Vụ trẻ tự tử: 6 ‘bí kíp’ làm cha mẹ

Trong tuần cuối cùng của tháng 3 này, một học sinh lớp 6 ở Ninh Thuận đã tự vẫn vì những đau khổ không bày tỏ được với người thân. Nhiều phụ huynh vẫn nghĩ những vấn đề của lứa tuổi dậy thì là “chuyện trẻ con” mà bỏ qua thực tế là họ cần làm người bạn tin cậy của con mình.

BTV Nguyệt Hồ (Đài PTTH Tây Ninh) cho biết ở một trường học tại Tây Ninh từng xảy ra một câu chuyện đau lòng tương tự. Một em học sinh ngoan, học giỏi, có mẹ làm giáo viên, là niềm tự hào của cả gia đình và nhà trường. Một lần em bị điểm kém, bị phạt đi nhặt rác cùng nhiều bạn học sinh khác. Sau lần bị phạt đó, em đã tự tử. Nhiều phụ huynh bàng hoàng: “Không hiểu nổi tại sao con bé lại dại dột như vậy”.

Theo chị Nguyệt Hồ, “không hiểu nổi nhau” chính là vấn đề giữa người lớn và trẻ tuổi dậy thì. Do đó, chị xây dựng chuyên mục Khôn lớn cùng con để làm cầu nối giữa phụ huynh và con trẻ.

Những đứa trẻ bị người lớn từ chối làm bạn

Theo chị Nguyệt Hồ, sự thật là nhiều đứa trẻ vẫn đang chịu cô đơn trong chính gia đình của mình. Trong một cuộc trò chuyện với các em học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh), một em học sinh đã bày tỏ: “Con học giỏi, được vô trường chuyên, chuyện gì con cũng làm được. Vậy nên cha mẹ yên tâm là con tự xoay xở được hết. Cha mẹ không trò chuyện, không dành thời gian cho con”.

Ở phía phụ huynh, bên cạnh những người để con tự xoay xở thì lại có những người úm con quá kỹ, sợ con chơi với bạn xấu, sợ con ra đường không an toàn, sợ con yêu đương sớm nên họ đưa đón, canh chừng con quá nghiêm ngặt. Đứa trẻ trở về nhà bỏ lên phòng, cự tuyệt tiếp xúc với cha mẹ. Phụ huynh này bày tỏ với chị: “Biết là khó nói chuyện với con nhưng con cứ an toàn là được”.

Chị Nguyệt Hồ nói: “Với cách giao tiếp với con như thế, những cha mẹ này không thể nào làm bạn được với con. Khi đứa trẻ có sang chấn tâm lý, chúng sẽ không thể trò chuyện được với cha mẹ”.

Cấp cứu ngay cảm xúc cho con

“Phải làm bạn với con mới giúp được con”. TS Phạm Thị Thúy khẳng định như vậy trong nhiều cuộc tư vấn tâm lý cho phụ huynh và học sinh. Nhiều phụ huynh đã chia sẻ rằng: “Bọn trẻ bây giờ không hiểu cho cha mẹ, cha mẹ không thương con thì thương ai?”. Họ cũng không biết làm sao để có thể làm bạn với con bởi đứa trẻ luôn từ khước.

Sáu “bí kíp” làm bạn với con

1. Cha mẹ luôn phải bình tĩnh lắng nghe con.

2. Hiểu nhu cầu của con. Tôn trọng ý kiến của con.

3. Luôn để mắt đến những bất thường của con.

4. Không nghiêm trọng hóa vấn đề của con, cũng không thờ ơ cho rằng đó là “chuyện trẻ con”.

5. Chấp nhận sự thất bại của con.

6. Đa dạng hóa các kiểu giao tiếp. Nếu con chưa chấp nhận trò chuyện, cha mẹ có thể nhắn tin, hoặc gửi email, hoặc thông qua Facebook…

 

Một phụ huynh cho biết con của chị ngày càng nổi loạn, khó dạy bảo. TS Phạm Thị Thúy chia sẻ việc phụ huynh đã lỡ mất cơ hội làm bạn với con trong một thời gian dài. Lúc này điều phụ huynh cần làm là hồi tưởng lại từng chặng đường phát triển của con, nhìn nhận lại con mình là đứa trẻ thế nào.

Phụ huynh này đã hồi tưởng lại những kỷ niệm về con, những biến cố của gia đình, nước mắt chị chảy dài và nói: “Con tôi rất ngoan và dễ thương, từ khi cha mẹ đổ vỡ, tôi ít trò chuyện, nó mới bắt đầu đổi khác”. Chị cũng nhận ra chị đã thiếu công bằng khi chị dán nhãn con là “cá biệt”.

TS Thúy đưa ra lời khuyên: “Khi đứa trẻ có sang chấn tâm lý, cần phải cấp cứu ngay cảm xúc của con. Nếu không kết nối được với con, hãy tham vấn ngay một chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ”.

TS Phạm Thị Thúy nói: “Tôi rất tâm đắc với một câu nói của thầy Thích Nhất Hạnh là Phải hiểu mới thương đúng cách. Nhiều cha mẹ quên mất điều này, họ cứ ép con làm theo ý họ, cho rằng điều họ muốn là điều tốt cho con chứ họ ít khi quan tâm đến điều con muốn. Để xây dựng một tình bạn với con, cha mẹ phải lắng nghe, trò chuyện với con khi con còn ấu thơ”.

Chủ động cho con trải nghiệm “khó khăn vừa sức”

Theo ThS tâm lý Tô Nhi A, những câu chuyện đáng tiếc xảy ra vừa qua xuất phát từ khó khăn tâm lý của các em học sinh trong giai đoạn dậy thì. Ở lứa tuổi này, nhu cầu được thể hiện bản thân và được bạn bè thừa nhận là rất lớn. Bên cạnh đó là nhu cầu được cha mẹ nhìn nhận mình đã lớn, có chính kiến riêng. Khi những nhu cầu này không được đáp ứng, các em dễ gặp những sang chấn tâm lý, dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực như chọn bạo lực học đường, nổi loạn hoặc đáng tiếc nhất là tự tử.

ThS Tô Nhi A nói: “Những chuyện xảy ra, cần rút ra hai kinh nghiệm. Thứ nhất, cha mẹ phải để các con trải nghiệm những khó khăn. Thứ hai, các con cần được chia sẻ kịp thời”. Để làm được điều này, cha mẹ phải chủ động nắm bắt quy luật tâm lý độ tuổi của con, hiểu nhu cầu khẳng định của con. Cha mẹ phải quan tâm để thấy những khác biệt so với nhịp sinh hoạt bình thường của con để nhận biết con đang gặp phải vấn đề bất ổn.

Theo ThS tâm lý Tô Nhi A, cha mẹ cần cho con nếm trải những thất bại vừa sức thay vì luôn sống giùm con. Để con trẻ tự chịu trách nhiệm về những đau khổ như một mối quan hệ đổ vỡ, vài lần bị thầy cô trách phạt… Hãy quan sát con để giúp con kịp thời khắc phục cái sai. Từ đó giúp con hình thành sức đề kháng trước những khó khăn. ThS Tô Nhi A nói: “Nếu không có sức đề kháng, trẻ sẽ rất khó khăn khi gặp thất bại. Hãy cho con hiểu rằng ai cũng có lúc gặp khó khăn và luôn có cách để giải quyết nó”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm