ĐÃ NGHE ĐÃ THẤY

Tính lương thiện của người lãnh đạo

Ông Châu nói: “Phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình”.

“Lương thiện” là một tính từ rất quen thuộc trên… sách vở. Nó có trong các cuốn sách giáo khoa đạo đức, giáo dục công dân của rất nhiều thế hệ học sinh, nó văng vẳng bên tai những người từng một lần đọc Chí Phèo và là nỗi ám ảnh của những ai từng đọc các cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt. Trong tác phẩm Đối thoại với tương lai, ông Bạt đã cho rằng “để thành công trên bất kỳ cương vị nào thì con người cần một số phẩm chất rất phổ biến. Thứ nhất là phải rất lương thiện. Con người không bắt đầu từ sự lương thiện thì không thể có động lực làm cái gì tử tế được”.

Trên thực tế, người Việt Nam đang ngày càng khó giải thích cho con cái của mình thế nào là sự lương thiện. Tìm đâu ra sự lương thiện trong tiếng máy ủi san phẳng ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn? Tìm đâu ra sự lương thiện trong những ván bài tiền tỉ ở Sóc Trăng của một quan chức Thành ủy? Và còn nhiều ví dụ nữa...

Ra Giêng, hay là đi tìm sự lương thiện đang lẩn khuất trong tiếng khấn vái xì xụp của những quan chức đi lễ chùa?

Đôi lúc, có những thứ cũng khó tìm như lời giải của một bài toán khó vậy.

Giá trị của sự thật thà

Trong sự lo lắng chung của xã hội về một cái tết sau một năm quá vất vả về kinh tế, vẫn có những con người may mắn có được niềm hân hoan đón tết, với một sự no đủ và sung túc tưởng như chẳng bao giờ đến với họ. Đó là chị Phạm Thị Lành, một người bán vé số 29 tuổi, ở Đồng Tháp, người đã vì giữ sự trung thực mà từ chối cơ hội lãnh 6,6 tỉ đồng tiền trúng giải xổ số. Chị đã giao tất cả sáu tờ vé số trúng giải này cho người mà chị đã hứa bán qua… điện thoại. Dĩ nhiên anh Đỗ Ngọc Tuấn, người may mắn đó, không thể biết những dãy số trên các tấm vé mình mua là gì.

Tâm sự với báo Người Lao Động trong những ngày tết, anh Tuấn cho biết: “Ở Lành có một tính cách thật đáng quý mà nhiều người cần noi theo, đó là sự thật thà. Chính vì thế, tôi đã tặng cô ấy một tờ đặc biệt như một sự cảm ơn”. Nhờ vậy, cùng với một tấm vé giữ lại cho mình (cũng trúng giải độc đắc), chị Lành đã có tiền tỉ để lo cho cuộc sống khốn khó trước đây của mình.

Dư luận mừng cho chị thì tấm tắc khen “ở hiền, gặp lành” nhưng những người mang nhiều suy tư về thế sự thì niềm vui chỉ thoảng qua như làn gió nhẹ, bởi quá khó để họ tìm thấy sự thật thà như vậy trong xã hội ngày nay. Cùng với những biến động của kinh tế-xã hội, hệ thống các giá trị đạo đức của con người đã không còn giữ được trật tự vốn có của nó. Dường như trong não trạng của cả xã hội, thật thà chỉ là cách nhanh nhất để nhận phần thua thiệt về mình và không ai tồn tại được mà không cần ít nhiều mánh khóe của sự gian dối. Nhiều bậc phụ huynh cũng đã không còn coi thật thà là một giá trị cần phải có để giáo dục con cái nữa. 

Giá trị của sự thật thà vẫn thường xuyên được rao giảng bởi những người đức cao, vọng trọng như một trách nhiệm họ phải thực thi nhưng biểu hiện của sự thật thà lại thường chỉ le lói đâu đó trong đời thường đầy bụi bặm. Dĩ nhiên đối với chị Lành, giá trị của sự thật thà không nằm ở tấm vé số trúng giải độc đắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm