Tường thuật từ tâm lũ: Nhiều nơi còn ngập sâu

Gần 20.000 căn nhà ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) chìm trong biển nước. Quốc lộ 1A và đường sắt đều bị tê liệt, hàng trăm xe khách đang dừng chờ lũ rút. Đó là những gì chúng tôi ghi nhận được tại Nghệ An sau khi cơn bão số 10 đi qua.

Khẩn trương cứu người

Chiều tối 1-10, chúng tôi theo ông Nguyễn Hữu Tuy, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, lên xuồng cứu hộ của Quân khu 4 tới các phường Mai Hùng, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị; xã Quỳnh Vinh và Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai). Ngang qua phường Mai Hùng, chúng tôi thấy nhiều người dân đang đứng trên nóc nhà, vẫy tay kêu cứu. “Đội ơn các anh đã cứu sống tôi” - bà Đậu Thị Ninh 63 tuổi, chắp tay nói khi được các chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An và Quân khu 4 đỡ xuống từ nóc nhà.

Bà Ninh nói tiếp: “Chồng và con trai tôi đã mất tích, xin các chú tìm cách cứu họ với. Nước dâng nhanh quá, hơn 60 năm nay tôi chưa bao giờ thấy nước ngập sâu như thế này. Không ai kịp trở tay. Trâu và heo, gà, lúa trôi hết cả rồi các chú ơi”.

Thuyền chúng tôi tiếp tục ghé đến nóc nhà cứu vợ chồng cụ Nguyễn Văn Minh (90 tuổi) và Trần Thị Luận (hơn 80 tuổi). Trời mưa như trút nước, lũ vẫn dâng cao dần. Các chiến sĩ vừa bơi vừa lần lượt nâng hai cụ lên xuồng. Theo cụ Minh, các con đã treo giường lên đến nóc cho vợ chồng cụ nằm nhưng cũng không ổn vì nước dâng quá nhanh.

Tường thuật từ tâm lũ: Nhiều nơi còn ngập sâu ảnh 1

Các chiến sĩ Quân khu 4 và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An kịp thời cứu cháu bé bị kẹt trong lũ ở khối 11, phường Mai Hùng (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Ảnh: ĐẮC LAM

Khoảng 30 phút sau, chị Đậu Thị Linh và gần 10 đứa trẻ khóc như mưa khi được cứu đưa lên xuồng. Chị cho biết: “Nước lên nhanh quá, trôi hết đồ rồi. Từ chiều qua đến nay tôi cùng các gia đình trong xóm chưa có gì để ăn”. Gần đó, anh Lê Trọng Bé cho biết gia đình anh và hàng xóm chỉ kịp bỏ của chạy đến những nhà cao 2-3 tầng trong làng xin trú tạm. Hơn 100 con heo của anh Bé và hàng trăm con gà bị nước cuốn trôi sạch. Do nước lên nhanh, lực lượng PCLB chỉ khẩn trương dùng xuồng cứu người, chưa kịp chở mì và cơm đi cứu đói. Đáng tiếc là hai mẹ con chị Huyền ở phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai bị nước lũ cuốn trôi do không kịp chạy lũ.

Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam ngập sâu

Trong khi đang vật lộn cứu dân, ông Tuy nhận được điện thoại kêu cứu: “Có ba chiếc xe khách Bắc-Nam đang mắc kẹt trên quốc lộ 1A, đoạn gần BV Trung ương Da liễu Quỳnh Lập, cần ứng cứu gấp”. Ông Tuy vội vàng gọi điện thoại chỉ đạo các xuồng tìm bình gas và gạo nấu cơm, nấu mì phát cứu hành khách.

Đến chiều tối 1-10, nhiều đoạn quốc lộ 1A qua thị xã Hoàng Mai vẫn bị ngập sâu. Nhiều đoạn đường ngập sâu tới 2 m, hàng trăm xe tải, xe khách phải dừng chờ lũ rút. Các đoàn tàu Bắc-Nam phải dừng chờ ở ga Vinh và ga Thanh Hóa. Đến tối 1-10, nhiều hành khách trên tàu vẫn chưa được cung cấp đủ lương thực. “Nếu nước ngập trong thời gian dài, ngành đường sắt buộc phải đề nghị Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia cung cấp lương thực bằng máy bay trực thăng” - ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết.

Nghi do thủy điện xả lũ

Ông Tuy cho rằng cùng với mưa bão thì một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do hồ Vực Mấu xả lũ. Nhưng ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Công ty Thủy Lợi Bắc (Nghệ An), cho biết: “Chúng tôi xả lũ hồ Vực Mấu đúng quy trình. Từ chiều tối 30-9, chúng tôi xả lũ một cửa hồ Vực Mấu nhưng sau đó do mưa quá lớn nên buộc phải xả lũ năm cửa cùng lúc”.

Ông Nguyễn Hữu Nhung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An, cho biết: Từ 17 giờ ngày 30-9 đến 14 giờ ngày 1-10, lượng mưa đo được tại trạm đo hồ Vực Mấu của Công ty Thủy Lợi Bắc là 541 mm. Do đó, Ban chỉ huy PCLB hồ Vực Mấu phải mở năm cửa tràn để xả lũ. Trước khi xả lũ đã có thông báo cho các xã, thị trấn biết để chuẩn bị đối phó. Tuy nhiên, do lượng mưa phía sau hạ du lớn, kết hợp với thủy triều dâng cao làm cho việc tiêu thoát chậm, gây ngập quốc lộ 1A và làm nhiều phường, xã bị ngập.

Đến tối qua, mưa dông trên địa bàn thị xã Hoàng Mai vẫn chưa ngớt, nước vẫn chưa có dấu hiệu rút. Đến 20 giờ, lực lượng cứu hộ chỉ đưa được hơn 500 hộ dân trong tổng số hơn 3.000 hộ dân đến nơi trú ẩn an toàn. Toàn thị xã Hoàng Mai và nhiều xã ở huyện Quỳnh Lưu vẫn bị mất điện.

Xơ xác những ngôi làng

Cơn bão số 10 đi qua, chúng tôi tìm đến các địa phương dọc bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị. Nhìn người chồng đang chơi đùa bên những mảnh tôn fibro bị vỡ, chị Nguyễn Thị Não (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) trào nước mắt: “Cách đây hai năm, anh ấy bị bại não do điện giật. Một mình tôi vừa phải nuôi chồng, nuôi con cực khổ trăm bề, nay lại gặp cảnh éo le này không biết bao giờ mới có nhà ở”.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Khánh Linh, xã Đức Trạch (Quảng Trạch, Quảng Bình), bần thần trước ngôi nhà bị đổ sập: “Khi đi sơ tán về tôi thấy nhà sập, toàn bộ tài sản bị chìm trong nước, xót xa lắm”. Chị Hồ Thị Hường - vợ anh Linh nhìn ngôi nhà thành đống gạch vụn mà nước mắt cứ lăn dài.

Ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, Quảng Bình, cho biết: “Thống kê sơ bộ đến nay huyện Bố Trạch có đến 35.520 nhà bị sập và tốc mái, một người chết, một mất tích, 18 người bị thương, gần 8.000 diện tích cây cao su gãy đổ… Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến 2.700 tỉ đồng. Không biết bao giờ người dân mới gượng dậy được”.

Đáng lo ngại nhất là ở xã Đức Trạch, nước biển tiếp tục dâng cao cuốn đi nhiều tài sản của người dân. Ngư dân Trần Huy Hùng cho biết những đợt sóng cao 4-5 m trong bão đã làm vỡ bờ kè của xã, nước ngập vào nhà hơn 2 m. “Từng đợt sóng phủ trắng trời như muốn nuốt hết từng căn nhà. May mắn lúc đó người dân đã di tán hết, không thì hậu quả khó lường…” - ông Hùng rưng rưng.

Tại Quảng Trị, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, cho biết: “Đây là cơn bão kinh hoàng nhất quét qua huyện Vĩnh Linh. Hầu hết nhà đều tốc mái, cây cao su gãy đổ hàng loạt khiến đời sống của người dân càng khó khăn hơn… Hiện huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương giúp đỡ người dân thu dọn, khắc phục sự cố bão tạm thời và động viên bà con”.

VIẾT LONG

Mạnh hơn bão Xangsane năm 2006    

Cơn bão số 10 đã đi qua nhưng hậu quả của nó chẳng khác gì một trận càn của máy bay B52 thời chiến tranh. “Cơn bão này mạnh hơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006”. Có mặt tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.

Ngay sau cơn bão, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới. Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Bố Trạch có hơn 16.000 căn nhà bị tốc mái, hơn 110 căn bị ngập sâu. Toàn tỉnh có năm người, hai người mất tích và hơn 150 người bị thương.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chính quyền huyện Bố Trạch cần nhanh chóng hỗ trợ những người mất nhà cửa, tìm kiếm người mất tích. Các trạm y tế cần đảm bảo cấp cứu kịp thời người bị thương và vệ sinh tiêu độc, khử trùng sau bão.

Ngày 5-10 sẽ khôi phục lại hoàn toàn lưới điện. Ngày 1-10, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung cho biết lưới điện 110 kV ở các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị đã được khôi phục. Hiện còn một số khu vực chưa thể khôi phục cấp điện do bị đổ cột, đứt dây, ngập nước. Dự kiến hết ngày 5-10 sẽ khôi phục lại hoàn toàn lưới điện. LÊ PHI

Bộ Y tế cấp thuốc cho các tỉnh bị mưa bão. Ngày 1-10, Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vệ sinh phòng dịch tại các địa phương; chủ động hóa chất, các phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh và hỗ trợ chi viện cho các địa phương khi cần thiết… Bộ Y tế quyết định cấp hàng trăm cơ số thuốc PCLB, hóa chất CloraminB, thuốc lọc nước Aquatap và áo phao cho 12 sở y tế và ba đơn vị quân dân y trong vùng bão lũ. DUY TÍNH

Lũ đang lên trên các sông ở miền Trung. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 1-10, các tỉnh từ nam Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa rất to. Từ ngày 2-10, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ lên cao. Ở miền Nam, lũ trên sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên cao. HOÀNG VÂN

Thanh Hóa: Hàng ngàn hộ dân chìm trong biển nước. Đến hết ngày 1-10, mưa lớn tiếp tục gây ngập trên diện rộng. Hồ thủy lợi Kim Giao (Tĩnh Gia) bị vỡ khiến hơn 5.000 hộ dân chìm trong biển nước. Hàng trăm hộ buộc phải sơ tán khi lũ ngập tới nóc nhà. Nhiều đoạn trên quốc lộ 1A bị ngập sâu. Tại xã Công Bình, huyện Nông Cống, hai học sinh đi học về đã bị nước lũ cuốn trôi, tới 15 giờ mới tìm thấy thi thể. ĐẶNG TRUNG

Tìm thấy thi thể một công nhân trong hầm thủy điện. Lúc 13 giờ ngày 1-10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Công Lệnh (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) ở cuối đường hầm Nhà máy thủy điện La Hiêng 2. Đây là một trong ba công nhân bị lũ cuốn trong đường hầm thủy điện khi đang làm việc ca đêm 26-9. Hai nạn nhân chưa tìm thấy là anh Nguyễn Thanh Cương và ông Zhou Ming Shu (người Trung Quốc). T.LỘC

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm