Vụ gian lận điểm ở Hà Giang: Còn ai nữa ngoài ông phó phòng?

"Một mình ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, khó có thể "một tay che trời" làm trót lọt vụ gian lận 330 bài thi của 114 thí sinh trong thời gian hai tiếng đồng hồ như thế. Đó là chưa nói 114 phụ huynh không tự nhiên cùng lúc nhắm đến một ông phó phòng để nhờ vả, lo lót sửa điểm thi cho con mình. Ắt hẳn phải có nhiều người, không loại trừ có "đường dây", có đồng phạm giúp sức".

Đó là ý kiến của nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục khi nói về vụ gian lận điểm thi chấn động ở Hà Giang.

Buổi họp báo công bố những sai lầm trong gian lận thi cử tại Hà Giang. Ảnh:HP

Gáo nước lạnh dội vào ngành giáo dục

Đây là nỗi buồn rất lớn cho ngành giáo dục của nước nhà. Vì không lâu sau kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đánh giá kỳ thi thành công tốt đẹp. Nhưng rồi sự việc ở Hà Giang là một gáo nước lạnh dội vào ngành giáo dục.

Sự gian lận thi cử không những làm mất niềm tin của công chúng vào nền giáo dục mà nó còn làm tổn thương cho tất cả những thí sinh có thái độ học tập nghiêm túc, không riêng gì ở Hà Giang. Hiện nay đang tiến hành tuyển sinh trên toàn quốc, nếu các khâu không được thực hiện một cách chặt chẽ thì những em đã được sửa điểm sẽ chiếm vị trí ở những trường đại học trọng điểm của thành phố. Đó là điều không công bằng đối với những em thi cử nghiêm túc có điểm thấp hơn.

Đây là một bài học quý báu cho các Sở GD&ĐT trong tất cả các khâu chuẩn bị cho công tác thi cử, cần làm đúng quy trình, công minh, khách quan, nghiêm khắc và không lơ là. Và hy vọng ngành luật pháp sẽ điều tra, xét xử đúng người, đúng tội, nghiêm minh. 

             Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM

"Thật khó tin khi có đến 144 vị phụ huynh học sinh nào đó, cùng lúc lại nhờ vả đúng ngay người cần nhờ, nếu trước đó đã không có sự “đưa đường dẫn lối” của ai đó"

Ông Phạm Phúc ThịnhHiệu trưởng hệ thống Trường Quốc tế Vaschool

Choáng vì sự trắng trợn!

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc thông tin về việc gian lận điểm thi ở Hà Giang đó là choáng, đơn giản vì đây là sự ngang nhiên trắng trợn, bất chấp mọi quy định của một kỳ thi cấp quốc gia.

Câu hỏi đầu tiên bật ra sau khi qua cơn choáng là làm thế nào để có thể làm được điều đó một cách nhanh, gọn, lẹ đến thế! Bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu con mắt giám sát chăm chăm nhìn vào…, vậy thì làm sao có thể chỉ trong hai tiếng đồng hồ mà có thể làm với 330 bài thi nếu chỉ thực hiện một mình?

Câu hỏi thứ hai tiếp theo, liệu đây có phải là lần đầu làm chuyện ấy của người cán bộ đó? Có vẻ điều này quá khó tin! 330 bài thi của 144 thí sinh, thật khó tin khi có đến 144 vị phụ huynh học sinh nào đó, cùng lúc lại nhờ vả đúng ngay người cần nhờ, nếu trước đó đã không có sự “đưa đường dẫn lối” của ai đó.

Và câu hỏi cuối cùng, không chỉ người trực tiếp thực hiện, những cán bộ giám sát, những thanh tra viên, cán bộ an ninh được giao nhiệm vụ thanh tra - giám sát kỳ thi có góp phần gì vào công việc đó không? Không lẽ bao nhiêu người được giao nhiệm vụ giám sát không hề biết chút gì về nghiệp vụ giám sát, nhất là khâu chấm thi, để bị qua mặt một cách dễ dàng như thế?! Có thể coi những cán bộ này là hoàn thành nhiệm vụ thanh tra – giám sát hay không?

Cá nhân tôi không tin rằng chỉ có một mình người phó phòng khảo thí đó dám một mình bẻ nạng chống trời dù với bất kỳ lý do gì! Rất mong Bộ GD&ĐT, các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý nghiêm minh vụ tiêu cực này để củng cố niềm tin ở những học sinh, phụ huynh học sinh trong các kỳ thi tới.

                  Ông Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng hệ thống Trường Quốc tế Vaschool

 Một người khó có thể làm nên chuyện

Những sai phạm xảy ra ở tỉnh Hà Giang chỉ có thể thực hiện khi có sự kết hơp của nhiều người, bởi thực tế một người mà làm được như thế là rất khó. Quy trình của Bộ GD&ĐT rất chặt chẽ và có sự kiểm soát chéo với nhau. Vì thế, việc gian lận chỉ có thể xảy ra từ việc bỏ qua hoặc buông lỏng một số khâu trong quy trình hoặc những người tham gia trong quy trình đã thông đồng với nhau để thực hiện.  

Bộ GD&ĐT nên có sự nhìn nhận, đánh giá và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc để tạo nên sự răn đe, đồng thời tạo niềm tin cho xã hội trong việc nhìn nhận kết quả học tập một cách chính xác nhất.

                     ThS. Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp TP.HCM

Điều quan trọng của việc thi cử là sự công tâm, công bằng và khách quan nhưng người lớn đã gây nên bất công cho những thí sinh chỉ dựa vào năng lực của chính mình. Ảnh minh họa: THỦY TRÚC

Phải xử thật nghiêm để làm răn!

Theo dõi vụ việc xảy ra tại tỉnh Hà Giang, tôi cảm thấy buồn cho ngành giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, tôi cũng mừng vì sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an nhằm làm rõ các sai phạm. Tôi hy vọng sớm làm rõ những người có trách nhiệm liên quan, xử lý thật nghiêm khắc để trả lại công bằng cho học sinh.

Điều quan trọng của việc thi cử là sự công tâm, công bằng và khách quan. Thế nhưng người ta lại đan tâm thực hiện gian lận, khiến xã hội bức xúc, dư luận lên án. Vấn đề đặt ra hiện nay cần làm rõ liệu mình ông phó trưởng Phòng Kiểm định khảo thí có thể sửa một khối lượng lớn bài thi như thế, điểm thi chênh lệch khá nhiều như vậy. Phải chăng đã có sự câu kết, hoặc có một đường dây gian lận trong vụ này? 

     Bà Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, quận 11, TP.HCM

 Kẽ hở của kỳ thi THPT quốc gia

Vụ việc Hà Giang, tôi không bất ngờ vì đây là hệ quả của những nguyên nhân trước đó. Bởi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 có rất nhiều kẽ hở để có thể thực hiện gian lận. Thứ nhất, in sao đề thi là một khâu khá phức tạp để bảo mật vì thời gian in sao ở mỗi tỉnh/thành phải diễn ra khá nhiều. Với đề thi trắc nghiệm, mỗi đề 4-5 trang nên việc kiểm soát chặt chẽ quá trình này khá căng thẳng. Nếu nhóm cán bộ làm việc này chỉ cần sơ hở hoặc có sự thông đồng tiêu cực thì có thể tạo ra “kẽ hở”.

Thứ hai, cán bộ dễ dàng can thiệp vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Nếu nhóm cán bộ làm việc này không kiểm soát nhau tốt hoặc thông đồng với nhau thì đây là “kẽ hở” lớn. Vì phiếu trả lời trắc nghiệm học sinh dùng bút chì tô đen phương án chọn nên cán bộ có thể thay đổi phương án theo đáp án. Vết tẩy xóa hoàn toàn có thể quy cho thí sinh thực hiện.

Thứ ba là công tác coi thi, việc giám sát chỉ cần lơi lỏng một chút thì việc chuyển cho nhau đáp án trắc nghiệm là đơn giản hơn nhiều so với thi tự luận. Khi kỳ thi có xét tuyển đại học mà giao cho địa phương tổ chức thì tâm lý về “tinh thần tỉnh nhà” rất dễ tạo ra “kẽ hở” tạo điều kiện cho việc tiêu cực xảy ra để có lợi cho học sinh tỉnh mình.

           TS Lê Thống Nhất, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Trường học lớn Việt Nam – BigSchool

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm