NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20-10

Ủng hộ phụ nữ, hãy thúc đẩy bình đẳng giới

11 năm làm công tác về bình đẳng giới, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, được nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ đánh giá là một gương mặt rất tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động hướng đến bình đẳng giới tại TP.HCM.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện cùng bà Kim Thanh.

Phụ nữ vẫn chấp nhận bất bình đẳng giới

. Phóng viên: Thưa bà, thực tế công tác nhiều năm qua, bà nhận thấy nhận thức của phụ nữ TP.HCM về vấn đề bình đẳng giới đã chuyển biến như thế nào?

+ Trần Thị Kim Thanh: Chúng ta đều thấy rằng nhận thức về bình đẳng giới đang có nhiều chuyển biến tốt hơn. Phụ nữ ngày càng năng động, chủ động và tham gia tích cực vào mọi hoạt động từ trong gia đình đến ngoài xã hội do hiểu biết về bình đẳng giới được nâng cao.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải nói thật rằng thúc đẩy bình đẳng giới là một quá trình rất dài và chúng ta mới chỉ đạt được một số kết quả. Qua tiếp xúc với nhiều phụ nữ, bao gồm những phụ nữ có học thức cao, tôi biết có nhiều chị em đang là nạn nhân của bạo lực, của đối xử bất công ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng họ vẫn chấp nhận vì nghĩ rằng phụ nữ sinh ra là đã chịu thiệt, chịu khổ như một mặc định rồi. Vì vậy, họ không có đủ quyết tâm để thay đổi.

Qua một số buổi truyền thông, các buổi hoạt động chuyên đề, tôi nhận ra nhiều phụ nữ vẫn có định kiến sâu sắc với chính giới nữ của mình. Ví dụ, khi một cô gái bị quấy rối tình dục thì họ cho rằng chắc là nạn nhân cũng đã làm gì hớ hênh trước đó. Hoặc gia đình xảy ra bạo lực chưa chắc là do đàn ông chủ động gây ra mà do phụ nữ không biết điều.

Bạn thấy đó, bạo lực hay quấy rối xảy ra trên cơ sở bất bình đẳng giới rất phổ biến.

. Bạo lực hoặc quấy rối tình dục có thể xem là nghiêm trọng nhưng việc phụ nữ làm việc nhà nhiều hơn hay hy sinh nhiều hơn thì nhiều người vẫn xem là bình thường. Trong nhiều buổi truyền thông hoặc các buổi tham vấn, các gia đình đều mong muốn được hướng dẫn tháo gỡ các vấn đề lớn.

+ Cũng vì tâm lý xem bất bình đẳng giới ở mức độ nào đó là bình thường nên chúng ta khó có thể thay đổi nhận thức về bình đẳng giới một cách bản chất và sâu sắc. Từ đó, nhiều biểu hiện bất bình đẳng giới được lờ đi hoặc sẽ được ngụy trang tinh vi hơn. Cũng từ đó mà tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân được phổ biến, được bình thường hóa.

Khi tham gia nhiều dự án với nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ, tôi nhận thấy họ không đao to búa lớn gì cả. Họ bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhưng thiết thực. Ví dụ, dự án đảm bảo sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, họ đặt ra mục tiêu nhà vệ sinh dành cho phụ nữ phải có đủ một số dịch vụ hỗ trợ phù hợp với giới nữ. Khi mọi người đều hiểu là cần thiết thế vì phụ nữ và đàn ông không giống nhau, lấy chuẩn của dịch vụ nam giới rồi áp dụng chung là bất tiện cho phụ nữ. Chỉ cần vậy thôi đã thay đổi định kiến giới được nhiều rồi đấy.

Bà Trần Thị Kim Thanh tại một buổi tập huấn về quyền trẻ em. Ảnh: HM

Đàn ông cũng là nạn nhân của định kiến giới

. Các hoạt động bình đẳng giới của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM có sự tham gia của nam giới như thế nào?

+ Chúng tôi cho rằng truyền thông bình đẳng giới mà chỉ có phụ nữ tham gia với nhau khó có thể thành công.

Mạng lưới của chúng tôi đã thành lập được rất nhiều câu lạc bộ nam giới phòng, chống bạo lực đối với nữ giới, tham gia là các bậc phụ huynh nam và con trai. Nhiều ông bố khi tham gia đã rất tự tin khẳng định mình không có định kiến giới, ủng hộ phụ nữ. Nhưng nhiều việc làm của họ mang định kiến và gây tổn thương về tinh thần mà chính họ đã không nhận biết được. Ví dụ, nhiều người cho rằng họ “dạy vợ” họ tôn trọng và không dùng vũ lực nhưng tư tưởng chồng là người được “dạy” vợ là đã sai rồi.

Nhiều anh tham gia câu lạc bộ đã thay đổi rất nhiều. Có anh chia sẻ họ cũng là nạn nhân của định kiến giới. Vì từ bé họ đã được giáo dục đàn ông con trai thì không phải làm việc nhà, không biết cách chăm sóc gia đình và những người phụ nữ xung quanh. Khi xung đột trong gia đình xảy ra, họ không biết cách giải quyết ổn thỏa. Do đó vợ chồng bất hòa, con cái đau khổ, bất hạnh. Khi nhận biết được gốc rễ của vấn đề, họ đã thay đổi để gia đình hạnh phúc hơn.

Nhưng có nhiều người thực sự khó thay đổi. Họ chấp nhận thỏa hiệp ở một số lĩnh vực và cho rằng thế là đã tốt lắm rồi. Chúng tôi chấp nhận rằng đấu tranh bảo vệ bình đẳng giới cho phụ nữ là một chặng đường khó khăn, lâu dài, cần kiên trì.

. Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện này. Nhân ngày 20-10, tôi chúc bà thật nhiều sức khỏe.

TP.HCM sẵn sàng đối mặt và cải thiện

Tôi rất ấn tượng về chị Kim Thanh vì năng lượng, ý tưởng và sự cam kết cao của chị ấy trong các hoạt động về bình đẳng giới. Chị ấy có thể kết nối dễ dàng với rất nhiều đối tác để hỗ trợ phụ nữ hiệu quả trong nhiều trường hợp cụ thể.

Khi làm việc với chúng tôi trong dự án “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”, chị Kim Thanh tham mưu tích cực và các cuộc khảo sát đã cho những kết quả sát thực tế, từ đó chúng tôi đưa ra các giải pháp hữu hiệu. Nhiều TP không hợp tác với dự án do lo ngại qua các cuộc khảo sát sẽ bộc lộ thực trạng hạn chế về công tác chăm sóc, bảo vệ phụ nữ tại địa phương. TP.HCM không ngại điều này, dù các số liệu khảo sát nói lên nhiều hạn chế nhưng TP.HCM sẵn sàng đối mặt và cải thiện.

 LÊ THỊ LAN PHƯƠNG, cán bộ Chương trình Chấm dứt
bạo lực đối với phụ nữ, UN Women Việt Nam
 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm