Việt Nam top đầu về khởi nghiệp, hạng cuối về quản trị

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã chỉ ra như vậy tại hội thảo toàn quốc “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017”, do Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Trường ĐH Quản trị Paris tổ chức, chiều 15-4.

Hội thảo thu hút 500 khách mời gồm các giám đốc điều hành, chuyên gia và các học giả trong và ngoài nước.

Theo ông Lộc, năm 2016, tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, tuy nhiên Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có mức độ tăng trưởng cao của thế giới. Điều đó chứng tỏ niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã trở lại. Đặc biệt, Chính phủ đang xây dựng quốc gia khởi nghiệp. 

Doanh nghiệp FDI chưa kết nối doanh nghiệp trong nước và chủ yếu lắp ráp, gia công là một trong các nguyên nhân khiến giá trị mang lại không cao. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Lộc đánh giá xét về vĩ mô nền kinh tế của chúng ta vẫn còn nhiều lo ngại do có nhiều tác động từ bên ngoài và tình hình nội tại. Cụ thể, việc hội nhập để mở mang nền kinh tế ra thế giới gặp khó khăn như TPP đang ngưng lại, nước Anh rời Liên minh châu Âu...

Cùng đó, các doanh nghiệp FDI chưa kết nối với doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp này chủ yếu gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị mang lại không cao. Chưa kể, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản vốn là thế mạnh bị sụt giảm. Đáng lo ngại, nợ công tăng, năng suất lao động thấp. 

Về lời khuyên dành cho doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng trong bức tranh kinh tế nêu trên vừa có mảng tối và điểm sáng và cộng đồng doanh nghiệp không nằm ngoài bức tranh tổng thế ấy. "Trong năm tới còn vẫn nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp, do vậy các doanh nghiệp nên cẩn trọng. Bởi công tác dự báo diễn biến kinh tế của ta còn yếu, vì vậy doanh nghiệp cần tìm cách thích ứng sự thay đổi, thay vì tìm sự thay đổi như thế nào. 

Ông Lộc cho rằng trong các diễn đàn kinh tế thường lạm bàn về thể chế, tuy nhiên việc nâng cấp năng lực quản trị mới tạo ra khả năng cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam, đó là chìa khóa thành công. "30 năm đổi mới đã hình thành cộng đồng nửa triệu doanh nghiệp. Nhìn vào cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta đông nhưng chưa mạnh, chưa có nhiều con sếu đầu đàn. Kết quả khảo sát cho thấy Việt Nam nằm top đầu trong 20 quốc gia có tinh thần khởi nghiệp của thế giới, ngược lại chúng ta cũng được xếp top cuối về năng lực quản trị khởi nghiệp", ông Lộc nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm