Xây dựng môi trường xanh tại xã đảo duy nhất của TP.HCM

(PLO)- Huyện Cần Giờ đặt mục tiêu trong năm 2022 đạt tỉ lệ 85% chủ nguồn thải nói không với túi nylon khó phân hủy khi đến xã đảo Thạnh An.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-7, UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM) tổ chức hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Kế hoạch giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy và triển khai Kế hoạch 41 (ngày 21-3) giữa UBND huyện Cần Giờ và Sở TN&MT TP.HCM về thực hiện chương trình giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn xã đảo Thạnh An.

Xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm túi nylon khó phân hủy. Ảnh: CN

Xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm túi nylon khó phân hủy. Ảnh: CN

Kết quả ấn tượng về bảo vệ môi trường

Theo báo cáo của UBND huyện Cần Giờ, kế hoạch giảm sử dụng túi nylon trên địa bàn xã Thạnh An sau ba năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân, các hộ kinh doanh tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy.

UBND xã Thạnh An đã triển khai trao tặng 25.000 túi thân thiện với môi trường cho khách du lịch khi đến xã tham quan. Cạnh đó, tổ chức thu hồi 600 kg túi nylon khó phân hủy và quy đổi thành 200 kg túi thân thiện với môi trường, chuyển giao UBND xã Thạnh An phát cho người dân sử dụng.

Chương trình có tính lan tỏa đến các địa bàn khác, đặc biệt là sự hưởng ứng của các cơ quan, ban ngành, trường học. Ngoài ra, trong thời gian qua, Ban quản lý rừng phòng hộ đã hưởng ứng thực hiện mô hình giảm sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần tại điểm du lịch Dần Xây để tuyên truyền, quảng bá cho du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Các đoàn thể, cơ quan, đơn vị… trên địa bàn huyện đã thực hiện công tác tuyên truyền về giảm rác thải nhựa qua mô hình quyên góp xanh, tăng cường việc sử dụng túi thân thiện với môi trường qua các đợt tổng vệ sinh.

Trong quá trình triển khai, địa phương cũng đã gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, giá thành túi thân thiện với môi trường cao hơn túi nylon nên khó cạnh tranh. Cạnh đó, các mặt hàng túi thân thiện với môi trường còn hạn chế, chưa đảm bảo đầy đủ nhu cầu của người dân.

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, ghi nhận kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện. Huyện sẽ phấn đấu đạt được nhiều kết quả cũng như hiệu quả trong việc phát triển một mô hình thiết thực về bảo vệ môi trường cho xã đảo Thạnh An, gắn với du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Theo ông Triển, việc xây dựng mô hình thực tế về bảo vệ môi trường cho xã Thạnh An đã góp phần phát triển xã đảo này thành điểm du lịch xanh, sạch và thân thiện với môi trường.

Ông Triển hy vọng các cơ quan chức năng huyện Cần Giờ và xã Thạnh An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sức mạnh tập thể, các nguồn lực xã hội, tổ chức liên quan để thực hiện thành công mô hình nói trên.

Việc xây dựng mô hình thực tế về bảo vệ môi trường cho Thạnh An đã góp phần phát triển xã đảo này thành điểm du lịch xanh, sạch và thân thiện với môi trường.

Nhiều mục tiêu đặt ra

Nhằm tiếp tục thực hiện chương trình giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đặt mục tiêu trong năm 2022 đạt tỉ lệ 85% chủ nguồn thải nói không với túi nylon khó phân hủy khi đến xã Thạnh An. Đồng thời, giảm 70% chủ nguồn thải trên địa bàn xã không sử dụng túi nylon khó phân hủy.

Đến năm 2025, kiểm soát 100% chủ nguồn thải không sử dụng túi nylon khó phân hủy khi đến xã Thạnh An. Song song đó, phấn đấu 100% chủ nguồn thải trên địa bàn xã không sử dụng túi nylon khó phân hủy.

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND huyện Cần Giờ sẽ tổ chức triển khai cho các cơ sở sản xuất, hộ dân trên địa bàn xã tham gia ký cam kết giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Ngoài ra, huyện sẽ tuyên truyền qua panô, áp phích, tờ rơi, phát thanh trên hệ thống loa đài, các cuộc họp tổ dân phố trên địa bàn xã Thạnh An. Cạnh đó, tuyên truyền qua các vật phẩm trao đổi với du khách, tuyên truyền tại các chốt kiểm soát túi nylon khó phân hủy và trên các phương tiện đò.•

Vệ sinh môi trường ở Thạnh An: Chuyển biến tích cực

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, Thạnh An là xã đảo duy nhất của TP.HCM, xã có tiềm năng phát triển về nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, đồng thời cũng là nơi dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

“Chất thải phát sinh nếu không được thu gom và xử lý đúng không chỉ làm xấu cảnh quan, ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống của cư dân trên đảo. Ngoài ra còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nguồn lợi từ biển, cũng như tiềm năng về thủy hải sản và du lịch của cư dân xã Thạnh An” - bà Mỹ nói.

Theo bà Mỹ, thời gian qua, xã đảo Thạnh An là một điểm đến du lịch được người dân TP yêu thích, đặc biệt thu hút được sự quan tâm của giới trẻ trong các chương trình dã ngoại.

Từ cuối năm 2017, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND huyện Cần Giờ hỗ trợ Thạnh An triển khai mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng nhằm phát huy vai trò của mỗi người dân Thạnh An trong gìn giữ môi trường xã đảo. Với sự nỗ lực của chính quyền xã và sự tham gia của cộng đồng dân cư, đã có sự chuyển biến hết sức tích cực về tình hình vệ sinh môi trường trên xã đảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm