'Tôi là ai? Trước đây tôi từng ở nơi nào?'

Buổi trưa, sơ Nguyễn Thị Thanh Thúy (43 tuổi, là sơ quản lý Trung tâm Bảo trợ người già Thiên Ân, gọi tắt là Mái ấm Thiên Ân, ở Thủ Đức, TP.HCM) dỗ cụ bà Đinh Thị Cúc ráng ăn thêm một ít súp. Bà Cúc đã bị mù, nằm liệt giường do di chứng bệnh tai biến. Hỏi thăm, bà Cúc nói bà gần 100 tuổi rồi, chỉ nhớ quê mình là Phú Nhai, còn xã nào thì không nhớ.

Không giấy tờ tùy thân, không nhớ cả quê quán

Bà Cúc là người sống lang thang, phiêu dạt nhiều nơi trước khi được vào ở trong Mái ấm Thiên Ân. Trong một lần mắc bệnh nặng, bà Cúc được người dân đưa vào BV quận Thủ Đức điều trị trong tình trạng không tiền, không giấy tờ tùy thân. Sau một thời gian điều trị miễn phí cho bà, bệnh viện liên hệ với mái ấm để đưa bà Cúc vào đây.

Mái ấm Thiên Ân hiện đang chăm sóc, bảo trợ cho gần 100 cụ già như thế. Phần lớn các cụ trước đây sống neo đơn, lang thang, không người thân. Bây giờ họ đã cao tuổi, lú lẫn, có người không nhớ cả quê quán, nơi sinh. Họ gần như không còn giấy tờ tùy thân nên việc làm chế độ trợ cấp cho họ rất khó khăn.

“Nhiều người từng lớn lên trong trại trẻ mồ côi, sau này đi lang thang bán vé số, thần kinh có vấn đề, trí nhớ không minh mẫn. Các cụ càng già thì càng hay quên và lẫn, càng khó xác minh làm giấy tờ, trung tâm đã cố gắng liên lạc với địa phương để tìm manh mối thông tin nhưng không được” - sơ Thanh Thúy chia sẻ.

Các cụ già neo đơn đang được các sơ trong Mái ấm Thiên Ân chăm sóc. Ảnh: HỒNG MINH

Không làm được thủ tục hưởng trợ cấp

Tháng 4-2018, trong một cuộc hội thảo khoa học về các mô hình chăm sóc người cao tuổi do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì, sơ Thanh Thúy đã bày tỏ băn khoăn như sau: Theo Nghị định 136/2013 thì người già từ 80 tuổi, nếu không có nguồn thu nhập, không có người thân nuôi dưỡng thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng và được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí.

“Tuy nhiên, do các cụ không có giấy tờ tùy thân, việc xác minh gặp khó khăn do các cụ bị lẫn nên không làm thủ tục hưởng trợ cấp cho các cụ được. Ở mái ấm hiện có khoảng 90 cụ thuộc diện như thế” - sơ Thanh Thúy nói.

Theo sơ Thanh Thúy, nguồn kinh phí để chăm sóc các cụ chủ yếu dựa vào số tiền các sơ đi dạy học hằng tháng đóng góp. Số tiền này đủ để trang trải sinh hoạt hằng ngày nhưng khi cụ nào đau ốm, chi phí chữa trị kéo dài là rất lớn. Vì vậy, sơ đề nghị ngành chức năng có cách tháo gỡ để các cụ được hưởng trợ cấp như quy định.

Sơ Thúy cũng cho biết việc mua BHYT đã được địa phương và ngành bảo hiểm linh động giải quyết. Trung tâm xuất tiền ra mua BHYT cho các cụ, mỗi lần đi khám bệnh, trung tâm mang theo danh sách các cụ để trình cho bệnh viện. Sơ Thanh Thúy nói: “Nếu được xét trợ cấp, các cụ cũng sẽ được Nhà nước mua BHYT như các cụ khác trong cơ sở công lập”.

Nhiều người đã cho rằng nếu không nhanh chóng gỡ những vướng mắc này thì nhiều cụ già đang sống tại các cơ sở bảo trợ tư nhân hoặc sống nhờ người quen sẽ bị thiệt thòi.

Nhiều cụ già ở Mái ấm Thiên Ân không nhớ mình là ai, quê quán mình ở đâu. Ảnh: HỒNG MINH

Người giàu nhất Mái ấm Thiên Ân

Đó là cụ B., nhà ở Thủ Đức, bị mù, do không có con cháu nên cụ xin vào đây sống quãng đời còn lại. Hội người mù đã làm thủ tục để cụ được lãnh trợ cấp người tàn tật và người già hơn 700.000 đồng/tháng. Nhiều người trêu cụ B. rằng cụ là người giàu nhất ở đây.

Cụ Nguyễn Thị Biện (80 tuổi, quê Đồng Nai) cũng là một trường hợp khá đặc biệt. Cụ có đầy đủ giấy tờ tùy thân nhưng đã rời khỏi địa phương rất lâu để mưu sinh cho đến khi vào trung tâm. Do đó, địa phương không làm thủ tục cho cụ. Mái ấm Thiên Ân đã được Sở LĐ-TB&XH TP.HCM hướng dẫn liên hệ với địa phương làm thủ tục đăng ký tạm trú cho cụ Biện, từ đó sẽ có cơ sở để địa phương thực hiện chế độ trợ cấp cho cụ.

Một cụ già tên Bảy, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phiêu dạt từ ngoài Bắc đến TP.HCM, không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu sóng gió, cũng đã cố gắng cưu mang những người cùng khổ như mình. Cụ Bảy dù bị mù vẫn hằng ngày làm tăm bông cho một cơ sở sản xuất để kiếm thêm tiền. Số tiền đó cụ Bảy dùng để giúp đỡ người khác trong những chương trình từ thiện do các sơ tổ chức. Cụ mong rằng những người già trong và ngoài mái ấm sẽ được nhận trợ cấp để cuộc sống đỡ khó khăn.

Cần điều chỉnh một số chính sách cho người già

Mức trợ cấp dành cho người cao tuổi tại TP.HCM là 380.000 đồng/tháng, dù cao hơn cả nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được cuộc sống của người cao tuổi. Quy định là phải ưu tiên khám chữa bệnh cho người cao tuổi nhưng thực tế nhiều bệnh viện không ưu tiên khám, người cao tuổi vẫn phải chờ đợi có khi cả ngày mới khám xong.

Từ ngày 1-8-2017, TP.HCM thực hiện chính sách miễn phí cho người đi xe buýt trên 70 tuổi. Thực tế, người từ 70 tuổi trở lên còn đi xe buýt là rất hiếm, TP nên xem xét hạ độ tuổi để những người cao tuổi khác được hưởng chính sách này.

Nhiều quốc gia có kênh riêng dành cho người cao tuổi phù hợp với nhu cầu giải trí của họ. Người cao tuổi ở Việt Nam còn thiệt thòi trong việc thụ hưởng các chương trình giải trí.

ThS ĐẶNG PHƯƠNG TRUYỀN, 
Học viện Hành chính Quốc gia

Sẽ xem xét những trường hợp người già bị mất giấy tờ

Nếu các cụ đang sống ở các cơ sở bảo trợ tư nhân thì chủ cơ sở cần liên hệ với địa phương, cán bộ UBND xã, phường tại địa phương sẽ hướng dẫn. Khi các cơ sở cung cấp được thông tin xác định về nhân thân của các cụ thì sẽ được ngành LĐ-TB&XH hướng dẫn giải quyết.

Quan điểm của chúng tôi là không cứng nhắc về giấy tờ mà chỉ cần có đủ thông tin. Tùy từng trường hợp cụ thể mà chúng tôi xem xét, đề xuất cách giải quyết phù hợp.

Nếu có khó khăn, vướng mắc, người dân có thể liên hệ với Phòng LĐ-TB&XH nơi cư trú hoặc phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐ-TB&XH để được hướng dẫn cụ thể.

Một cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm