Vụ dinh Thượng Thơ: ‘Tôi tin chính quyền sẽ lắng nghe’

Dự án mở rộng, nâng cấp cải tạo trụ sở UBND TP.HCM có khả năng xóa bỏ dãy nhà cổ 130 năm tuổi theo kiến trúc Pháp, còn gọi là dinh Thượng Thơ, đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Anh Tuấn - Tổng Lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM (ảnh). Ông Tuấn là một trong những trí thức soạn thảo bản kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ, (ông đưa ý kiến và trả lời phỏng vấn với tư cách cá nhân).

Nhiều chuyên gia, trí thức lo lắng

. Phóng viên: Sau khi công bố bản kiến nghị, nhóm của ông đã gửi đến những địa chỉ nào?

Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM

+ Ông Phùng Anh Tuấn: Chúng tôi mới chỉ công bố chứ chưa gửi đến một địa chỉ hành chính nào. Tôi vẫn đang đợi một số ông, bà tổng lãnh sự danh dự khác có thêm ý kiến. Hầu hết họ đều rất quan tâm vì đây là một công trình có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, kiến trúc rất to lớn. Chắc chắn họ sẽ tiếp tục có ý kiến. Chúng tôi nêu ý kiến hoàn toàn với tư cách công dân, không mang tư cách công vụ.

Chúng tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc không chính thức với lãnh đạo TP, họ quan tâm và lắng nghe ý kiến của chúng tôi. Đây là một điều rất đáng mừng.

. Những trí thức trong nhóm soạn thảo bản kiến nghị có chuyên môn như thế nào, thưa ông?

+ Chúng tôi là thành viên của một nhóm có tên Đài quan sát di sản Sài Gòn. Có rất nhiều trí thức có uy tín, tên tuổi thuộc các chuyên ngành khác nhau như luật sư, kiến trúc sư, những nhà nghiên cứu văn hóa-lịch sử, doanh nhân… Họ là những người có chuyên môn, tham gia việc bảo tồn bằng chuyên môn của họ chứ không phải chỉ vì cảm xúc lịch sử. Nhiều người muốn giữ gìn di sản chỉ đơn giản là họ có ký ức hoặc cảm xúc gắn liền với không gian đó.

Phát triển, quy hoạch không nên đối đầu với bảo tồn

. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, chắc hẳn sẽ có những xung đột giữa việc phát triển, quy hoạch đô thị và bảo tồn di sản?

+ Những người kinh doanh thì họ chỉ nhìn một khu đất là xây dựng thế nào, kiếm được bao nhiêu tiền, sử dụng ra sao. Nếu cứ nhắm tới những mảnh đất vàng ở trung tâm, phải lấy cho bằng được rồi đập cũ xây mới, đó là tư duy ngắn hạn. Cách làm này đã không còn hợp thời ngay cả trong kinh doanh thương mại. Bởi làm thương mại ngày nay cần đi kèm với việc bảo tồn các giá trị cộng đồng. Điều này không những đảm bảo lợi ích cộng đồng mà lợi ích kinh tế cũng tăng lên. Vấn đề là họ không nhìn ra cách làm thôi. Phát triển và bảo tồn không nên đối đầu nhau.

Ở các nước phát triển thì việc bảo tồn di sản là hiển nhiên được ưu tiên, không cần bàn cãi gì cả. Ngay cả nhiều nước châu Á gần gũi với Việt Nam cũng chọn con đường này như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Họ bảo tồn di tích và phát triển, kinh doanh các dịch vụ đi kèm với việc bảo tồn. Họ vẫn thu được tiền, vừa giới thiệu được lịch sử, văn hóa của đất nước họ. Chúng ta có thể làm như vậy.

Dinh Thượng Thơ, theo ông Phùng Anh Tuấn - Tổng Lãnh sự danh dự Phần Lan, cần được bảo tồn theo hướng gần dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tại sao không gần dân hơn?

. Dinh Thượng Thơ nằm trong dự án mở rộng trụ sở UBND TP.HCM. Trụ sở UBND là một nơi luôn được bảo vệ an toàn, không phải một địa chỉ mở cửa tham quan, du lịch. Cách làm ông vừa gợi ý có lẽ không khả thi?

+ Ôi, nơi đó là nơi được xây bằng tiền của người dân, cán bộ là để phục vụ người dân, có gì đâu mà cần phải xa cách dân. Cho người dân vào tham quan là bình thường thôi mà. Pháp có lịch mở cửa hằng năm để người dân vào tham quan các cơ quan của chính phủ, cũng là những tòa nhà kiến trúc rất đẹp. Ngay cả Nhà Trắng an ninh cao như vậy, họ vẫn đón người dân vào tham quan, được đến xem cả nơi làm việc của tổng thống. Gần dân cũng chính là một trong những nghĩa vụ của người làm chính quyền. Đâu phải mở cửa cho người dân tham quan là không an toàn.

. Đây không phải lần đầu tiên các di sản của TP.HCM nói riêng, của cả nước nói chung gặp nguy cơ. Có những lúc việc bảo tồn phải nhường bước cho yêu cầu kinh tế. Việc phát triển, bảo tồn bằng du lịch văn hóa như ông nói là một gợi ý tốt nhưng không phải nơi nào cũng có thể phát triển du lịch. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ gây ra xung đột giữa bảo tồn và phát triển kinh tế?

+ Thực ra nhiều người cứ nghĩ tới làm kinh tế là bỏ tiền ra phải thu lợi được nhiều. Muốn thu lợi nhiều thì cũng có nhiều cách làm. Chọn cách nào vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo việc bảo tồn thì đòi hỏi tầm nhìn của người lãnh đạo.

Có một giải pháp mà chúng ta có thể học hỏi từ các nước khác, đó là khi các nhà đầu tư tham gia việc bảo tồn, họ được bán quyền phát triển bất động sản từ những nơi khác. Nguồn lợi đó lại quay lại phục vụ việc bảo tồn. Chẳng ai mất mát gì cả, ngược lại ai cũng có quyền lợi. Nhà đầu tư tiếp tục được phát triển, người dân được nhìn ngắm, thưởng thức di sản văn hóa của đất nước.

Ví dụ như nhà ga Grand Central nổi tiếng ở TP New York (Mỹ) là một địa điểm đặc biệt của TP. Khi chủ sở hữu nhà ga muốn xây dựng lại, chính quyền TP không cho đập dù nhà ga thuộc sở hữu tư nhân. TP cấp cho họ quyền phát triển bất động sản có chiều cao building tương đương ở một chỗ khác. TP vẫn giữ lại được nhà ga đó cho mọi người.

Chính quyền sẽ lắng nghe

. Khi soạn bản kiến nghị, ông có nghĩ nó được quan tâm như vậy hay không?

+ Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, là người dân đã ngày càng quan tâm hơn đến di sản văn hóa-lịch sử, tham gia phản biện xã hội. Trước đây chúng tôi cũng làm động thái tương tự với thương xá Tax nhưng ít nhận được sự quan tâm như bây giờ. Thực ra cũng có nhiều ý kiến khác chứ không chỉ ủng hộ. Trong một xã hội, việc nhiều người có ý kiến khác nhau là điều bình thường, thậm chí là đáng mừng vì người dân đã quan tâm. Chúng ta bảo vệ những tài sản này đều là cho người dân Việt Nam thôi. Tôi tin là chính quyền sẽ lắng nghe.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm