Xài tiền phạt sẽ gây hỗn loạn xã hội!

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Hơn 2.500 tỉ đồng là số tiền chỉ tính trong năm 2011, thế còn các năm trước đó và bốn tháng đầu năm 2012, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là bao nhiêu, có để lại cho các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông không?

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, việc để lại 100% số tiền phạt cho các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông là theo Nghị định 124/2005 của Chính phủ và Thông tư 89/2007 của Bộ Tài chính. Thế nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến thì cho rằng để lại 100% số tiền phạt cho các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông là trái với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Luật Ngân sách Nhà nước. Vì Bộ Tài chính không giải trình được nên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị sẽ có buổi làm việc riêng giữa Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với Bộ Tài chính về vấn đề này. Người dân, cử tri cả nước đang chờ câu trả lời của cơ quan chức năng.

Việc để lại tiền phạt cho các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý của người thi hành công vụ là “cứ phạt nhiều, phạt nặng” sẽ được hưởng lợi từ khoản tiền này, còn người dân thì lo lắng từ nay sẽ bị phạt nhiều, phạt nặng hơn!

Rộng hơn, việc để lại tiền phạt cho lực lượng thi hành công vụ không phải là hiện tượng hi hữu mà nó tương đối phổ biến trên nhiều lĩnh vực khác như hải quan, thuế vụ, quản lý thị trường... Khi có chủ trương lấy tiền phạt để lại cho lực lượng đi phạt thì sẽ tạo ra sự hỗn loạn không chỉ trong lĩnh vực quản lý tài chính, mà nó tác động tiêu cực ngay đến vấn đề quản lý xã hội.

Không ai phủ nhận một thực tế là hằng ngày, trên các trục đường giao thông, ở ngã tư đường phố dưới cái nắng gắt với nhiệt độ gần 40oC hay trời mưa rét 10oC, các cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải túc trực 24/24 giờ là rất vất vả (nghịch lý là cán bộ chiến sĩ CSGT nào cũng muốn “ra đứng đường”!). Tuy nhiên, trong ngành công an cũng có nhiều lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm vất vả hơn CSGT nhiều, có khi phải hy sinh cả tính mạng nhưng có được bồi dưỡng hay phụ cấp gì đâu? Phải chăng vì họ không có khoản thu “tiền phạt”. Và tôi tin sẽ có cán bộ chiến sĩ từ chối nếu biết tiền bồi dưỡng mà mình được nhận là tiền mà mình đã đi phạt dân.

Tiền phạt cũng là tiền của dân, dù đó là tiền do người dân vi phạm cũng phải nộp ngân sách Nhà nước. Có thực tế là khi đã nộp vào ngân sách thì lấy ra không phải dễ, chẳng hạn chế độ thâm niên của cán bộ tòa án, viện kiểm sát… phải mất hàng năm Bộ Tài chính mới giải quyết nhưng không vì thế mà “để lại” hết cho cơ quan đi phạt. Có thể hơn 2.500 tỉ đồng kia chưa đủ chi cho các hoạt động của các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, có thể ngân sách phải chi thêm nhưng không vì thế mà làm “tắt”, để lại như thế.

Dư luận đồng tình, ủng hộ sáng kiến của lãnh đạo TP Đà Nẵng dùng hẳn một khoản ngân sách chi bồi dưỡng cho lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, còn tiền phạt sẽ đưa vào ngân sách và sử dụng vào việc khác đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tiền nào thì cũng là tiền của dân, trong túi Nhà nước, chi tiêu thế nào cho đúng và phù hợp là việc của người giữ túi mà không ai khác là Bộ Tài chính.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm