Vụ quay clip ‘đốt bom’: Có xử lý hình sự được không?

Vụ việc Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội đã xác định nhóm năm thanh niên ghi hình, phát tán clip “đốt bom trên đường phố” đang thu hút sự quan tâm dư luận về hình thức xử lý.

Chưa gây hậu quả, không nhằm chống phá

Từ đầu năm 2016, N. lập nhóm “Monster NTN” gồm bốn thành viên, chuyên dựng các clip trò đùa đường phố để tải lên mạng xã hội kiếm tiền quảng cáo. N. trực tiếp quay phim, thực hiện kịch bản “đốt bom kiểu khủng bố” ở nơi công cộng dọa nhiều người (là các “diễn viên” vào vai quần chúng do nhóm thuê) hoảng sợ, bỏ chạy. Sau khi quay, N. cắt ghép thành video hoàn chỉnh và đăng tải clip lên mạng xã hội vào ngày 6-11. Theo PC50 Hà Nội, hành vi “đốt bom trên đường phố” của nhóm này đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đang củng cố hồ sơ để xử lý.

Có ý kiến cho rằng những người tham gia tạo dựng clip này có dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS hoặc tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo Điều 226 BLHS. Bởi đây là hành động phản cảm, mang tính cực đoan, gây ảnh hưởng xấu, xâm hại đến trật tự an toàn công cộng, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân ở nơi công cộng, khiến nhiều người hoang mang, lo sợ.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên ĐH Luật TP.HCM), hành vi của nhóm thanh niên này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Bởi thứ nhất, về động cơ mục đích của hành vi, họ chỉ dựng clip đưa lên mạng xã hội để câu like thu hút quảng cáo, không nhằm ý đồ chống phá Nhà nước, khủng bố đe dọa an ninh quốc gia hoặc gây rối an ninh kích động bạo lực. Thứ hai, về hậu quả, chưa xảy ra thiệt hại về tinh thần hay vật chất cho người khác vì những người hoảng sợ bỏ chạy trong clip cũng được nhóm này thuê làm “diễn viên” để quay phim. Hai tội danh nói trên chỉ xử lý được khi hành vi vi phạm có yếu tố là gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước khi xem clip thì nhóm cũng có lời giới thiệu nên người xem có thể biết được đây là một trò đùa, không thể gây hoang mang dư luận và gây tâm lý hoảng loạn cho người khác. Đối với trật tự an toàn xã hội, hành vi này cũng chưa gây xáo trộn cuộc sống của người dân, không kích động đánh nhau, không gây kẹt xe. Nó cũng không cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và người dân…

Hình ảnh cắt từ clip dọa đốt bom của nhóm Monster NTN.

Có thể xử phạt hành chính

Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), có thể áp dụng điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Theo đó, việc tổ chức người dàn dựng clip có thể coi là hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Ông Nguyễn Đình Thắm (VKSND Cấp cao tại Hà Nội) và LS Phạm Minh Tâm (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng ngoài việc xem xét xử phạt hành vi dàn dựng cảnh “đốt bom trên đường phố” thì có thể xem xét hành vi của N. (được cho là người đứng đầu nhóm) khi cắt ghép thành video và đăng tải clip lên mạng xã hội.

Theo ông Thắm, khoản 4 Điều 26 Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có quy định nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Đó là: Phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập. Nội dung clip dàn dựng cảnh đốt bom là những hình ảnh sai sự thật, có nghĩa là N. đã lừa dối khi phát tán thông tin không có thật để thu hút người sử dụng Internet nhằm kiếm tiền quảng cáo trái quy định.

Monster đã từng có nhiều clip nhân văn

Trước đó, nhóm Monster NTN đã thực hiện nhiều clip hay, thú vị và được chia sẻ nhiều.

Đầu năm 2016, nhóm đã quay clip để một thanh niên giả hết tiền, xe đạp lại bị hư để thử lòng thợ sửa xe đạp ven đường. Ông thợ sửa xe đã sửa miễn phí cho thanh niên này dù ông tâm sự mỗi ngày ông chỉ kiếm được khoảng 15.000-20.000 đồng. Đoạn video đã thu hút hơn một triệu lượt xem, hơn 80.000 like và 10.000 chia sẻ từ dân mạng. Nguyễn Thành Nam cho biết: “Khi thực hiện clip này, thông điệp của nhóm là “Hãy giúp đỡ nếu bạn có thể””.

Nhóm cũng đã thực hiện một clip dàn cảnh móc túi thử lòng người đi đường. Hình ảnh trong clip cho thấy có một thanh niên vào vai nạn nhân và thanh niên còn lại đóng giả kẻ móc túi. Hai chàng trai này lần lượt xuất hiện ở các địa điểm đông người qua lại như các vỉa hè, góc phố, nhà chờ xe buýt… rồi thực hiện hành vi móc túi ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Rất nhiều người chứng kiến đã im lặng, không dám lên tiếng hoặc ngó lơ chỗ khác. Chỉ duy nhất bác xe ôm đã bắt “kẻ móc túi” và đòi đưa lên công an. Clip đã báo động tình trạng vô cảm khi chứng kiến cái xấu ngang nhiên lộng hành.

HỒNG MINH

Đây là sự việc mới, chưa từng có tiền lệ nên sẽ khó cho việc áp quy định xử lý. Tuy nhiên. cũng cần phải có chế tài phù hợp để ngăn chặn việc tương tự bởi hình ảnh người mặc đồ Hồi giáo, che mặt, ôm bom luôn khiến người ta giật mình liên tưởng đến hành vi khủng bố và chết chóc. Dù là trò đùa hay dàn dựng clip để câu like, câu view hoặc nhằm kinh doanh thì cũng không nên sử dụng những hình ảnh phản cảm này.

Ông NGUYỄN ĐÌNH THẮM, VKSND Cấp cao tại Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm