VỤ VEDAN GÂY THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG:

UBND tỉnh Đồng Nai quyết không thỏa hiệp

Chiều 26-7, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra công văn hỏa tốc chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh như Hội Luật gia, Hội Nông dân, TAND, Sở TN&MT, chủ tịch UBND các huyện Long Thành, Nhơn Trạch hướng dẫn người dân hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại. Công văn này được thực hiện trên cơ sở báo cáo kết quả của Viện Tài nguyên Môi trường về đánh giá thiệt hại kinh tế về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tại tỉnh Đồng Nai do hành vi gây ô nhiễm của Công ty Vedan gây ra.

Công văn nêu rõ: “Tỉnh đã thống nhất quan điểm trong hệ thống chính trị là phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân bị thiệt hại. Tỉnh không khoan nhượng, không thỏa hiệp trước những hành vi cố ý, làm trái, gây thiệt hại đến đâu thì phải bồi thường đến đó. Trường hợp gây thiệt hại nặng cho người dân thì phải bồi thường, trường hợp gây ảnh hưởng đến đâu thì phải hỗ trợ đến đó”. UBND tỉnh đề nghị Hội Luật gia tỉnh, Hội Nông dân tỉnh thành lập tổ công tác tại hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch để hướng dẫn người dân lập hồ sơ, chứng cứ liên quan để yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại.

UBND tỉnh Đồng Nai quyết không thỏa hiệp ảnh 1

Cách đây hai ngày (ngày 25-7), nhiều luật sư là thành viên của Chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí của báo Pháp Luật TP.HCMđã đến huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) trực tiếp tư vấn cách thức khởi kiện cho người dân.Ảnh: PĐ

Đối với những người dân lựa chọn hình thức khởi kiện tại tòa án để đòi bồi thường thiệt hại, UBND tỉnh Đồng Nai giao Hội Luật gia tỉnh hướng dẫn, giúp đỡ về thủ tục khởi kiện và làm đại diện cho người dân nếu được người dân ủy quyền. Đối với những người dân lựa chọn hình thức thương lượng, UBND tỉnh Đồng Nai giao Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ người dân hoàn chỉnh các hồ sơ liên quan, đồng thời làm đại diện cho người dân theo ủy quyền để tiến hành thương lượng, yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại. Về thủ tục yêu cầu bồi thường, hỗ trợ, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng phải thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Người dân phải đưa ra chứng cứ để chứng minh thiệt hại của mình. Chủ tịch UBND huyện Long Thành và UBND huyện Nhơn Trạch có nhiệm vụ bố trí địa điểm, tạo điều kiện cho tổ công tác của hai hội luật gia và nông dân thực hiện các nội dung nêu trên. Kinh phí hỗ trợ cho tổ công tác được tạm ứng từ nguồn kinh phí Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh. Thậm chí, mức án phí để khởi kiện Vedan cũng sẽ được lấy từ nguồn này nếu cần.

Hôm qua (26-7), ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, cho biết Công ty Vedan vừa có văn bản nâng mức hỗ trợ thiệt hại cho hơn 5.000 hộ dân tỉnh Đồng Nai là 30 tỉ đồng. Mức này tăng gấp đôi so với mức trước đó của chính Vedan đưa ra nhưng vẫn còn chênh lệch khá lớn so với mức yêu cầu của UBND tỉnh (gần 120 tỉ đồng).

Theo ông Quang, trước đó Hội Nông dân tỉnh đã có văn bản thông báo ý kiến của người dân trong các cuộc họp tại bốn xã bị thiệt hại, đề nghị Vedan nâng mức hỗ trợ lên 30 tỉ đồng nhưng đại diện Vedan cho rằng 25 tỉ đồng là con số có thể chấp thuận được. “Trước mắt, hội sẽ xin ý kiến Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai về việc này…” - ông Quang nói.

Theo Ban Chỉ huy thống kê thiệt hại trong vụ Vedan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hôm nay (27-7), các cơ quan chức năng tỉnh này sẽ họp tại UBND huyện Tân Thành, công bố trên các phương tiện truyền thông về việc khởi kiện Vedan và sau đó sẽ chính thức nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Tân Thành.

MINH Ý - PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm