Thực và hư trong “tiểu thuyết toán hiệp”

Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình là cuốn sách GS Ngô Bảo Châu viết chung với một người bạn - Nguyễn Phương Văn (tức blogger 5 xu, khá nổi tiếng với cuốn Thời tiết đô thị). Có thể coi đây là một cuốn sách “văn chương hóa” toán học, nghĩa là kể lại lịch sử toán học, diễn giải các khái niệm, các công trình của những nhà toán học nổi tiếng như Pythagore, Thales, Descartes… thông qua một câu chuyện. Vì có yếu tố lịch sử ở đây nên hai tác giả gọi vui tác phẩm của mình là “tiểu thuyết toán hiệp”.

“Bảy thực ba hư”

“Giống như trong truyện kiếm hiệp, sách dựa vào một số dữ kiện lịch sử, ở đây là lịch sử toán học” - GS Ngô Bảo Châu chia sẻ. Ông cho rằng tác giả Nguyễn Phương Văn đã dùng từ rất đạt khi gọi đứa con tinh thần của hai người là “tiểu thuyết toán hiệp”. Về phần mình, Nguyễn Phương Văn cũng rất thích sáng tạo của Ngô Bảo Châu ở chi tiết “hiến pháp của Vương Quốc Của Các Con Số”. Hiến pháp ấy được tuyên như sau:

“Chỉ có duy nhất một đường thẳng đi qua một điểm cho trước, song song với một đường thẳng cho trước. Đường thẳng song song đó là đường thẳng thần thánh. Đức vua Ka-Cơ là người duy nhất chứng minh được điều này; bởi vậy ngài chính là người vâng mệnh trời đến vương quốc này để làm vua. Đức vua Ka-Cơ là người duy nhất biết phép tìm nguồn gốc của tất cả con số bằng căn. Đồng thời không ai được phép dùng phép căn để tìm nguồn gốc của đức vua Ka-Cơ. Mọi quyết định của đức vua Ka-Cơ ở Vương Quốc Của Các Con Số sẽ là quyết định cuối cùng, sáng suốt và nhân ái”.

Tác giả Nguyễn Phương Văn cho biết: “Hiến pháp mà vua Ka-Cơ đẻ ra chính là tác phẩm tuyệt diệu của Châu. Chúng tôi có sửa lại cho dễ hiểu và biến hóa nó. Tất nhiên, nó cũng có hàm ý” và độc giả có thể tự tìm hiểu.

Thực và hư trong “tiểu thuyết toán hiệp” ảnh 1

Cây thước nhiệm mầu của Euclid. Minh họa: THÁI MỸ PHƯƠNG

Một điều thú vị khác ở truyện là tính “bảy thực ba hư” của nó, nghĩa là mỗi nhân vật được đề cập đến đều là mô phỏng một nhân vật có thực ngoài đời hoặc trong một cuốn sách, một bộ phim khác. Ví dụ bạn đọc có thể đoán ra nhân vật Cartesius, người đã “truyền” cho Ai phương pháp tọa độ, chính là hiện thân của nhà toán học Descartes.

Còn tể tướng Chico là bản sao của nhà toán học Cauchy. Lịch sử ghi lại Cauchy vốn là người rất khổ hạnh và “bảo hoàng hơn vua”. Trong Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình, tể tướng Chico cũng vậy, khắc khổ, kiêu ngạo và đầy mâu thuẫn, đến độ chú bé Ai phải cảm thấy bất an: “Có một ông Chico đã dạy cho cậu biết về sự giới hạn, về chuỗi và những con số thực. Và một ông Chico rắp tâm làm hại Elaci và khát khao đóng cửa lò bánh mì của Carlorus”.

Bạn đọc cũng sẽ thấy phảng phất đâu đó hình ảnh của Alice trong xứ sở thần tiên và Steve Jobs, chủ tịch hãng Apple. Ở cuối cuộc hành trình, Ai và Ky còn thấy hiện lên “một miền đất xanh ngắt có dải bờ biển dài hình chữ S” - nơi mà chắc là tất cả độc giả Việt Nam đều hiểu đó là đâu.

Văn chương hóa toán học

Theo hai tác giả, dự định ban đầu của họ là viết một cuốn sách về lịch sử toán học. Trong quá trình viết (kéo dài tám tháng), họ chuyển hướng một cách tự nhiên nhưng vẫn bám theo mục tiêu trình bày các khái niệm toán học căn bản nhất. Tác giả Nguyễn Phương Văn kể: “Cốt truyện là do cả hai cùng xây dựng. Có rất nhiều cốt khác nhau nhưng khi viết thì tự nhiên chỉ còn lại cái này. Cốt truyện rất khó vì nó vừa phải dựa vào mạch toán học, vừa phải có tính hấp dẫn. Khi viết thì đến phần ai người ấy viết, lẫn lộn vào nhau. Chúng tôi viết đi viết lại, cắt bỏ, thêm vào rất nhiều lần. Nói chung cân bằng giữa hàm lượng toán và các tình tiết câu chuyện là rất khó”.

Thực ra, “văn chương hóa toán học” để những khái niệm khô khan và phức tạp của toán đến được với “người thường” không phải là việc làm mới mẻ. Nhiều thế hệ người đọc Việt Nam từng biết đến và mê mẩn những cuốn sách nổi tiếng của Liên Xô ngày trước thuộc thể loại này như Ba ngày ở nước tí hon, Người mặt nạ đen ở nước An-giép (của hai nhà văn Vladimir Lyovshin và G.M. Alexandrov) hay Thuyền trưởng Đơn Vị (Vladimir Lyovshin). Nếu khắt khe mà đem so với những tác phẩm này thì Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình có phần yếu hơn về cốt truyện cũng như thiếu sự ly kỳ vốn rất cần thiết ở những câu chuyện mang tính chất du ký, trinh thám. Truyện cũng không có nhiều lời thoại vui vẻ, dí dỏm - những yếu tố nên có ở tác phẩm dành cho độc giả lứa tuổi học sinh. Nói cách khác, dường như tác phẩm này có nhiều phần toán mà ít phần “chuyện”.

Tuy vậy, điểm mạnh của cuốn sách lại là chất “toán hiệp”, tức là những dữ kiện lịch sử toán học của nó. Các nhân vật của truyện đều dựa vào các khuôn mẫu có thật, vì thế tính gợi mở chính là một nét hấp dẫn của tác phẩm này.

Với câu hỏi “Có thể căn cứ vào thước đo nào để biết được mức độ quan tâm của độc giả và tới mức nào là thành công?”, các tác giả cho biết: “Có một người đọc thấy thích cũng có thể coi là thành công rồi. Tất nhiên, nếu có 100.000 cuốn được bán ra thì vẫn thích hơn” và “Bạn đọc tò mò về các nhân vật, họ là ai ngoài đời, họ đã làm gì cho khoa học, họ sống ra sao, ở thời nào; các khái niệm toán học như trường, hệ tọa độ, không gian phi Euclid… là gì, có ý nghĩa gì… Chỉ mong bạn đọc tò mò về những nhân vật, khái niệm ấy rồi tự tìm hiểu thêm là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Tiêu điểm

Dành cho HS cuối cấp III đến… SV năm hai

Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình kể về cuộc dạo chơi của hai chú bé Ai và Ky trong xứ sở toán học, gặp gỡ các nhà thông thái - triết gia của nền văn minh Hy Lạp cổ. Cùng đi và cùng suy nghĩ với hai anh em Ai - Ky, độc giả sẽ được tìm hiểu về những khái niệm căn bản của toán học như điểm, đường thẳng, mặt phẳng, hệ tọa độ, định lý Pythagore, định lý Thales, tiên đề Euclid... Ai và Ky cũng lọt cả vào Vương Quốc Của Các Con Số của vị vua độc tài Ka-Cơ, chứng kiến cuộc thi chạy giữa cụ rùa làm bằng giấy bồi và nàng Alice xinh đẹp chạy nhanh gấp 10 lần cụ...

Dẫu tác phẩm chứa đựng nhiều khái niệm toán học nhưng bạn đọc cũng không nên… hốt hoảng, vì xét cho cùng đây chỉ là một cuộc dạo chơi. Tác giả Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn xác định độc giả mà cuốn sách hướng đến là học sinh “từ cuối cấp III đến năm thứ hai ĐH”.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm