Vụ cháy xưởng may giày ở Hải Phòng: 10 đám tang trong một xã

Xóm làng tang tóc

Trước linh cữu hai con, ông Bùi Văn Biên đứng thẫn thờ. Phía sau, vợ ông đang phủ phục bên linh cữu, tiếng khóc khản đặc. Xưởng may bị hỏa hoạn là của con gái ông Bùi Thị Hiên. Toàn bộ gia sản thành tro bụi, giờ cô cùng chồng là A Phong (quốc tịch Trung Quốc) đang bị công an tạm giữ. Cô con gái thứ hai là Bùi Thị Yến cùng con trai út Bùi Xuân Anh vì cố gắng dập lửa nên bị lửa thiêu. Ông Biên nghẹn ngào: “Con Yến vừa tốt nghiệp ĐH Hải Phòng, còn thằng Anh thì vừa đỗ vào ĐH Hàng hải. Giờ tôi chỉ còn lại đứa con gái lớn”.

Cách đó không xa là đám tang chị Lê Thị Hồng. Trước bàn thờ em gái, ông Lê Văn Hòa nghẹn ngào: “Em tôi cả đời khổ cực, đến chết vẫn chưa hết khổ”. Bao năm nay chị Hồng là lao động chính trong gia đình bởi chồng chị bị ngớ ngẩn. Hơn hai năm trước, con trai lớn của chị đã qua đời vì tai nạn giao thông. Đứa con trai thứ hai là Dương Văn Đức (21 tuổi) bị bại liệt bẩm sinh. Anh chết, mẹ chết, giờ chỉ còn lại người cha ngớ ngẩn, không biết hai cha con sẽ sống ra sao.

Chưa bao giờ xã Tân Dân u ám đến thế. Cả xã có 12 người chết trong vụ cháy. Đi khắp các thôn đâu đâu cũng thấy tiếng kèn đám ma.

Do có quá nhiều đám tang trong cùng một ngày nên khó khăn lắm gia đình các nạn nhân mới tìm được đội kèn đám ma, xe đòn để đưa người thân về nơi an nghỉ. Ông Phạm Văn Đảm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, bùi ngùi nói: “Đây là ngày đại tang đối với xã Tân Dân này”.

Vụ cháy xưởng may giày ở Hải Phòng: 10 đám tang trong một xã ảnh 1

Căn xưởng xảy ra hỏa hoạn đã bị niêm phong. Ảnh: HUY HOÀNG

Sẽ làm rõ trách nhiệm

Ông Đảm cho biết đêm 29-7, đã có 10 thi thể nạn nhân được xác định, được gia đình đưa về mai táng. Ba nạn nhân còn lại, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ xác định nhân thân để gia đình được nhận thi thể. Riêng 25 người bị thương đã có 17 người được chuyển lên Hà Nội điều trị. Sáng 30-7, huyện đã cử các tổ công tác thăm viếng, trao tiền hỗ trợ cho những gia đình có người thân thiệt mạng.

Theo Công an huyện An Lão, ngay sau khi vụ cháy xảy ra, hai vợ chồng A Phong và Bùi Thị Hiên đã lên ô tô bỏ chạy. Khi sang tới huyện Thủy Nguyên, họ đổi xe và tiếp tục đi về hướng cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Tuy nhiên, khi chạy tới địa bàn huyện Tiên Yên, cả hai đã bị công an tạm giữ.

Về việc xưởng gia công giày đã làm các thủ tục xin phép hoạt động hay chưa, ông Đảm cho biết hiện huyện đang cùng các gia đình lo hậu sự cho những nạn nhân tử nạn cũng như động viên thăm hỏi những người bị thương nên chưa nắm rõ về hoạt động của xưởng. Theo ông Đảm, công an đang điều tra, làm rõ về các thủ tục cấp phép, đăng ký hoạt động của cơ sở. Tới đây, huyện sẽ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra vụ tai nạn thương tâm này. Đồng thời, sẽ tổng rà soát các cơ sở sản xuất tự phát trên toàn huyện để siết chặt quản lý.

Bước đầu, cơ quan chức năng đánh giá nếu nhà xưởng được làm đúng quy chuẩn, có cửa thoát hiểm và thực hiện tốt quy định phòng, chống cháy nổ thì hậu quả sẽ không nặng nề như vậy. Theo ông Lê Văn Liêm, Phó trưởng Công an huyện An Lão, huyện đã khởi tố vụ án, tạm giữ những người liên quan để điều tra làm rõ. Có thể huyện sẽ chuyển hồ sơ cho Công an TP Hải Phòng để điều tra theo thẩm quyền.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!

Vụ cháy làm chết 13 người, 25 người bị thương trong tình trạng bỏng nặng, sức khỏe rất nguy kịch lại một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhìn vào nhà xưởng với diện tích sàn chỉ có 100 m2 (4 x 25 m), vừa bằng một căn nhà ống bình thường, không ai nghĩ lại có thể để xảy ra chết quá nhiều người như vậy nếu như trước đó người ta đã chú ý đến công tác PCCC.

Nếu như đó là một căn nhà xây để ở thì việc chỉ có một cửa ra vào có lẽ là chuyện bình thường. Đây lại là một xưởng may gia công, chứa toàn vật liệu dễ cháy, với gần 50 con người thường xuyên làm việc trong đó mà chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất cũng là cửa ra vào thì cần phải xem xét lại về ý thức và trách nhiệm của chủ cơ sở may và cơ quan chức năng cũng như chính quyền sở tại.

Luật PCCC ra đời đã được 10 năm với quy định PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đã có người cho rằng nếu tuân thủ đầy đủ theo quy định của cơ quan chức năng về PCCC thì họ phải tốn kém trong việc trang bị các phương tiện PCCC, phải thường xuyên kiểm tra, bảo trì phương tiện và diễn tập PCCC. Thật ra chẳng có gì là thừa. “... Anh Huân ở xã Tân Dân, mắt đỏ hoe, nghẹn ngào: “Tôi tiến đến sát cửa sổ phía sau, nghe vợ tôi mắt thất thần nhìn tôi, gào lên “anh ơi cứu em!” mà tôi không thể làm gì nổi…”. Nhiều người dân bên ngoài đành bất lực đứng nhìn những nạn nhân bên trong bị lửa thiêu cháy”. Có ai mà chẳng đau lòng khi đọc những dòng chữ này trên mặt báo.

Sau vụ cháy thương tâm trên, chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã giao Sở Công Thương rà soát khẩn cấp toàn bộ các xưởng “chui” trong dân. Rõ ràng nếu công tác rà soát, kiểm tra được tiến hành chặt chẽ ngay từ đầu thì đã không xảy ra bi kịch.

Người dân có quyền đặt câu hỏi là một cơ sở may dù diện tích không lớn nhưng với lượng công nhân gần 50 người thường xuyên ra vào xưởng làm việc trong gần một tháng mà tại sao địa phương không hay biết? Hay họ biết nhưng đã bỏ qua các bước phối hợp kiểm tra về an toàn PCCC? Cần nên hiểu bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, chỉ cần với một bất cẩn nhỏ trong công tác PCCC thôi cũng có thể để xảy ra những hậu quả đau lòng như vụ cháy ở Hải Phòng ngày 29-7. Tại sao chúng ta cứ để mất bò mới lo làm chuồng?

NHẪN NAM

HUY HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm