Xe bốn bánh thí điểm: Nhiều điểm yếu!

Những ngày qua, việc lưu hành loại xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ (xe thí điểm - TĐ) đang gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, kiểm soát giao thông và đăng kiểm. Còn người lái xe cũng rơi vào tình cảnh bất an, lo ngại về việc mưu sinh trong những ngày tới (Pháp Luật TP.HCMngày 17-7). Vì sao lại có chuyện như thế?

Phá sản đề án chuyển đổi

Từ đầu năm 2008, nhằm kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, TP.HCM xây dựng đề án chuyển đổi xe 3-4 bánh thô sơ. Đề án nêu cần hơn 610 tỉ đồng để thay thế khoảng 21.000 xe 3-4 bánh tự chế các loại và chuyển đổi nghề cho hàng chục ngàn người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo TP cho hay ngân sách không thể kham nổi như đề xuất, TP chỉ có thể huy động tối đa 40 tỉ đồng thực hiện đề án.

Đáng chú ý, đề án không đề cập tới đối tượng có cuộc sống bị đảo lộn nhiều nhất là nhóm người dân sử dụng xe 3-4 bánh tự chế không có biển số đăng ký (15.457 xe). Nhóm này không được hỗ trợ về các mặt: Loại xe thay thế, giá và phương thức mua xe mới (nguồn vay, lãi suất…), mức hỗ trợ học nghề lái xe bốn bánh.

Chính vì những lý do trên, sau đó đề án này bị bác dù đã trải qua năm lần dự thảo.

Xe bốn bánh thí điểm mang biển số các tỉnh tràn về TP “chạy đua” với xe lôi Trung Quốc. (Ảnh chụp trên đường Cộng Hòa, TP.HCM) Ảnh: L.ĐỨC

Hai loại xe giá rẻ vào cuộc

Trong quá trình lập đề án trên, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) được giao nhiệm vụ sản xuất loại xe bốn bánh thay thế. Cuối năm 2009, Samco giới thiệu vài mẫu xe ô tô bốn bánh loại nhỏ chuyên chở vật liệu xây dựng, chở rác, chở hàng các loại… nhưng giá bán lên tới 400-500 triệu đồng/chiếc. Các loại xe Asia, Daewoo, Daihatsu giống xe của Samco cũng có giá không rẻ hơn nên không được thị trường chấp nhận.

Giữa lúc đó Tập đoàn Đức Phương (Nam Định) vào cuộc bằng việc lắp ráp và phân phối loại xe Damsel, thị trường chủ yếu là miền Đông Nam Bộ. Theo giới thiệu của Đức Phương, xe Damsel được gắn động cơ Zongshen của Trung Quốc, công suất máy hơn 14 kW, tốc độ 50-55 km/giờ và giá bán chỉ 50-70 triệu đồng. Trên các tờ quảng cáo, Tập đoàn Đức Phương viết: “Damsel là một trong những chiếc xe được sản xuất thí điểm và ra đời theo sự đồng ý của Chính phủ về việc nghiên cứu, sản xuất, lắp rắp và tiêu thụ thí điểm loại xe bốn bánh có gắn động cơ ở dạng CKD, SKD”.

Đến ngày 26-6-2013, trên thị trường xe bốn bánh TĐ xuất hiện thêm nhà cung cấp là Công ty TNHH T&T Motor với loại xe Exotic-300 có kết cấu và tổng thành tương tự xe Damsel. Do giá thành vừa phải nên hai loại xe này được tiêu thụ với số lượng khá lớn.

Không khuyến khích phát triển

Một thời gian sau, Bộ GTVT đưa ra nhận định: Xe chở hàng bốn bánh gắn động cơ chỉ là quá độ, không nên khuyến khích phát triển loại xe này trong tương lai. “Phải khẳng định là loại xe này chỉ tồn tại trong thời kỳ chuyển tiếp, không thể hình thành chiến lược phát triển lâu dài” - ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, nói.

Theo các chuyên viên Vụ KHCN và Cục Đăng kiểm, hai loại xe bốn bánh có gắn động cơ trên bộc lộ nhiều điểm yếu, khó có thể chấp nhận cho lưu thông. “Về hình dạng nó giống chiếc ô tô, có hai trục, bốn bánh và có cabin, có thùng chở hàng. Tuy nhiên, về thiết kế kỹ thuật, loại xe này không đáp ứng bất cứ tiêu chí cơ bản nào của một chiếc ô tô. Hiện thế giới không có nơi nào chế tạo loại xe tương tự” - ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ GTVT, nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho rằng định hướng của Chính phủ là hỗ trợ và khuyến khích dân chuyển từ xe công nông, xe cơ giới ba bánh sang loại xe ô tô tải nhẹ, chứ không phải xe bốn bánh có gắn động cơ. Do đó quan điểm của Bộ GTVT là không khuyến khích nhưng vẫn tạo điều kiện để xe có thể lưu hành hợp pháp một cách an toàn (!?).

Từ quan điểm trên, Bộ GTVT mới ban hành Thông tư 16/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Tuy nhiên, trên thực tế thông tư này đang gây khó khăn cho nhiều phía như chúng tôi đã phản ánh trong số báo hôm qua. “Nếu biết trước loại xe này chỉ là quá độ, không được khuyến khích phát triển thì chúng tôi chắc chắn sẽ không mua nó để giờ phải ôm mối lo mất tiền, mất việc” - anh Nguyễn Văn Lan (quê Quảng Bình, ngụ quận Bình Tân) khẳng định bằng giọng buồn bã.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Trong các văn bản chỉ đạo, Chính phủ yêu cầu: Việc hạn chế, tiến tới đình chỉ lưu thông các loại xe không làm tràn lan, đại trà mà phải tiến hành song song với việc tìm loại xe thay thế và chuyển đổi nghề cho người có xe bị đình chỉ. Việc hạn chế, đình chỉ phải làm theo đối tượng (với các loại xe không có đăng ký biển số), có phạm vi và lộ trình rõ ràng…

Mới đây, Cục Đăng kiểm đã phối hợp với Vụ KHCN - Bộ GTVT và Công ty Đức Phương tiến hành khảo sát thực tế. Kết quả cho thấy các xe của Đức Phương có thành xe rất mỏng manh, các chi tiết không thể có độ bền lâu.

Ông NGUYỄN HỮU TRÍ,
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm