Xử lý sao với cặp rắn hổ khổng lồ bắt ở Núi Cấm?

Liên quan đến vụ “Bắt được cặp rắn hổ 60kg ở núi Cấm”, chiều 14-5, trao đổi qua điện thoại với PV PLO, ông Trần Phú Hòa – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm (Sở NN&PTNT tỉnh An Giang) cho biết đã nắm được thông tin và bước đầu cho lực lượng kiểm lâm tiếp cận để nắm bắt tình hình và các thông tin liên quan.

Cặp rắn bắt được ở Núi Cấm.

“Ngày 15-5, Chi cục sẽ có đoàn công tác phối hợp cùng cơ quan có liên quan đến trực tiếp kiểm tra, xác minh các bên, thu thập thông tin liên quan, qua đó xác định cặp rắn có nằm trong danh mục thực, động vật quý hiếm phải bảo tồn theo quy định hay không” - ông Trần Phú Hòa nói.

Khi PV hỏi qua thông tin phản ánh và hình ảnh chụp, clip cho thấy có vẻ đó là rắn hổ mây, ông Trần Phú Hòa cho biết, đến thời điểm này do Chi cục chưa có xác minh, kiểm tra cụ thể nên chưa thể khẳng định đó có phải là rắn hổ mây hay không. “Rắn có rất nhiều loại, phải xác minh cụ thể mới có thể kết luận được nên chưa thể minh định rõ do có những đặc điểm về màu da và một số đặc điểm khác của một số loại trông giống nhau. Do vậy phải chờ kết quả xác minh, coi kỹ và sau đó Chi cục sẽ có báo cáo cụ thể cũng như đề xuất hướng xử lý”- ông Hòa nói thêm.

Trong khi đó, chiều cùng ngày, trao đổi với PLO, một lãnh đạo quản lý dự án điện mặt trời ở An Hảo, trực thuộc Tập đoàn Sao Mai khẳng định cặp rắn nói trên do công nhân trong quá trình phát quang, thi công tuyến đường và hệ thống thoát nước đã phát hiện và bắt được.

“Cặp rắn này và một số rắn nhỏ khác anh em công nhân bắt được cách nay vài tháng và sau đó có báo về cho Ban quản lý dự án để nhốt lại. Do không rõ đây là loại rắn nào, có nằm trong sách đỏ hay không và không biết xử trí như thế nào nên chúng tôi tạm thời nhốt lại và chuyển về khu du lịch ở Đồi Tức Dụp, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang để nhốt cho đảm bảo vì khu du lịch này có cổ phần của Tập đoàn. Hiện nay, phía tập đoàn đã báo cho cơ quan chức năng và kiểm lâm để cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác định cặp rắn thuộc chủng loại nào, thuộc sách đỏ hay không để có hướng xử lý” - lãnh đạo quản lý dự án điện mặt trời ở An Hảo, trực thuộc Tập đoàn Sao Mai nói.

Vị này cũng cho biết nếu cơ quan chức năng xác định loài rắn này thuộc danh mục sách đỏ thì sẽ bàn giao lại cho Nhà nước để xử lý theo quy định về bảo vệ thực, động vật quý hiếm. Phía quản lý dự án điện mặt trời ở An Hảo, trực thuộc Tập đoàn Sao Mai cũng cho biết, phạm vi dự án điện mặt trời nằm trên địa bàn xã An Hảo và tiếp giáp với khu vực rừng phòng hộ của Núi Cấm nên quá trình các nhà thầu phụ thi công chặt cây để san lấp mặt bằng, mở đường và thi công thoát nước đã phát hiện rất nhiều rắn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm