Tính ích kỷ của người thành thị

Ngày 22-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo “Những chuyển biến ý thức pháp luật của cư dân TP.HCM trong quá trình xây dựng TP văn minh hiện đại”.

Để hội thảo có thêm thực tế sinh động, mời bạn đọc tham gia phản ánh chuyện mắt thấy tai nghe về những hành vi chưa văn minh của người đô thị. Tin, bài cộng tác xin gửi về tòa soạn 470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM hoặc email: baophapluat@phapluattp.vn.

Không đồng ý quan điểm “tâm lý tiểu nông” là nguyên nhân chính cản trở việc xây dựng những đô thị văn minh, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng biểu hiện của thói xấu phụ thuộc vào môi trường sống. 

Đừng đổ cho “Hai Lúa mới ra”

. Những hành vi xấu của thị dân như chen lấn, vứt rác ra đường, cho chó ị bậy nhà người khác... nói lên điều gì, thưa ông?

+ Nó cho thấy tính ích kỷ là một thói xấu dễ nhận biết ở môi trường đô thị. Đặc điểm của đời sống đô thị là mật độ dân số rất cao, tần suất tiếp xúc cũng rất lớn. Do đó, tự do của người này luôn bị giới hạn bởi tự do của người khác. Người nào muốn mình lợi nhiều hơn sẽ đụng chạm đến lợi ích của người khác. Chứ ông Robinson hay Mai An Tiêm ở ngoài đảo hoang thì không thể hiện được tính ích kỷ, vì có va chạm với ai đâu. Nói cách khác, vấn đề là ai có tính ích kỷ, còn ở thành thị hay ở nông thôn chỉ khác nhau về hình thức biểu hiện.

Tính ích kỷ của người thành thị ảnh 1

Vứt rác như thế này, một hành vi thường thấy ở đô thị. (Ảnh chụp trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) Ảnh: HTD

. Có nhiều người cho rằng những hành vi ấy xuất phát từ “tâm lý tiểu nông”, ông nghĩ sao?

+ Thói xấu nhiều hay ít rất khác nhau ở mỗi người, đồng thời cũng khác nhau về hình thức biểu hiện ở những môi trường sống khác nhau. Chẳng hạn tính ích kỷ ở nông thôn có thể bộc lộ qua việc nhổ trộm vài củ khoai, vài trái bắp của người khác... Chứ ở nông thôn, trâu bò đi dưới ruộng, trên đường thì ít người đi, việc gì phải chen lấn.

. Nhưng chính vì thế mới quen với việc đi lại tùy tiện?

+ Người nông dân khi mới lên phố đi lại tùy tiện, hoặc thảy rác ra đường chỉ là do thói quen chưa bỏ được. Hành động ấy có thể chỉ là vô ý thức. Còn cái kiểu xách rác từ nhà mình bỏ sang nhà khác thì chỉ những dân thành thị khôn lanh mới làm được. Dân nông thôn mới ra phố rất sợ công an phạt, còn dân thành thị biết rồi nên nhìn ba góc ngã tư không thấy công an là phóng qua. Sống ở thành thị mà ích kỷ thì thói xấu đó khủng khiếp hơn nhiều chứ đừng đổ cho “Hai Lúa mới ra”. 

Văn minh phải kèm điều kiện vật chất

Theo ông Nguyên, đô thị có rất nhiều cái “đa”: đa dân tộc, đa văn hóa, đa nghề nghiệp, đa trình độ... Nó chứa đựng tất cả các tầng bậc, từ thượng vàng đến hạ cám. Có thể nói hiện nay đô thị của chúng ta, số người đúng nghĩa thị dân vẫn còn ít hơn số người chưa đủ phẩm chất thị dân.

. Như vậy, có phải là ý thức thị dân của chúng ta chưa cao?

+ Có nhiều người đi nước ngoài về thường khen đường phố của họ sao mà sạch đẹp thế, ý thức dân họ sao cao thế, rồi chê dân ta ý thức còn kém quá nhưng người ấy quên rằng GDP của họ gấp mấy chục lần ta. Lúc còn nghèo, TP của họ cũng bê bối lắm. Văn minh đô thị phải đi kèm với điều kiện vật chất chứ!

Hơn nữa, ý thức người dân còn thấp là do nhiều nguyên nhân: Hạ tầng kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng được tính hiện đại, kỷ cương chưa nghiêm, người lãnh đạo chưa thấy hết trách nhiệm. Không thể đòi hỏi một lớp thị dân có sẵn ý thức mà chính lãnh đạo phải có trách nhiệm xây dựng ý thức cho lớp thị dân đó.

Tôi lấy ví dụ việc xếp hàng. Nhiều khi họ chen lấn không phải vì vội mà vì họ sợ không đến lượt mình. Giáo dục ý thức là một chuyện nhưng cũng phải tạo ra được những cái hàng ngắn để khi xếp hàng họ có thể yên tâm không sợ mất phần. Cũng có khi người ta có ý thức nhưng lại không có môi trường để thể hiện. Ví dụ, một anh đi nhậu về, cố tìm nhà vệ sinh mà không có thì cũng đến lúc phải tìm một gốc cây nào đó thôi!

Vấn đề là người thực thi pháp luật

. Ông nói văn minh đô thị phải đi kèm với điều kiện vật chất. Điều này được hiểu thế nào?

+ Cách đây khá lâu tôi có xem một vở hài kịch thế này: Anh đạp xích lô vượt đèn đỏ, bị cảnh sát giao thông kêu vào. Công an hỏi: Có thấy đèn đỏ không mà vẫn chạy. Anh ta đáp: “Dạ em nhìn thấy đèn đỏ nhưng không nhìn thấy anh. Đề nghị lần sau anh đứng ra chỗ trống cho bọn em nhìn thấy”. Như vậy, chừng nào “em không nhìn thấy anh (cảnh sát giao thông) nhưng vẫn bị phạt thì em mới không dám vượt đèn đỏ”.

Ở nhiều nước châu Âu, họ có camera theo dõi 24/24 giờ, dù không có cảnh sát nhưng anh vi phạm thì ngày mai vẫn nhận giấy báo nộp phạt. Nếu họ bỏ hết camera thì chắc cũng loạn xạ như ta thôi. Như vậy không phải ý thức của họ cao hơn ta. Mà chính là người dân bên họ bị pháp luật cùng những phương tiện công nghệ cao kiểm soát chặt chẽ hơn chúng ta, do đó mà hạn chế được nhiều hành vi xấu.

. Có người cho rằng pháp luật của ta chưa nghiêm nên người dân có điều kiện vi phạm nhiều hơn?

+ Theo tôi, “pháp luật chưa nghiêm” và “người thực thi luật pháp chưa nghiêm” là hai vấn đề khác nhau. Như luật giao thông của ta chẳng hạn, chặt chẽ không thua gì các nước tiên tiến nhưng vì sao kém hiệu lực? Vì người thực thi pháp luật còn rất lỏng lẻo. Sự nghiêm minh của pháp luật không phải ở chỗ cứ phạt thật nặng mà chính là ở chỗ người thực thi pháp luật phải thật nghiêm minh. Như hiện nay, có những người thực thi pháp luật chỉ “chưa nghiêm” đối với người... biết hối lộ mà thôi!

. Cảm ơn ông.

Gây mất vệ sinh cho nhà hàng xóm

“Ở khu này gần như nhà ai cũng nuôi chó nhưng không hiểu sao người ta cứ tùy tiện đưa chó qua ị vào mấy bụi hoa trước cổng nhà tôi. Cũng có lẽ tại nhà tôi thường xuyên đi vắng cả ngày??? ” - chị Dương Thị Ngọc Thu (đường 12, phường Bình An, quận 2, TP.HCM) bức xúc.

Chị kể, không ít lần đi làm về, vừa xuống xe chị đã giẫm phải bãi “mìn” nằm chình ình ngay trước cổng. Một lần, chị quyết định phải bắt quả tang. Sáng chị dậy sớm, đứng nép sau cây khế trên ban công quan sát thì thấy bác hàng xóm kế hông nhà hai tay dắt hai chú chó đi ị bậy ngay trước cổng nhà mình. “Nghe tôi ho một tiếng, bác ta ngại quá vội xùy chó về ngay. Ấy vậy hôm sau vẫn tái diễn, khi tôi sang tận nhà nhắc nhở thì bác ta lại chối bay chối biến...” - chị kể.

Tính ích kỷ của người thành thị ảnh 2

Nhiều người nuôi chó chỉ muốn sạch nhà mình nên dắt cho đi bậy ở nhà người khác. Ảnh: HTD

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bền (hẻm 110, đường 13, quận Bình Thạnh) cũng thường xuyên bị chó ị trước nhà. Mất công rình sáng rình tối, cuối cùng anh chị cũng tóm được con ki nhà đối diện! Chẳng ai dắt hay chỉ nó phải đi đâu, chỉ cần chủ tháo xích là tự động nó chạy qua cổng nhà anh để “giải quyết nỗi buồn” như một thói quen.

Cũng chỉ vì chuyện chó nhà này ị bậy ở cổng nhà khác nên đã từng xảy ra chuyện hai nhà cãi lộn, mất đoàn kết ở tổ dân phố nọ. Nhà này kêu nhà kia bẩn thỉu vì dắt chó đi bậy lung tung, nhà kia kêu nhà nọ ích kỷ, nhỏ nhen vì con chó nó “lỡ” bậy mà cũng cố chấp... Trong buổi họp tổ dân phố, vấn đề “nhạy cảm” này cũng được bà con lôi ra thảo luận nhưng hình như cho đến giờ vẫn chưa tìm ra cách nào giải quyết... 

THU HƯƠNG

THÙY LINH thực hiện

Bài 3: Văn hóa giao thông, bức tranh bị bôi bẩn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm