Tự ngược đãi vì niềm tin nội tâm

Còn nhớ, khi lễ hội khai ấn Đền Trần vẫn còn khai ấn và phát ấn ngay trong đêm, lực lượng an ninh được huy động tối đa. Hai con đường đổ về trung tâm của đền đều có nhiều rào ngăn cách cứng. Một rào ngăn cách có 5-10 chiến sĩ công an làm công tác đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra, những cuộn gai sắt cũng được giăng mắc khắp các hàng rào. Một thành viên trong ban tổ chức khẳng định với việc huy động lượng lớn lực lượng tham gia bảo vệ và hệ thống rào chắn như trên chắc chắn sẽ không còn tình trạng tranh cướp ấn.

Tuy nhiên, khi lễ khai ấn vừa kết thúc và việc phát ấn được tiến hành thì dòng người khổng lồ đã nhanh chóng vô hiệu hóa các hàng rào chắn trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ. Những cuộn dây thép gai cũng bị dẫm rạp dưới những bước chân của người đi lễ mong muốn có ấn trên tay.

Sự tranh cướp ấn ngoài nguyên nhân là do sự chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu còn có một nguyên nhân khác đó là niềm tin nội tâm do người đi lễ tự quy định. Theo đó, không ít người cho rằng với những vật thiêng như ấn thì nếu thong dong xếp hàng chờ lấy như ngày nay thì không được thần linh chứng cho, càng vất vả giành giật thì vật ấy mới thiêng.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, trong một lần trả lời phỏng vấn báoPháp Luật TP.HCM cũng từng khẳng định: “Những thứ người ta tranh cướp để lấy được trong lễ hội chẳng có giá trị gì về mặt vật chất nhưng lại là biểu tượng cho một niềm tin tâm linh vu vơ nào đó. Ở góc độ này, nó cho thấy sự bế tắc trong niềm tin. Người ta gửi gắm số phận của mình thông qua thứ niềm tin đó thay vì làm việc cật lực, nghiêm túc, chăm chỉ để có được những thành quả lao động. Người ta tin vào sự siêu nhiên, hy vọng cho mình đổi đời, may mắn, phúc lộc”.

Cũng chính vì niềm tin nội tâm tự quy định hoặc do người khác truyền đạt lại, rằng đi lễ ngoài lòng thành tâm thì cần phải có sự hao công, tổn sức thì lòng thành mới được chứng mà nhiều người chấp nhận hòa vào dòng người đông đúc, chấp nhận hành xác trên những con đường trơn trượt, cheo leo trên núi đầy nguy hiểm.

Nói như TS Khuất Thu Hồng thì lễ hội cũng là sự phản ánh một phần đời sống thực tại hiện nay. Khi một bộ phận người vẫn dùng sức mạnh cơ bắp để giành giật lợi ích về mình hoặc dùng sự hành xác để thu vén lợi ích thay cho sự lao động, sáng tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm