“Vương quốc” cá bớp ở Nam Du

Thoát nghèo nhờ nuôi cá bớp

Khi bình minh ló dạng, mặt biển xanh rờn những con sóng vỗ lăn tăn là lúc ghe tàu đánh bắt hải sản tấp vào đảo, đưa cá lên chợ bán. Tàu thuyền dưới bến Nam Du lại lũ lượt chở người nuôi cá bớp ra bè cho cá ăn buổi sáng.

Năm 2003, nghề nuôi cá bớp ở Nam Du mới hình thành, chỉ có chừng ba hộ nuôi. “Lúc đó thấy biển rộng mà bỏ trống thì tiếc quá nên anh em trong Đảng ủy, UBND xã mới bàn nhau thử nuôi con cá bớp lồng bè. Loài cá này có sức tăng trưởng nhanh mà giá trị kinh tế lại cao. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm chắc kỹ thuật nuôi, cũng như thị trường đầu ra chưa ổn định nên ba hộ nuôi đầu tiên phải chịu thua lỗ. Giá cá bớp năm ấy chỉ độ chừng 25.000 đồng/kg, lỗ đứt ruột” - ông Đinh Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Du, một trong ba hộ đầu tiên nuôi cá bớp, kể.

“Vương quốc” cá bớp ở Nam Du ảnh 1

Nếu có quy hoạch và giải ngân tốt nguồn vốn, quần đảo Nam Du với “vương quốc” cá bớp sẽ còn vươn xa hơn. Ảnh: VĨNH SƠN

Trước sức hấp dẫn của mặt biển mênh mông, nguồn cá giống bắt được lúc nào cũng nhiều, cá mồi do các ghe tàu đánh bắt từ lòng biển cả dồi dào mà giá bán chỉ 2.500 đồng/kg, lại ít người mua, ba hộ nuôi cá bớp ban đầu ở Nam Du quyết không nản chí. Thế là họ cùng nhau đi tìm thị trường và phong trào nuôi cá bớp rộ lên ở Nam Du từ đó.

Chuyện về việc thoát nghèo nhờ nuôi cá bớp ở Nam Du thì nhiều vô số kể. Nổi bật có thể kể đến gia đình bà Võ Thị Mỹ Trang. Hơn mười năm trước, làm nghề xuất khẩu gạo ở Long Xuyên (An Giang) thất bại, gia đình bà lưu lạc đến xứ đảo mưu sinh.

“Lúc ra Nam Du tôi chỉ còn duy nhất chiếc nhẫn đeo tay nhưng phải bán để lấy tiền đi tàu. Thời gian đó tôi khổ đến cùng cực. Rồi nhờ nghề bán thuốc Tây tôi có đỡ hơn chút ít. Sau đó thấy người dân trên đảo nuôi cá bớp có lãi nên tôi vay ngân hàng đóng bè thả nuôi. Thế là mỗi năm lợi nhuận từ cá bớp mang về tới cả trăm triệu đồng. Cá bớp đã giúp gia đình tôi khá dần lên. Bây giờ, hễ ngày nào không ra bè cho cá ăn thì tôi thấy trong lòng buồn khôn tả. Nuôi cá này có lãi lắm!” - bà Trang rỉ tai chúng tôi.

Tương tự, từ một người bán dao, búa dạo, bây giờ ông Nguyễn Thiện Hải trở nên ngon lành, có của ăn của để cũng nhờ nuôi cá bớp lồng bè. “Quê tôi ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang). Do nghèo nên bảy năm trước gia đình kéo nhau ra Nam Du lập nghiệp. Lúc ra đây gần như chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi làm nghề bán dạo dao, búa, còn vợ buôn bán nhỏ tại chợ Nam Du. Nhờ nuôi mấy lồng bè cá bớp mà gia đình thoát được nghèo. Hiện giờ gia đình tôi có được hai bè cá, lợi nhuận mỗi năm kiếm được trên dưới 100 triệu đồng” - ông Hải tâm sự.

Trường hợp khác là ông Đinh Văn Trung, trước đây là lính biên phòng ở vùng biên giới Khánh Bình (An Giang), cũng ra đảo lập nghiệp. Ban đầu vốn liếng chẳng là bao nhưng nhờ sáu năm đeo nghề nuôi cá bớp mà nhà ông khá lên thấy rõ.

Cá bớp “đớp” nhiều vốn

Tháng 2 âm lịch người dân Nam Du bắt đầu thả cá bớp giống, đến tháng Chạp cận tết Nguyên đán là thu hoạch cá.

Cá bớp lớn rất nhanh, là loài ăn tạp và nuôi trong bảy tháng có thể đạt trọng lượng bình quân 10 kg/con. Cá bớp xuất khẩu được, giá bán hiện nay trên thị trường là 60.000 đồng/kg.

Con cá bớp cũng giúp bà Võ Thị Út vượt khó thoát cảnh cơ hàn khi từ Nam Yên (An Biên, Kiên Giang) ra đảo Nam Du cũng chỉ với hai bàn tay trắng. Ra đảo, bà Út chẳng có nhà lành lặn để ở, sống lây lất với nghề chèo đò. Rồi bà đi gom nhặt mấy cái thùng phuy phế liệu của hàng xóm, bỏ thêm chút đỉnh tiền dành dụm từ công việc chèo đò đóng được cái bè.

Ban đầu bà chỉ đủ tiền mua 25 con cá bớp thả nuôi. Tám tháng sau cá cho thu hoạch bán được 11 triệu đồng. Bà tiếp tục mở rộng bè và đã thả nuôi được 100 con cá bớp. Năm 2008 vừa rồi, lứa cá bớp cho thu hoạch đợt đầu lời hơn 8 triệu đồng. Lứa cá còn lại của bà tới đây hứa hẹn cho lợi nhuận hơn 30 triệu đồng nữa.

“15 năm trước do thôi chồng nên tôi dắt bốn đứa con ra đây sinh sống. Tôi làm nghề chèo đò và làm cá khô nuôi con. Nhờ tích cóp, góp nhặt đóng được bè nuôi cá bớp mà giờ cuộc sống gia đình đỡ khổ hơn trước nhiều lắm. Bốn đứa con đều lập gia đình và được tôi trích tiền từ việc nuôi cá bớp giúp chúng mua ghe câu mực. Bây giờ có đứa thu nhập còn cao hơn tôi. Tôi đang cố gắng nuôi vài vụ cá bớp nữa để lấy tiền lời đóng một chiếc ghe câu, còn vươn lên làm giàu với người ta chứ!” - bà Út ao ước.

“Vương quốc” cá bớp ở Nam Du ảnh 2

Cá bớp có sức tăng trưởng cực kỳ nhanh, nuôi bảy tháng đã đạt trọng lượng 10 kg/con. Ảnh: VĨNH SƠN

Từ ba hộ nuôi ban đầu, giờ Nam Du đã trở thành “vương quốc” cá bớp ở biển Tây với 222 lồng do 112 hộ nuôi. Tuy nhiên, gần đây người nuôi cá bớp gặp khó khi chi phí đầu tư cho nghề nuôi ngày càng lớn mà sự hỗ trợ từ ngân sách thì chưa nhiều.

“Khó khăn lớn nhất của dân nuôi cá bớp ở Nam Du là thiếu vốn. Mức cho vay và số lượng người được xét để cho vay còn hạn chế. Vốn giải quyết việc làm chỉ cho mỗi hộ vay có 20 triệu đồng nhưng ở Nam Du chỉ hơn 20 hộ được phép vay. Trong khi chi phí đầu tư cho một bè nuôi (khoảng 1 tấn cá bớp) lên tới cả trăm triệu đồng” - ông Trung cho biết.

Nhiều hộ nuôi cá bớp ở Nam Du than giá cá mồi cứ liên tục tăng, từ 2.500 lên 5.000 đồng/kg. Giá cá bớp giống cũng tăng từ 5.000 đồng/con lên 30.000 đồng/con nhưng giá cá thương phẩm thì nằm ì một chỗ, chỉ 60.000 đồng/kg. Ở Nam Du lại chưa có quy hoạch vùng nuôi thủy hải sản nên việc vay tiền chăn nuôi của ngư dân gặp khó. Nguồn nước biển bắt đầu có biểu hiện ô nhiễm. Mấy năm trước chỉ tắm cá một lần trong suốt vụ nuôi nhưng giờ thì cá mắc nhiều chứng bệnh như sán lá gan, ghẻ, giắc đeo, phải tắm và trị bệnh nhiều lần cho cá rất tốn kém.

“Để Nam Du mãi là “vương quốc” cá bớp ở biển Tây, chúng tôi kiến nghị cơ quan chuyên môn sớm có quy hoạch vùng nuôi và mạnh dạn cho dân vay tiền để mở rộng cái nghề vốn đã giúp làng quê xứ đảo này thay da đổi thịt” - nhiều người nuôi cá đề xuất.

VĨNH SƠN

Đón đọc ngày mai

Người 35 năm tìm hài cốt liệt sĩ

“Vương quốc” cá bớp ở Nam Du ảnh 3

Ông chẳng nhớ mình đã ngủ lại bao nhiêu nghĩa trang, bao lần trong rừng. Ông nói đời ông chỉ có hai việc: Đánh đuổi quân thù và đi tìm hài cốt đồng đội. Chừng nào còn sức khỏe, còn kiếm được tiền thì còn đi tìm
đồng đội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm