TP.HCM phải phấn đấu đến tháng 8 khống chế được dịch

Sáng 2-7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Người dân quận Tân Phú, TP.HCM được thực hiện lấy mẫu tầm soát dịch
vào ngày 30-6. Ảnh: HOÀNG GIANG

Dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường

Nhận định về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, đánh giá dịch còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhất là về số lượng ca mắc. Dịch không chỉ khu trú ở khu vực TP.HCM mà đã lan rộng, có tính chất phức tạp tại một số địa phương giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai…

“Việc liên thông, giao thương giữa TP và các tỉnh đặt tình thế là có thể người TP đến các địa phương gây dịch bệnh hoặc cũng có thể ngược lại, vì thế rất phức tạp. Ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng đẩy nhanh tương đối cao. Đây là yếu tố tôi đánh giá là hết sức khó khăn cho TP” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, qua đánh giá thấy việc tổ chức triển khai đồng bộ công tác xét nghiệm từ lấy mẫu đến cho ra kết quả còn chậm, còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Lực lượng truy vết đồng thời phải làm xét nghiệm và những việc khác trong công tác phòng chống dịch dẫn đến công việc truy vết bị ảnh hưởng, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Do vậy, thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất ngành y tế TP cho đội ngũ truy vết chỉ tập trung vào truy vết. Cạnh đó, phối hợp với tổ dân phố, công an... để tăng cường đội ngũ truy vết trên diện rộng của địa bàn.

Thứ trưởng Sơn cũng khẳng định quan điểm của Bộ Y tế là khuyến cáo các địa phương sử dụng test nhanh hợp lý. Khi phát hiện các ca F0, cần khoanh vùng phong tỏa và khu vực lân cận khu phong tỏa đó. Thời gian qua, TP đã sử dụng 128.000/252.000 test nhanh, như vậy số lượng sử dụng vẫn còn rất hạn chế.

Trước giải pháp TP đang xét nghiệm diện rộng để truy tìm F0, ông Sơn khuyến cáo các quận, huyện cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của TP kể cả trong vấn đề xét nghiệm và tiêm vaccine, không để người dân tụ tập xét nghiệm không đảm bảo giãn cách.

Để làm tốt việc này, ông Sơn cho rằng cần nghiên cứu bố trí xét nghiệm theo hướng giãn cách cả về thời gian, địa điểm, không để lượng người tập trung “rồng rắn lên mây”. “Ví dụ, các địa phương có thể lấy mẫu tại đầu các hẻm, ngõ, người dân trong ngõ đi ra đơn giản hơn là tổ chức ở các trường học lớn như vậy” - ông Sơn nói.

 

Dự kiến sẽ có 8 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam trong tháng 7

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để làm sao có vaccine về VN ngày một nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này nên cao điểm vaccine về VN là quý IV-2021. Dự kiến trong tháng 7 sẽ có khoảng 8 triệu liều vaccine về VN.

HÀ PHƯỢNG

Cuối tháng 7 dịch phải giảm rõ, giảm sâu

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị TP quyết tâm đến cuối tháng 7 dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8 có thể khống chế dịch bệnh.

Để làm được điều đó, ông Bình đề nghị các quận, huyện chủ động căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn quản lý để điều chỉnh phương án giãn cách xã hội phù hợp; có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP hoặc đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nếu thấy thực sự cần thiết.

Đối với công tác xét nghiệm tầm soát và tiêm vaccine ngừa COVID-19, cần tổ chức chặt chẽ, cụ thể, tránh để tràn lan, tự phát, tập trung đông người. Cùng đó, tổ chức điều chỉnh, phân phối hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.

Phải luôn đặt tình huống có F0

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng đợt dịch này nguy hiểm, phức tạp hơn và khó dự đoán hơn. Thậm chí có thời điểm ghi nhận tới 500 ca/ngày. Riêng từ ngày 19 đến 30-6 (thời điểm áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP), số ca nhiễm tầm soát, phát hiện trong cộng đồng bình quân 65 ca/ngày; số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày.

Điều đó cho thấy các biện pháp đang triển khai từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng, đồng thời cũng phản ánh dịch bệnh đã len lỏi sâu trong cộng đồng với nhiều biến chủng phức tạp. Vì vậy, ông Phong yêu cầu các sở/ngành, quận/ huyện cần triển khai mạnh mẽ đợt cao điểm phòng chống dịch theo Kế hoạch số 2151 của UBND TP đã ban hành ngày 28-6.

Trong đó, ông Phong lưu ý phân nhóm nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, có nguy cơ đến từng phường, xã, thị trấn, khu phố để tăng cường lực lượng, khống chế kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Về vấn đề xét nghiệm diện rộng để tìm F0, ông Phong yêu cầu các địa phương hết sức lưu ý, nhất là tránh việc tập trung đông người. Phải thực hiện giãn cách triệt để trong khâu lấy mẫu xét nghiệm, điều phối để người dân đến lấy mẫu trong những khung giờ nhất định và luôn phải đặt tình huống là có F0.

Về vấn đề sử dụng test nhanh mà Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề cập đến, ông Phong yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức phải đẩy nhanh thực hiện test nhanh, không thể để tồn đọng, bởi việc test nhanh rất hiệu quả, phục vụ công tác phòng chống dịch của TP.

Riêng về khu cách ly tập trung, ông Phong yêu cầu đối với những khu cách ly nào không đủ điều kiện thì phải tổ chức lại. Mỗi phòng trong khu cách ly phải có nhà vệ sinh, không thể dùng trường học làm khu cách ly vì không đảm bảo về nhà vệ sinh cho người cách ly.

Đặc biệt, ông Phong đề nghị tăng cường sử dụng nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn để phục vụ cách ly tập trung. Nhà tái định cư chưa sử dụng hiện nay còn nhiều và cũng có thể làm khu cách ly. “Quỹ nhà tái định cư chưa sử dụng còn nhiều lắm, khả năng giải quyết cho khoảng 5.000 người cách ly” - ông Phong nói và yêu cầu các sở, ngành phối hợp triển khai.

Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, ông Phong giao các sở, ban, ngành nhanh chóng thẩm định 24 doanh nghiệp đăng ký vừa hoạt động sản xuất vừa thực hiện cách ly, hoàn thành trước ngày 5-7. Đồng thời, TP cũng xem xét thành lập khu cách ly dã chiến tại những nơi này.•

 

400.000 liều vaccine Nhật Bản viện trợ đã về TP.HCM

Lúc 2 giờ 47 phút ngày 2-7, chuyến bay số hiệu NH833 của hãng hàng không All Nippon Airways (Nhật Bản) đã vận chuyển 400.000 liều vaccine do Nhật Bản cung cấp thêm cho Việt Nam (VN) đã hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong số 1 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19 của AstraZeneca Nhật Bản tặng VN lần này sẽ được chia thành hai đợt. Tính chung, Nhật Bản cung cấp cho VN khoảng 2 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19.

Lô vaccine đựng trong năm thùng chuyên dụng có tổng khối lượng 934,6 kg. Quy trình bảo quản, phục vụ vận chuyển vaccine rất nghiêm ngặt như áp tải từ máy bay, sử dụng camera hành trình trong suốt quá trình áp tải.

Lô vaccine này đang được lưu trữ tại kho hàng của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) và được miễn toàn bộ phí phục vụ.

Cùng ngày, lô vaccine sẽ được hoàn tất thủ tục hải quan và lấy ra khỏi kho, đưa về nơi lưu trữ. 

Đại sứ quán Nhật Bản tại VN cho biết từ ngày 1 đến 8-7, 1 triệu liều vaccine chính phủ Nhật Bản cung cấp thêm cho VN sẽ được chuyển đến VN bằng đường hàng không với mục đích góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại VN. PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm