TP.HCM tính chuyện hỗ trợ người vô gia cư bởi dịch COVID-19

Chiều 30-3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi trao đổi với báo chí về những vấn đề cần làm trong những ngày tới để ứng phó với dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP sẽ bàn chuyện giúp đỡ những người vô gia cư. Ảnh: TTBC

Phát biểu tại buổi trao đổi, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nhắc đến những tin nhắn mà ông nhận được từ người dân TP.HCM, trong đó có tin nhắn của một thầy giáo ở Đại học Quốc gia TP.HCM với mong muốn chính quyền TP giúp đỡ, quan tâm đến những người vô gia cư trên địa bàn TP. Bởi nếu những người này không được chăm sóc sẽ dễ là nguồn lây nhiễm.

“Tôi vừa chuyển tin nhắn này cho chủ tịch UBND TP.HCM và chúng tôi sẽ bàn giúp những người vô gia cư như thế nào trong lúc dịch bệnh khó khăn và để họ không trở thành nguồn lây nhiễm” - ông Nhân nói và cho rằng đây là việc chưa từng có nhưng trong mùa dịch này cũng là chuyện nên bàn.

Chia sẻ thêm với báo chí, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng người dân đã thực hiện các chỉ đạo của trung ương và chính quyền TP rất tốt. “Hai, ba ngày nay TP.HCM vắng như tết, như thế là tốt” - ông Nhân đánh giá.

Theo ông Nhân, mỗi người chịu thiệt vì cuộc sống của mình không bình thường, không ra đường nhiều như mọi khi, đi lại hạn chế, thậm chí công việc phải nghỉ, nhiều cửa hàng không phải thiết yếu đều không mở cửa... đều làm giảm thu nhập của các hộ kinh doanh và người lao động. Nhưng thiệt hại này nhỏ hơn rất nhiều nếu chúng ta không thể khống chế được dịch.
“Kinh nghiệm các nước cho thấy khi dịch bệnh đã bùng phát sẽ bị cấm đi lại luôn. Do vậy, mỗi người phải chịu thiệt một chút về kinh tế, về thu nhập để TP được bình yên, đất nước được bình yên” - ông Nhân nói và cho rằng nếu nhìn tổn thất khủng khiếp của các nước trên thế giới thì mỗi người góp cho đất nước không trượt khỏi con đường tổn thất kinh tế thì sự hy sinh của mình là xứng đáng và cùng nhau chia sẻ.
Theo ông Nhân, nhiều doanh nghiệp cần hoạt động kinh doanh để kiếm lời nhưng trong điều kiện đại dịch thì đó không phải là thời cơ kinh doanh. “Thời cơ kinh doanh là làm gì đó để góp phần chống dịch, chứ kinh doanh mà phá việc chống dịch là có tội với đất nước. Đất nước mà bị dịch rồi thì không chỉ doanh nghiệp mà cả nước thiệt hại về kinh tế” - ông Nhân nói và cho biết Chính phủ đang có gói cứu trợ rất lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
TP đã xác định được 600.000 người lao động mất việc và vận động cán bộ công chức giảm một nửa thu nhập tăng thêm để hỗ trợ cho họ.
Ông Nhân cũng cảm ơn sự chia sẻ của người dân TP.HCM trong suốt hai tháng qua, đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo không dạy học được, học sinh không đến trường được. So với cuộc sống bình thường, đây là điều rất không bình thường, rất bất lợi. Nhưng trong điều kiện có dịch thì việc dừng học tập như vậy là biện pháp này không thể thiếu.
Người đứng đầu Thành ủy cho rằng trong dịch bệnh thì phải khổ trước sướng sau, trong dịch mà sống như bình thường là không đúng, trong dịch phải sống khổ hơn bình thường thì mới góp phần chống được dịch bệnh.
“Cả nước bao giờ đi học lại” - ông Nhân cho rằng đây là điều chưa ai nghiên cứu, dự báo được. Để dịch bệnh ít lây lan phải ngày càng giảm đi hoạt động ập thể, cho nên rất có thể chúng ta sẽ duy trì trạng thái này nhiều tuần, nhiều tháng nữa để đất nước bước ra khỏi nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Đặc biệt, các nhà thờ, tôn giáo, nhà chùa không tụ tập đông người nữa, đó là điều không bình thường. Nhưng ở thời điểm này là điều bình thường, phải sống như vậy TP.HCM mới bình yên.
Liên quan đến ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ông Nhân cho biết TP đã chỉ đạo các bệnh viện phải rà soát quy trình chăm sóc, không để người đi thoải mái từ khoa này qua khoa khác để tránh phát sinh các ổ dịch khác.
Mặt khác, chúng tôi thống nhất và chỉ đạo Sở Y tế phải có kế hoạch đảm bảo thời gian nghỉ cho đội ngũ y tế theo quy định. Đồng thời, tập huấn cho các bác sĩ không thuộc khoa lây nhiễm để họ có thể làm việc tại các khoa lây nhiễm khi cần, giúp các bác sĩ khoa này có thể luân phiên được nghỉ ngơi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm