Tội phạm vị thành niên: Cần phòng ngừa hơn là tìm cách trừng trị

Cho đến nay có nhiều học thuyết được xây dựng để lý giải nguyên nhân của tội phạm nói chung. Nhiều học thuyết gặp nhau ở việc coi các yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội là ba trụ cột trong việc hình thành nhân cách của trẻ em, có tác dụng thúc đẩy hay kìm hãm động cơ phạm tội của trẻ.

Cần nhận định rõ nguyên nhân tội phạm

Edwin Sutherland (1883-1950), người được cho là đã đặt nền móng cho tội phạm học hiện đại ở Mỹ và trên thế giới, đã phát triển thuyết “nhóm khác biệt” để lý giải nguyên nhân của tội phạm. Theo đó hành vi phạm tội được ông giải thích là một sự học lại hành vi của người khác thông qua các tiếp xúc với các nhóm khác nhau trong xã hội, đặc biệt là nhóm người có quan hệ mật thiết.

Tuy vậy, tồn tại những học thuyết khác, đưa ra những lý giải khác cho nguyên nhân của tội phạm. Nhà phân tâm học Sigmund Frued (1856-1939) cho rằng tội phạm là kết quả của việc bản năng con người trỗi dậy mà không được lý trí và lương tâm ngăn cản một cách tương xứng. Ông xem nhẹ các yếu tố môi trường và giáo dục, mà đề cao các quy định sinh học của hành vi. 

“Quan sát nhiều đứa trẻ người ta thấy rằng chúng có bản năng ác ngay từ khi mới sinh ra. Ví dụ trong một nhà trẻ, có những đứa trẻ sẵn sàng đánh bạn để giành phần ăn” - chuyên gia Hoàng Vinh chia sẻ. 

Trong cuốn Tội phạm học nhập môn (NXB Công an Nhân dân, 2009), tác giả - Tiến sĩ Dương Tuyết Miên (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng có ba nguyên nhân dẫn đến tội phạm: môi trường sống, bản thân người phạm tội (trong đó có cả yếu tố sinh học) và tình huống phạm tội. Trong đó, yếu tố tình huống phạm tội được lý giải như tập hợp của hàng loạt các yếu tố khách quan tác động đến động cơ phạm tội của con người như điều kiện không gian vắng vẻ, thiếu ánh sáng, không có lực lượng an ninh tuần tra hoặc sự kích động từ hành vi của người khác.

Chuyên gia Hoàng Vinh cho rằng về cơ bản sự gia tăng của tội phạm, dù ở tuổi vị thành niên hay không, phụ thuộc vào ba nguyên nhân kể trên và chỉ có nhận diện chính xác nội hàm các nguyên nhân đó mới có thể ngăn chặn được tội phạm. “Dù thiên tính ác có phải là bẩm sinh hay không thì môi trường sống và tác động của yếu tố tình huống cũng có tác dụng ức chế hay khuyến khích con người thực hiện các hành vi phạm tội. Về cơ bản xã hội không thể triệt tiêu được tội phạm do sự bất tương đồng về lợi ích trong xã hội nhưng việc kiểm soát một số nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm vẫn nằm trong khả năng của con người, mà chủ yếu là nhà nước” - ông Vinh nói.

Trong các nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ, yếu tố gia đình được coi là có vai trò nổi bật hơn cả.

Chú ý đối tượng đặc biệt

Theo ông Vinh, một trong những loại tội phạm nhức nhối nhất của vị thành niên hiện nay là tội phạm liên quan đến ma túy. Loại tội phạm này nhức nhối không chỉ bởi tính chất nguy hiểm của tội phạm mà còn bởi tính phức tạp và khó khăn trong việc ngăn chặn. Nguyên nhân,là do một bộ phận đáng kể người phạm tội là con cháu của quan chức nhà nước.

Tháng 11 vừa qua, tỉnh Long An đã phát hiện và loại bỏ tám chiến sĩ công an do nghiện ma túy. Đáng chú ý, trong đó có con của lãnh đạo công an tỉnh, công an huyện và lãnh đạo một số ngành khác. 

 “Việc lôi kéo con em của quan chức, đặc biệt là quan chức ngành an ninh, mang lại rất nhiều lợi ích cho các đường dây ma túy. Đây là các đối tượng có tiền, thậm chí nhiều tiền và đôi khi bị bố mẹ lơ là kiểm soát - ông Vinh nói.

HOÀNG THƯ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm