Vĩnh biệt Ngôi sao cô đơn

Sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa đem đến nhiều thương tiếc cho người ở lại.
Mạng xã hội tràn ngập những dòng thương tiếc. Mỗi dòng trạng thái là một câu chuyện của người viết về kỷ niệm với những nhạc phẩm Thanh Tùng.

Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: TƯ LIỆU

Có lẽ những người sinh trong khoảng năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 là những khán giả gắn bó nhiều với nhạc Thanh Tùng nhất. Đó là thời âm nhạc không có đâu ngoài xem qua truyền hình hoặc nghe đài. Từ chiếc tivi, rất nhiều ca khúc của Thanh Tùng đến với khán giả: Giọt nắng bên thềm, Một mình, Giọt sương trên mí mắt, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về, Chuyện tình của biển, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Vĩnh biệt mùa hè, Trái tim không ngủ yên, Cảm ơn mùa thu… Những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng đã góp phần làm nên hình hài một thế hệ ca sĩ: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tấn Minh, Trần Thu Hà, Bằng Kiều… Hay với Một thoáng quê hương và Ngôi sao cô đơn đã giúp gầy dựng thêm tên tuổi cho nhóm Tam ca áo trắng và ca sĩ Cẩm Vân.

Giai đoạn sau này là một Thanh Tùng với các giọng ca Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Dung, Tùng Dương, Phương Linh, Hải Đăng, Lê Cát Trọng Lý trong các ca khúc: Hoa cúc vàng, Chuyện cổ Nghi Tàm, Giờ ta biết yêu em, Đếm lá ngoài sân…

Và cả một Thanh Tùng khác của những ngày như Trịnh Công Sơn “em ở nông trường em ra biên giới” với những ca khúc: Lời tỏ tình mùa xuân, Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Tình không biên giới… Đây là những ca khúc được xem là nhạc đỏ, dưới bàn tay của Thanh Tùng đó là những ca khúc hoàn toàn trẻ trung, lạc quan yêu đời của người trẻ; không bị khiên cưỡng như dạng ca khúc đặt hàng.

Điều làm nhạc Thanh Tùng trở nên đặc biệt là sự trong trẻo, ngay cả tự sự một mình thì nỗi buồn cũng không quá ủy mị, sướt mướt. Ở bất cứ đoạn đời nào dù thăng hoa hay trong biến cố, nhạc Thanh Tùng từ lời ca đến giai điệu đều mang lại cho người nghe những bức tranh bình yên với màu nắng trong, màu hoa hồng dịu, tiếng chim hót ca; và hơn cả là sự tình cờ. Tình yêu, xúc cảm trong âm nhạc Thanh Tùng dường như đều bắt nguồn từ sự tình cờ: Một ngày tình cờ, trên đường phố tôi có bàn chân em (Hoa tím ngoài sân); Khi thấy buồn em cứ đến chơi, chim vẫn hót trong vườn đấy thôi (Giọt nắng bên thềm)… Tình cờ biết đến nhạc của ông đã là một sự may mắn để bây giờ những người yêu nhạc ông không thôi luyến tiếc khi tiễn một Ngôi sao cô đơn tài hoa với câu hát cũ, của chính ông: “Cuộc đời lạ lùng, cuộc đời ước mơ những điều viển vông. Lòng người lạ lùng, lòng hay thương nhớ những điều hư không. Để rồi một ngày, một ngày nhớ thương, hóa thành mênh mông”… 

Lễ viếng và truy điệu nhạc sĩ Thanh Tùng được tổ chức vào hồi 8 giờ đến 10 giờ 30 thứ Ba 22-3-2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). An táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm