Xe quá tải ‘né’ cao tốc Long Thành

Từ 5 giờ sáng 23-7, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) chính thức từ chối cho các xe quá tải lưu thông vào đường cao tốc. Các xe quá tải buộc phải quay đầu trở ra ngay tại đầu vào của trạm thu phí.

“Trong ba ngày cân xe thử nghiệm trước đó (từ ngày 20 đến 22-7), trung bình mỗi ngày chúng tôi phát hiện, nhắc nhở 200 xe quá tải. Tuy nhiên, trong ngày 23-7 chỉ có hai trường hợp bị xác định quá tải, buộc phải quay đầu xe” - bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc VEC E, thông tin.

Lượng xe quá tải giảm mạnh

Theo bà Phương, từ 5 giờ sáng 23-7, nhân viên tại hai trạm thu phí Long Phước (TP.HCM) và Dầu Giây (Đồng Nai) đã đóng một số làn thu phí, đồng thời hướng dẫn xe tải đi vào làn có đặt bàn cân.

Ghi nhận thực tế tại trạm Dầu Giây cho thấy do thiết bị cân được gắn chìm dưới mặt đường nên thời gian cân một xe rất nhanh, xe không cần dừng hẳn vẫn cân được. Số liệu cân nhanh chóng được hiển thị trên máy tính. Sau khi đối chiếu kết quả cân được với thông số của xe (dữ liệu lấy từ cơ quan đăng kiểm), nếu xác định xe quá tải thì nhân viên sẽ đưa ra quyết định buộc xe quay đầu. Tuy nhiên, tại trạm cân này trong cả ngày 23-7 vẫn chưa phát hiện xe nào quá tải.

Một tài xế đang chờ kết quả cân xe.

Kết quả cân được hiển thị trên màn hình trong trạm và bên ngoài. Ảnh: P.TĨNH

“Trong ngày 23-7, tại hai trạm Long Phước và Dầu Giây đã phát hiện 20 trường hợp xe vi phạm tải trọng. Trong đó 18 trường hợp quá tải chưa đến 10% nên chỉ nhắc nhở tài xế và vẫn cho lưu thông vào cao tốc. Với hai trường hợp quá tải 27% và 30%, trạm đã từ chối phục vụ và yêu cầu xe quay trở lại. Cả hai trường hợp này đều được phát hiện tại trạm Long Phước” - ông Phan Đam Sa, Trưởng Trung tâm Điều hành đường cao tốc Long Thành, thông tin.

Bà Phương nói thêm, trước đây lượng xe quá tải qua trạm Long Phước nhiều nhất vào sáng sớm và đêm khuya. “Hôm 23-7, số lượng xe quá tải giảm mạnh có thể do nhiều tài xế đã ý thức hơn nhưng cũng một phần do một số tài xế chủ động né tránh (vì dữ liệu quá tải sẽ được chuyển cho lực lượng CSGT - PV)” - bà Phương giải thích.

Vẫn còn rắc rối

Ghi nhận đáng chú ý nhất trong ngày hôm qua là có một vài xe ban đầu được cho là quá tải nhưng sau khi tài xế thắc mắc, nhân viên tính toán lại và xác nhận xe… không chở quá tải!

Tài xế tên Tuyên, chạy xe đầu kéo 60C-114.56 kéo theo rơmoóc 51R-1761 chở nhiều cây gỗ. Màn hình báo xe quá tải 11,59% nhưng tài xế không đồng ý và một mực khẳng định xe của anh không hề chở quá tải. Nhân viên trạm đề nghị anh Tuyên trình sổ đăng kiểm xe. Sau một hồi tính toán bằng tay, nhân viên đồng ý cho xe qua trạm vì tải trọng xe đúng tải trọng đăng kiểm.

Một vấn đề rắc rối khác là camera của trạm có lúc nhận diện không chuẩn biển số xe. Do đó kết quả đối chiếu tải trọng với hồ sơ đăng kiểm không khớp. Anh Huỳnh Đình Bảo, lái xe tải nhỏ 54Z-1002, không chở hàng hóa. Thế nhưng khi qua trạm, màn hình lại hiển thị xe chở quá tải. Anh kiên quyết phản đối và quyết định xuống mở thùng xe cho nhân viên kiểm tra. Khi thấy thùng xe của anh Bảo hoàn toàn rỗng, nhân viên kiểm tra lại thì phát hiện máy báo nhầm. Khi nhân viên xin lỗi, anh Bảo chỉ biết cười trừ.

Giải thích về những trục trặc này, bà Phương cho biết các xe tải nhỏ khi đi vào làn nếu đi hơi xéo một chút thì camera không đọc được biển số. Còn các xe tải lớn, container do kích cỡ xe lớn, luôn đi thẳng nên camera luôn cho kết quả đúng.

“Để biết chính xác xe có chở quá tải hay không, chúng tôi kết hợp ba số liệu: Kết quả hiển thị từ cân ở trạm, đối chiếu thông tin đăng kiểm từ dữ liệu mạng và sổ đăng kiểm của xe. Khi cân báo xe chở quá tải, chúng tôi mới tiến hành kiểm tra sổ đăng kiểm của xe rồi mới đưa ra kết luận cuối cùng” - bà Phương cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm