Triệu con tim hướng về nguồn cội

Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP - nhấn mạnh như thế tại hội thảo khoa học “TP.HCM hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” do Thành ủy TP.HCM phối hợp cùng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 23-9.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm của đồng bào các giới, các nhà khoa học, các vị nhân sĩ, chức sắc tôn giáo đã dành tâm huyết và tình cảm với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khắp các nơi từ miền Bắc, miền Trung đến vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gửi gần 150 tham luận đến hội thảo, bày tỏ tình cảm “như cây một cội, như con một nhà”.

Từ cái nôi sông Hồng

Triệu con tim hướng về nguồn cội ảnh 1
Du khách tham quan điện Kính Thiên trong khu di tích
Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng

Trình bày tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Đại học Quốc gia Hà Nội - khẳng định: chỉ với công cuộc dời đô và định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ đã đủ trở thành “vị hoàng đế kiệt xuất nhất của lịch sử Việt Nam, có tầm nhìn và sự nghiệp thiên niên kỷ”. Cũng theo ông, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới với các giá trị nổi bật toàn cầu của nó, là một kỳ tích của lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà vua Lý Thái Tổ là người có công đầu tiên và vĩ đại nhất. Cũng đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Vũ Minh Giang mang đến hội thảo những dữ liệu khoa học được tóm gọn trong chủ đề “Từ Thăng Long đến Cửu Long - sự kết tinh và lan tỏa một nền văn minh sông nước”. Bài nghiên cứu của ông cho rằng cư dân Nam bộ đã có sự sáng tạo phi thường để chinh phục vùng đất mới, đồng thời khẳng định “những thành tựu cư dân đồng bằng sông Cửu Long đạt được không hề tách rời truyền thống”. Khép lại tham luận của mình, GS Giang nhấn mạnh: “Văn minh đồng bằng sông Cửu Long là sự lan tỏa và phát triển lên một đỉnh cao mới của nền văn minh sông nước đã được hình thành, nuôi dưỡng từ cái nôi đồng bằng sông Hồng, qua các giai đoạn văn minh Văn Lang - Âu Lạc, văn minh Thăng Long - Đại Việt”. Trước đó, phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Phan Thanh Bình - ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - khẳng định người dân cả nước hướng về nghìn năm Thăng Long - Hà Nội là bày tỏ tình cảm, lý trí, tâm huyết, nguyện vọng với quá khứ, hiện tại và tương lai của thủ đô. Sự hòa nhập của máu thịtLinh mục Nguyễn Công Danh - chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo TP.HCM - xúc động: “Trên 660.000 đồng bào Công giáo TP.HCM xin được đồng thanh biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của đồng bào Công giáo Việt Nam đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước, đối với thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến”. Ví TP.HCM và Thăng Long - Hà Nội như “sự hòa nhập của máu thịt”, linh mục Nguyễn Công Danh nói: “Cái nền vững chắc của văn hóa Việt Nam và văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã tạo cho người Sài Gòn - TP.HCM một bản lĩnh, một tinh thần bất khuất”. “Nghìn năm một hội tương phùng, không phải đất nước nào cũng có niềm tự hào về một thủ đô có lịch sử lâu dài như vậy” - linh mục nhấn mạnh. Hòa thượng Thích Trí Quảng - phó chủ tịch hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM - gửi đến hội thảo tham luận “Hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Tham luận có đoạn “với nền tảng tốt đẹp mà Phật giáo đã xây dựng được cho dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm, chúng tôi tin tưởng tăng ni, phật tử Việt Nam sẽ tiếp nối được tinh thần vị tha vô ngã của cha ông để xây dựng đất nước phát triển ngang tầm với thời đại, sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu. Và tinh thần vô ngã vị tha cũng là ngọn đèn của Phật Tổ soi sáng cho nhân dân Việt Nam luôn sống trong tình thương, trong hòa bình, trong ấm no, hạnh phúc”. “Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng Đảng bộ và nhân dân TP.HCM có truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, chính là bắt nguồn từ hào khí Thăng Long, từ truyền thống quật khởi của dân tộc...” - Bí thư Lê Thanh Hải nhắc lại lần nữa, đồng thời khẳng định “ý thức về sự thụ hưởng và trách nhiệm đối với cội nguồn dân tộc, TP.HCM luôn nêu cao tinh thần “cùng cả nước, vì cả nước”, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn”.
Theo QUỐC THANH (TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm