Vụ nữ sinh bị bắn trúng đùi: Không cần thiết phải nổ súng

Ngày 11-8, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên đã có buổi trao đổi với báo chí xoay quanh việc Thiếu úy Trương Đình Hoàng (Đội CSGT Công an TP Thái Nguyên) nổ súng làm nữ sinh viên Hoàng Thị Trà bị thương ở đùi do lỗi không đội mũ bảo hiểm.

Cảnh sát mặc thường phục nổ súng

Theo Đại tá Nguyễn Như Tuấn-Phó Giám đốc và Thượng tá Đỗ Văn Hùng-Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên, công vụ nổ súng là có thật. Theo đó, tối 6-8, lực lượng CSGT công khai kết hợp với CSGT hóa trang tổ chức tuần tra trên địa bàn để thực hiện kế hoạch tháng cao điểm về an toàn giao thông.

Trong lúc tuần tra, Thượng sĩ Nguyễn Ngọc Hậu chở Thiếu úy Hoàng phát hiện anh Nguyễn Tuấn Hùng chở chị Trà trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu nên đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, hai người này không chấp hành và phóng xe bỏ chạy, lạng lách, đánh võng nên Thượng sĩ Hậu phóng xe đuổi theo và Thiếu úy Hoàng đã nổ súng bắn chỉ thiên. Ngay khi đuổi kịp thì sự việc nổ súng đã xảy ra.

Vụ nữ sinh bị bắn trúng đùi: Không cần thiết phải nổ súng ảnh 1

Sinh viên Trà đang điều trị tại BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

Theo lãnh đạo công an tỉnh, hai CSGT tường trình rằng đã xuất trình thẻ ngành và hô “Đứng lại!” nhưng Hùng không chấp hành.

Ngược lại, anh Hùng khẳng định không có chuyện xuất trình thẻ và anh Hùng đã ghi chú trong biên bản: “Tôi không công nhận lỗi không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông vì hai người đó không có dấu hiệu gì để tôi nhận biết là CSGT ”. Điều đáng nói là biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được lập vào lúc 21 giờ ngày 6-8, sau khi xảy ra vụ nổ súng.

Riêng chị Trà hiện nay vẫn chưa hồi phục nên cơ quan công an chưa tiến hành lấy lời khai.

Không cần thiết nổ súng   

Theo ông Tuấn, việc hai CSGT mang theo vũ khí quân dụng trong khi tuần tra là đúng nhưng việc nổ súng trong trường hợp này là không cần thiết và không nhất thiết phải truy đuổi tới cùng như thế. “Việc Thiếu úy Hoàng có bắn hay không chúng tôi chưa thể khẳng định được vì còn chờ kết luận giám định, điều tra của cơ quan thẩm quyền. Vì thế không loại trừ khả năng súng nổ do cướp cò hay do va chạm. Trước mắt, chúng tôi đã tạm đình chỉ công tác Thiếu úy Hoàng ba tháng để kiểm điểm và điều tra làm rõ. Quan điểm của chúng tôi là sẽ xử lý nghiêm khắc, không bao che, nể nang. Cơ quan công an đang gấp rút điều tra với sự tham gia của VKS cùng cấp và phối hợp nhiều cơ quan liên quan nên không có gì khuất tất. Thậm chí có thể truy tố nếu xác định được có hành vi vi phạm pháp luật” - ông Tuấn khẳng định.

Vụ nữ sinh bị bắn trúng đùi: Không cần thiết phải nổ súng ảnh 2

Biên bản vi phạm hành chính được lập sau khi xảy ra nổ súng.

Thượng tá Hùng cho rằng một số nhân chứng nghe tiếng súng nổ cùng lúc với hai chiếc xe máy bị đổ. Những lời khai này cùng bản tường trình của hai CSGT đang được xác minh làm rõ. Việc hai CSGT trưng dụng xe máy của anh Hùng để đưa chị Trà vào bệnh viện sau đó mới đưa ra dựng lại hiện trường là phù hợp với quy định pháp luật.

Ông Hùng cũng trích dẫn quy định Thông tư 27 năm 2009 của Bộ Công an về việc CSGT mặc thường phục. Thông tư 27 không quy định việc CSGT hóa trang được sử dụng súng.

Được biết, việc chiến sĩ cán bộ công an sử dụng súng trong khi thi hành nhiệm vụ được quy định tại Điều 20 Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát nhân dân (năm 1989) và Nghị định 94 (năm 1984) của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, hiện nay hai văn bản này đã hết hiệu lực.

Thông tư 27 quy định lực lượng CSGT hóa trang chỉ được hoạt động khi kết hợp với lực lượng tuần tra kiểm soát công khai và phải có kế hoạch cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt. CSGT hóa trang chỉ phát hiện vi phạm chứ không được xử lý. Đầu tháng 5-2010, Phòng CSGT đường bộ - Công an TP Hà Nội đã áp dụng hình thức CSGT hóa trang và có quy định rất cụ thể. Lực lượng CSGT hóa trang mang theo thẻ tuần tra giao thông, băng đeo tay có chữ CSGT và thẻ ủy nhiệm của trưởng phòng CSGT. Khi tuần tra bằng môtô, lực lượng hóa trang đi trước, làm nhiệm vụ phát hiện và chặn dừng phương tiện vi phạm, xuất trình giấy ủy nhiệm, đồng thời giải thích cho người vi phạm biết, sau đó thông báo bằng bộ đàm cho CSGT công khai đi sau phối hợp xử lý.

TP.HCM:  Giả CSGT mặc thường phục để cướp xe

Ngày 11-8, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) vẫn đang truy xét hai đối tượng giả cảnh sát để cướp tài sản.

Trước đó, khoảng 4 giờ ngày 9-8, anh Nguyễn Lê Nguyên Vũ điều khiển xe gắn máy chở bạn lưu thông trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình) đã bị hai thanh niên ép xe té ngã. Hai người này buộc anh Vũ phải về trụ sở Công an quận Tân Bình để lập hồ sơ xử lý về hành vi đua xe trái phép. Do nhầm tưởng đây là CSGT mặc thường phục làm nhiệm vụ nên anh Vũ không cự cãi và đồng ý theo về. Một người lấy xe máy của anh Vũ chở anh đến một ngôi nhà trên đường Hoàng Văn Thụ rồi yêu cầu anh xuống xe vào bên trong làm việc. Do nghi ngờ nên anh Vũ không xuống xe. Lập tức cả hai đấm đá anh Vũ té xuống đường rồi cướp xe của anh tẩu thoát.

H.TUYẾT

THANH LƯU - THANH TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm