp

Đồng tình với việc thành lập quỹ nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng đã thu phí thì phải bình đẳng, bảo đảm được nguyên tắc đi lại nhiều, đóng phí nhiều, đi ít thì đóng ít, không đi thì không phải đóng. Nhưng phương án mà Bộ GTVT đề xuất và chọn lựa đã không đáp ứng được những nguyên tắc trên. Vì thực tế, không chỉ phương tiện giao thông đường bộ dùng xăng mà nhiều loại hình khác cũng phải dùng. Do đó, không thực hiện sự chi trả cho họ là thiếu bình đẳng. Ngoài ra, việc bắt doanh nghiệp phải lắp đặt thiết bị tính phí là biện pháp hành doanh nghiệp.

“Nếu lắp đặt thiết bị tính phí, ai chịu khoản tiền này? Dự thảo quy định là với xe chưa lắp thiết bị tính phí, phải mang hóa đơn chứng minh đã nộp phí bảo trì khi tham gia giao thông… Chẳng có quy định nào của pháp luật bắt chủ xe phải mang theo mình loại giấy tờ này cả!” - ông Hùng nói.

Cùng chung ý kiến trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ nhiệm HTX Vận tải Thăng Long, cho rằng doanh nghiệp sẵn sàng đóng phí nhưng phương án thu phải đảm bảo sự công bằng và không ảnh hưởng đến các vấn đề khác của xã hội. “Mỗi lần giá xăng tăng, các mặt hàng khác cũng tăng theo khiến người dân rất lo ngại. Do đó, thu cái này không chỉ là khía cạnh giao thông mà phải nghĩ đến cả khía cạnh tác động kinh tế-xã hội nữa”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội, cho rằng nếu có thu thì doanh nghiệp cũng chẳng thiệt hại gì vì tất cả đều sẽ tính vào giá thành vận tải, khách hàng sẽ gánh. Bộ GTVT phải tính đến các yếu tố khác, đừng vì lợi ích cục bộ làm thiệt hại đến lợi ích chung của xã hội”.

LÊ THANH - THÀNH VĂN

Hiện các khoản thuế và phí đã chiếm tới 30% giá xăng, dầu, nếu thêm 1.000 đồng giá xăng, dầu sẽ đội lên thêm.

Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu: Thêm gánh nặng cho dân! ảnh 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm