Vụ NLĐ tại xưởng may Vinastar cầu cứu: Vinastar dọa nhờ CA Nga trục xuất!

Vào ngày 12-6, đại diện của Công ty HICC1 (Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội) đã có cuộc gặp thân nhân người lao động Nga ở xã Ba Vì cùng với đại diện chính quyền xã, huyện.

Trong buổi họp, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và chính quyền địa phương đều khẳng định Công ty Vinastar sai phạm. Ông Nguyễn Quốc Văn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH, bức xúc về việc người lao động bị trừ lương quá nhiều và vô lý, trên 30% lương. Ông Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch huyện Ba Vì, khẳng định người lao động bị xử ép và yêu cầu HICC1 phải làm rõ điều kiện sống của các công nhân hiện nay.

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc đại diện cho HICC1, đã đọc thư trả lời của Công ty Vinastar. Đại ý, công ty đã cải thiện tình trạng ăn, ở, lương, giờ làm việc… cho công nhân theo yêu cầu của tổ công tác đại sứ quán, đồng thời đưa ra ba hướng giải quyết cho tình trạng lâu dài.

Theo đó, người lao động nên ở lại làm việc tại công ty. Nếu người lao động muốn làm việc nơi khác phải trả mọi chi phí cho công ty. Nếu người lao động kiên quyết về nước thì công ty sẽ giao cho công an nước sở tại và cho về theo dạng trục xuất.

Vụ NLĐ tại xưởng may Vinastar cầu cứu: Vinastar dọa nhờ CA Nga trục xuất! ảnh 1

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc đại diện cho HICC1, phát biểu tại cuộc họp với chính quyền huyện và đại diện người lao động ở Ba Vì. Ảnh: ND

Không đồng ý với trả lời này, các lãnh đạo huyện Ba Vì và đại diện người lao động yêu cầu phải đưa người lao động về nước. Ông Bình khẳng định HICC1 luôn đứng về phía người lao động. Ông sẽ mang những kiến nghị này sang Nga để làm việc với Công ty Vinastar và đòi hỏi quyền lợi cho người lao động theo đúng với hợp đồng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng để đưa người lao động về thì việc đó rất khó khăn. Thay vào đó, ông đề nghị giải pháp đưa người lao động sang một xưởng làm việc khác (vẫn trên lãnh thổ Liên bang Nga) với vốn hoàn toàn của người nước ngoài (Thổ Nhĩ Kỳ) cùng với các điều kiện sống, làm việc được nâng cao hơn so với bên Vinastar. Mọi chi phí, thủ tục HICC1 sẽ lo. Trước mắt sẽ đưa một số người sang làm trước cùng với sự giám sát của ông trong thời gian ở bên Nga. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, ông sẽ lo cho những người còn lại. Trong trường hợp người lao động không đồng ý và vẫn đòi về Việt Nam, buộc lòng các bên sẽ cùng nhau đưa ra tòa dựa trên bản hợp đồng đã được ký kết.

Không thỏa thuận được thì phải đưa lao động về nước

Qua phản ánh của người lao động, Cục đã xác định hiện có khoảng 150 lao động đang làm việc tại xưởng may Vinastar, trong đó có khoảng 40 lao động do các công ty trong nước đưa đi. Trong đó, đơn vị đưa lao động đi nhiều nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (HICC1) là 35 người.

Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga (Bộ Ngoại giao) đang gấp rút tìm giải pháp để giải quyết tranh chấp lao động. Công ty HICC1 đã bay sang Nga để làm việc với Vinastar. Cụ thể, các bên sẽ kiểm tra lại hợp đồng, điều kiện ăn ở, làm việc một cách chi tiết để tìm giải pháp tháo gỡ. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì buộc lòng đơn vị đưa đi sẽ phải đưa lao động về nước.

Riêng số lao động đi tự do sẽ do Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Nga giải quyết tích cực. Các gia đình có lao động đi tự do có thể liên hệ và đảm bảo một số điều kiện thông qua nguồn quỹ của Cơ quan bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở ngoài nước thuộc Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để đưa con em mình về nước.

Ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Quản lý lao động (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH)

Chủ sử dụng lao động và doanh nghiệp đưa đi phải chịu kinh phí đưa lao động về nước

Trong trường hợp cụ thể này, khi cục đã thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp và tham khảo ý kiến của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga về đơn vị sử dụng lao động thì doanh nghiệp đưa đi và đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm với người lao động.

Cụ thể, doanh nghiệp đưa đi phải đàm phán với người sử dụng lao động để đưa ra công việc, điều kiện ăn ở, thời gian làm việc và thu nhập phải cao hơn hiện tại, đồng thời vận động người lao động để họ ở lại tiếp tục làm. Trong trường hợp người lao động nhất quyết không chịu ở lại thì chủ sử dụng lao động và doanh nghiệp đưa đi phải cộng đồng trách nhiệm chia sẻ kinh phí để đưa lao động về nước.

ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội  Xuất khẩu lao động

PHONG ĐIỀN ghi

Cơ quan điều tra Thái Bình vào cuộc

Ngày 13-6, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã mời thân nhân, người lao động từ xưởng may Vinastar trở về để nắm thông tin về Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại và Xuất khẩu lao động (Vinahand Coop), đơn vị đưa lao động sang Nga làm việc tại xưởng may Vinastar. Tại cơ quan điều tra, thân nhân, người lao động đã tường trình lại toàn bộ sự việc cho cơ quan điều tra, đồng thời tố cáo các đơn vị môi giới đã không nói đúng thực tế điều kiện làm việc, ăn ở tại xưởng may Vinastar khiến họ phải chịu nhiều tủi cực. Trong đó, có nạn nhân, nhân chứng “sống” đứng ra tố cáo là chị Nguyễn Thị Thược (xã Đông Sơn, Đông Hưng, Thái Bình), sau ba tháng lao động nhọc nhằn ở xưởng Vinastar, bị ho ra máu kéo dài, bị sụt 15 kg nhưng vẫn phải đi làm. Để “giải cứu”, chồng chị phải bán nhà nộp 1.000 USD cho người môi giới mới được về.

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm