Tọa đàm Hồi ký chiến tranh của tướng Charles de Gaulle

Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Pierre Journoud - giáo sư sử học hiện đại Trường ĐH Paul-Valéry Montpellier và ông Lý Quyết Tiến - Trưởng bộ môn Đông Nam Á, khoa Xã hội học, Công tác xã hội, Đông Nam Á, ĐH Mở TP.HCM.

Được biết tướng Charles de Gaulle là chính khách nổi tiếng của Pháp, từng được dân Pháp chọn là vĩ nhân số 1 nước Pháp. Ông sinh 1890 và mất 1970. Ông xuất thân là một quân nhân trong quân đội Pháp. Năm 1940, khi chính phủ Pháp đầu hàng Đức Quốc xã, ông đã vượt biên sang London, lãnh đạo tổ chức "Nước Pháp Tự do", thành lập chính phủ Pháp lưu vong, ra lời kêu gọi người Pháp tiếp tục kháng chiến chống sự chiếm đóng của quân đội Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Năm 1958, ông thành lập nền Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp và giữ chức tổng thống từ năm 1959-1969.

Không giống với những nhân vật của công chúng khác, de Gaulle tự tay viết nên cuốn hồi ký này. Với bộ sách này, độc giả thấu hiểu quãng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời của De Gaulle với bao nỗi gian truân, đơn độc và sự thất vọng trong những tháng ngày tha hương, những ảnh hưởng lớn về tư tưởng mà ông đã để lại trên chính trường Pháp cho đến ngày hôm nay… Ở quyển sách còn thể hiện một khả năng văn chương tuyệt vời của ông từng được đề cử giải thưởng Nobel Văn học năm 1963.

Quyển hồi ký của ông được giới  thiệu về chương liên quan đến Việt Nam như sau: Vận mệnh của tướng de Gaulle không chỉ gắn liền với những trang sử huy hoàng nhất của nước Pháp thế kỷ XX, mà còn là hiện thân cho đường lối đối ngoại độc lập của nền Cộng hòa thứ Năm. Lập trường của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam và sự phản đối các hành động quân sự của Mỹ chưa đầy 1 thập kỷ sau Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là minh chứng cho sự phát xét đúng mực và quan điểm tân tiến của ông về quan hệ quốc tế. Có thể nói, thông qua những hoạt động của mình, Tướng de Gaulle đã góp phần to lớn cho sự phát triển quan hệ song phương mạnh mẽ và lâu dài giữa Việt Nam và Pháp".

Tướng Charles de Gaulle đã viết trong hồi ký của mình: “Trọn đời tôi, tôi luôn nghĩ về nước Pháp với một niềm đinh ninh được vun bồi bằng cả tình cảm lẫn lý trí. Một cách tự nhiên, con người tình cảm trong tôi hình dung rằng nước Pháp, giống như nàng công chúa trong những câu chuyện cổ tích hay Đức Mẹ trên những bức bích họa, đã được định sẵn một số phận cao quý và phi thường. Bẳng trực giác, tôi có cảm tưởng rằng Đấng Sáng Thế đã tạo nên Người cho những thành công tuyệt đích hoặc những nghịch cảnh tận cùng.

Nếu trong hành động của Người có dấu vết của sự tầm thường thì với tôi, đó là một ngoại lệ kỳ quặc do lỗi của người Pháp gây nên chứ không nằm ở linh hồn Tổ quốc. Nhưng con người lý trí trong tôi cũng lại cho tôi thấy rằng nước Pháp chỉ thật sự là chính mình khi ở hàng đầu; rằng chỉ có những sự nghiệp lớn lao mới có thể bù đắp cho những mầm mống chia rẽ nơi bản thân dân tộc; rằng đất nước tôi, như Người vẫn thế, ở giữa những quốc gia khác, như họ vẫn vậy, trước những hiểm nguy chết người vẫn phải hiên ngang đứng thẳng và vươn cao. Tóm lại theo tôi, nước Pháp không thể là nước Pháp thiếu sự vĩ đại".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm