Trang bị công cụ hỗ trợ cho “hiệp sĩ”: Cần xem lại!

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm (CLB PCTP) trên địa bàn tỉnh. Nhiều người băn khoăn: Liệu những “hiệp sĩ” được trang bị công cụ hỗ trợ, hoạt động chuyên nghiệp hơn… có lạm quyền, ai sẽ giám sát hoạt động của họ? Thượng tá Phạm Xuân Trường - Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Quy chế mới nhằm xác định hành lang pháp lý cho hiệp sĩ hoạt động chứ không phải tăng thêm quyền hạn cho “hiệp sĩ”.

Được trang bị công cụ hỗ trợ

. Phóng viên: Theo quy chế mới, các “hiệp sĩ” sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ, có nhiều hoạt động PCTP hơn…?

+ Thượng tá Phạm Xuân Trường (ảnh): CLB PCTP có hai bộ phận gồm Đội xung kích chống tội phạm và Đội tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Điểm mới của quy chế này là quy định chặt chẽ hơn, gọn trong bốn điểm: Các thành viên CLB PCTP sẽ được tập huấn về pháp luật, về kỹ năng để hoạt động truy bắt tội phạm quả tang được hiệu quả; các cá nhân sẽ được xem xét để trang bị công cụ hỗ trợ phù hợp; hoạt động truy bắt tội phạm trong địa bàn, địa giới hành chính mà CLB đó phụ trách, nếu ra khỏi địa bàn phải báo cáo đội trưởng. Đội trưởng đội xung kích phải là trưởng hoặc phó công an cấp xã phụ trách.

. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về việc trang bị công cụ hỗ trợ cho các “hiệp sĩ”?

+ Không phải cá nhân nào cũng được trang bị công cụ hỗ trợ, chỉ thành viên nào qua xét duyệt mới có thể được xem xét trang bị công cụ hỗ trợ phù hợp như roi điện, còng… Việc quản lý, sử dụng các công cụ hỗ trợ này do đội trưởng xung kích của địa bàn đó phụ trách và chịu trách nhiệm.

. Theo quy chế, các “hiệp sĩ” được phép chủ động nắm tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là hoạt động gì, thưa ông?

+ Phải nói rõ là việc nắm tình hình là hoạt động nghiệp vụ của công an xã/phường trở lên. “Hiệp sĩ” không hoạt động nắm tình hình như lực lượng công an. “Hiệp sĩ” chỉ được phép phát hiện, cung cấp các thông tin về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật cho lực lượng công an. Trong trường hợp bắt người có hành vi phạm tội quả tang và người có quyết định truy nã, hội viên phải báo ngay cho ban chủ nhiệm CLB và giao ngay người bị bắt cho công an nơi gần nhất.

Trang bị công cụ hỗ trợ cho “hiệp sĩ”: Cần xem lại! ảnh 2

Hai tên cướp (đứng giữa) bị các “hiệp sĩ” CLB PCTP phường Phú Hòa (Thủ Dầu Một, Bình Dương) bắt vào cuối tháng 9-2013. (Ảnh do CLB cung cấp)

Trường hợp phát hiện đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc truy đuổi người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã ra ngoài phạm vi xã/phường/thị trấn mình hoạt động, hội viên phải báo ngay cho ban chủ nhiệm CLB để báo cáo cơ quan công an có thẩm quyền tổ chức phối hợp và thông báo cho Đội xung kích chống tội phạm ở các địa bàn khác phối hợp.

Chỉ được phép hoạt động trong địa bàn

. Có phải “hiệp sĩ” thuộc địa phương nào thì chỉ được phép hoạt động trong địa phương đó?

+ Đúng vậy! Các “hiệp sĩ” chỉ được phép hoạt động trong địa bàn xã/phường/thị trấn mà mình tham gia CLB. Nếu nhận được thông tin về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa bàn khác, các “hiệp sĩ” phải báo cáo ban chủ nhiệm, đội trưởng CLB (chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã làm chủ nhiệm, trưởng công an cấp xã làm phó chủ nhiệm thường trực) để được cho phép phối hợp, đón lõng khi đối tượng chạy qua địa bàn.

. Công an có hoạt động nghiệp vụ để bắt tội phạm. Với quy chế mới, các “hiệp sĩ” có thể áp dụng các nghiệp vụ của công an vào hoạt động bắt tội phạm không, thưa ông?

+ Tôi khẳng định là “hiệp sĩ” không được phép có hoạt động nghiệp vụ của ngành công an. Mọi hoạt động của các thành viên CLB phải được báo cáo và được sự điều động của trưởng, phó công an xã/phường/thị trấn nơi quản lý các đội xung kích này.

. Để tránh xảy ra việc lạm quyền hay lợi dụng hoạt động truy bắt tội phạm, hành vi vi phạm để trục lợi, phía công an sẽ giám sát các CLB như thế nào?

+ Mọi hoạt động của các thành viên CLB phải tuân thủ theo quy chế, đúng quy định pháp luật. Việc giám sát kiểm tra sẽ do đội trưởng đội xung kích chịu trách nhiệm. Cá nhân vi phạm quy chế, tùy mức độ và trường hợp cụ thể sẽ bị phê bình, kiểm điểm, khiển trách, cảnh cáo trong CLB hoặc khai trừ khỏi CLB. Nếu vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định.

. Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các CLB PCTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

+ Mô hình trên là một trong những mô hình của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh Bình Dương. Những năm qua, hàng ngàn vụ việc đã được các CLB phát hiện, truy bắt bàn giao cho công an. Tới đây, công an tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên CLB hoạt động đúng theo quy chế đã được tỉnh ban hành và sẽ tập huấn nâng cao kỹ năng của thành viên đội xung kích tại các CLB hoạt động đúng pháp luật.

. Xin cảm ơn ông.

Quá nhiều băn khoăn!

Phong trào toàn dân đấu tranh PCTP là việc làm cần hoan nghênh nhưng việc ban hành quy chế có nhiều quy định gây băn khoăn.

Thứ nhất, CLB PCTP là một tổ chức xã hội, tập hợp những người dân có tinh thần đấu tranh, PCTP cùng tham gia sinh hoạt. Thế nhưng trong quy chế, tổ chức xã hội của quần chúng tại xã/phường/thị trấn lại chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND cấp xã, chịu sự lãnh đạo toàn diện của đảng ủy có gì đó lợn cợn.

Về nguyên tắc, một tổ chức xã hội hoạt động chỉ tuân theo quy định của pháp luật và nội quy, quy chế hoạt động của chính tổ chức đó. Đã là một tổ chức xã hội nhưng CLB PCTP lại phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND cấp xã, sự lãnh đạo của đảng ủy là “hành chính hóa” một tổ chức xã hội. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo, UBND cấp xã chỉ đạo không thể áp dụng đối với một tổ chức xã hội.

Thứ hai, hoạt động của CLB PCTP có rất nhiều điểm trùng lắp với lực lượng bảo vệ dân phố được thành lập theo quy định của Nghị định số 38/2006 của Chính phủ. Theo đó, lực lượng bảo vệ dân phố tham gia nắm tình hình an ninh trật tự, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn,… giải cứu con tin, bắt giữ người phạm tội quả tang, tham gia chữa cháy, cứu tài sản và thực hiện các công việc khác theo sự phân công, hướng dẫn của UBND và công an phường. Như vậy là nhiệm vụ, quyền hạn của bảo vệ dân phố có những quy định trùng lắp với nhiệm vụ, quyền hạn của CLB PCTP. Vậy khai sinh thêm CLB PCTP để làm gì?

Thứ ba, việc trang bị công cụ hỗ trợ cũng chưa ổn. Theo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 của UBTV Quốc hội,đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc trang bị công cụ hỗ trợ phải do bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chứ không thể do UBND cấp tỉnh quy định. Quyết định của tỉnh Bình Dương ban hành kèm theo quy chế, cho phép CLB PCTP được sử dụng các công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, găng tay bắt dao… là không đúng với quy định của pháp lệnh này.

Nghị định 38/2006 cho phép lực lượng bảo vệ dân phố sử dụng công cụ hỗ trợ và nghị định này áp dụng trên toàn quốc. Còn quyết định của Bình Dương chỉ có hiệu lực trên địa bàn của tỉnh Bình Dương. Như vậy là thẩm quyền quy định về sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng. Việc địa phương quy định trái với văn bản của trung ương có nguy cơ phá vỡ tính thống nhất của pháp luật.

ThS CAO VŨ MINH (Khoa Luật hành chính, ĐH Luật TP.HCM)

_____________________________________________

Kinh phí hoạt động của các CLB từ các nguồn: đóng góp của các hội viên; tài trợ của tổ chức doanh nghiệp, cá nhân; khoản hỗ trợ từ quỹ quốc phòng an ninh.

Từ các nguồn kinh phí trên, nếu không đủ chi thì được hỗ trợ từ ngân sách của xã/phường/thị trấn.

Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng về pháp luật, các kỹ năng cần thiết cho các hội viên của đội xung kích chống tội phạm ở địa phương quản lý; quy định chi tiết quy chế phối hợp giữa các đội xung kích chống tội phạm trong phạm vi địa bàn cấp huyện với nhau và với công an cấp xã; chỉ đạo các đội nghiệp vụ thuộc công an cấp huyện trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo tội phạm, truy bắt và tiếp nhận tội phạm.

(Theo Quy chế tổ chức, hoạt động của CLB PCTP trên địa bàn
tỉnh Bình Dương)


NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm