Trắng án qua cả hai cấp tòa

Ngày 4-3, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng nghị và tuyên bị cáo Lê Chí Thanh không phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Không đủ căn cứ chứng minh bị cáo có tội

Theo hồ sơ, tối 10-8-2008, Thanh (không có bằng lái) chạy xe máy từ xã Long Điền Đông về Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu). Do không làm chủ tay lái, xe Thanh chạy lấn sang phần đường bên trái và va chạm vào một xe máy khác chạy chiều ngược lại do Nguyễn Công Bằng lái. Sau đó cả hai xe ngã xuống đường. Tai nạn xảy ra làm cả hai người lái xe đều bị thương và được đưa đi cấp cứu. Một tuần sau anh Bằng tử vong do dập não diện rộng.

Tháng 5-2013, Thanh bị VKS tỉnh Bạc Liêu truy tố theo điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS (khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù).

Tại phiên xử sơ thẩm, công tố viên đề nghị xử phạt bị cáo từ ba năm đến ba năm sáu tháng tù. Tuy nhiên, HĐXX lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại với VKS.

Bị cáo Lê Chí Thanh cứ nghĩ tòa sẽ hủy án để xử lại nên tỏ ra ngơ ngác, bất ngờ sau khi được tòa phúc thẩm tuyên trắng án. Ảnh: HY

Theo tòa, trong quá trình điều tra, Thanh có thừa nhận điều khiển xe khi trong người có rượu, ngủ gật, không làm chủ tay lái làm xảy ra tai nạn. Nhưng chỉ qua lời khai của bị cáo thì không đủ căn cứ chứng minh lỗi thuộc về bị cáo, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên HĐXX không có căn cứ tuyên bị cáo phạm tội.

Thực nghiệm điều tra sau một năm vẫn không ổn

Bản án sơ thẩm nhận định tại tòa bị cáo đã phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra và cho rằng do lúc đó sợ quá mới khai ẩu. Thực tế bị cáo có trông thấy một xe chạy ngược chiều với tốc độ nhanh, chưa kịp xử lý đã bị xe này đâm vào làm bị cáo bất tỉnh.

Tòa cho rằng biên bản hiện trường ban đầu dù có vi phạm tố tụng, không đúng về thành phần tham gia nhưng xác định được điểm đụng xe, không có lỗi của Thanh và phù hợp với lời khai của nhân chứng và bị cáo. Biên bản làm lại một tháng sau đó dù đúng tố tụng nhưng có nội dung hoàn toàn trái ngược. VKS cho rằng đây là căn cứ chính xác, khoa học để xác định lỗi gây tai nạn nhưng HĐXX lại thấy không có căn cứ. Biên bản này không xác định được điểm đụng xe, không xác định được lỗi của bị cáo...

Theo tòa, gần một năm sau đó cơ quan điều tra mới tổ chức thực nghiệm điều tra diễn lại hành vi điều khiển xe gây tai nạn. Nhưng quá trình này lại không xác định được tốc độ hai xe, điểm va chạm, vị trí ngã hai xe... Không làm được vậy thì làm sao kiểm tra dấu vết trên hiện trường có phù hợp hay không.

Từ đó, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên bị cáo không phạm tội.

Không được suy đoán bất lợi cho bị cáo

Sau đó VKS tỉnh Bạc Liêu kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm hủy toàn bộ án sơ thẩm giao về xét xử lại theo hướng bị cáo có tội. Theo VKS, bị cáo có lời khai nhận tội ban đầu, việc dựng lại hiện trường một năm sau chỉ là nhằm kiểm tra, đánh giá lời khai bị cáo, xác định lỗi gây ra tai nạn chứ không để xác định lỗi về tốc độ hay vị trí xe.

Tại phiên phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định vụ án xảy ra đã lâu, để xác định lỗi gây tai nạn thì ngoài lời khai bị cáo còn phải căn cứ vào các chứng cứ khác. Án sơ thẩm phân tích có căn cứ, không thể dùng lời khai của bị cáo để suy đoán theo hướng bất lợi và buộc tội bị cáo.

Đây là một trong những vụ án hiếm hoi mà tòa án đã tuân thủ nguyên tắc tố tụng văn minh, tiến bộ: Không chứng minh được bị cáo phạm tội thì tuyên vô tội. Hy vọng điểm son tố tụng này luôn được các cấp tòa áp dụng một cách triệt để nhằm giảm thiểu tối đa những oan án.

ÁI MINH

 

Cơ quan tố tụng phải làm rõ cả chứng cứ gỡ tội

Cơ quan điều tra, VKS và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

(Trích Điều 10 BLTTHS về xác định sự thật của vụ án)

Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

(Trích khoản 2 Điều 72 BLTTHS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm