Trách nhiệm hình sự và dân sự đối với vụ án tai nạn giao thông

Hỏi:

Em trai cháu sinh năm 1996, bị tai nạn giao thông và đã mất. Nguyên nhân: Khi lưu thông trên đường có va chạm với một xe khác, sau này phía công an có điều tra sự việc và có ghi nhận lỗi do phía xe kia.

Sau bốn tháng tai nạn xảy ra, bên công an vẫn chưa ra quyết định cụ thể bằng văn bản về sự việc.

Luật sư cho hỏi: Thời gian tối đa để giải quyết một vụ việc là bao lâu. Theo trường hợp này gia đình cháu được hưởng những điều luật nào, khoản bồi thường nào, nếu cơ quan công an huyện không chịu giải quyết thì gia đình cháu phải làm sao để chuyển vụ án lên cấp trên cho họ giải quyết?

Trả lời: 

1. Truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hạn điều tra và thời hạn xét xử

Căn cứ theo Điều 202* Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

"1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm:

A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

B) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Như vậy, người gây ra tai nạn cho em bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ do không tuân thủ luật an toàn giao thông và đã có hậu quả chết người xảy ra. Tòa án sẽ căn cứ vào tình tiết vụ án và mức độ vi phạm để quyết định mức hình phạt tương ứng.

Về thời hạn điều tra thì Điều 119 BLTTHS năm 2003, sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định như sau thời hạn điều tra như sau:
  

1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết hạn điều tra, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

......

Thời hạn điều tra: Không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Nếu vụ án có tính chất phức tạp thì có thể được gia hạn thời hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra sẽ ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố.

- Thời hạn truy tố: Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS sẽ ra bản cáo trạng tuy tố bị can trước tòa án. Trong trường hợp cần thiết, viện trưởng VKS có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Thời hạn xét xử:

+ Trong thời hạn hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đối với những vụ án phức tạp, chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, thời hạn giải quyết vụ án sẽ tùy vào từng vụ án, tình tiết, tính chất hành vi mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Căn cứ theo Điều 116. BLTTHS năm 2003 sửa đổi sung năm 2011 quy định về chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền như sau:

Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, cơ quan điều tra phải đề nghị VKS cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan điều tra, VKS cùng cấp có trách nhiệm ra quyết định chuyển vụ án.

Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp quân khu quyết định.

Vụ án chỉ được chuyển khi không thuộc thẩm quyền điều tra, xét xử của cơ quan đang thực hiện điều tra và việc chuyển phải thực hiện theo đề nghị VKS cùng cấp. Như vậy, gia đình bạn sẽ không có quyền yêu cầu chuyển vụ án lên cấp trên.

Nếu gia bạn có căn cứ xác định cơ quan điều tra cố tình không thực hiện điều tra hoặc kéo dài thời gian điều tra thì bạn có thể làm đơn khiếu nại cơ quan điều tra về hành vi không thực hiện đúng trách nhiệm, thẩm quyền của mình.

2.    Mức bồi thường thiệt hại:

Căn cứ theo Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Căn cứ theo Điều 2 mục II Nghị quyết 03/2006/ NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết bao gồm: các chi phí được hướng dẫn tại các tiểu mục 1.1, 1.4 và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này.

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...

- Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết: chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng, tương ứng đó. 

Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.

- Ngoài ra, người gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Như vậy, theo quy định trên bạn và gia đình bạn có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền quyết định mức bồi thường hợp lý trong từng trường hợp cụ thể. Nếu bên kia không thực hiện bồi thường hoặc bồi thường thấp hơn mức thiệt hại thực tế thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, đưa ra mức bồi thường. Tòa án sẽ căn cứ vào tình tiết vụ án, lỗi của hai bên để xác định mức bồi thường hợp lý.

Khi làm đơn khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại gia đình bạn cần cung cấp các chứng cứ, tài liệu, biên bản của vụ án mà công an đưa ra để xác định mức độ lỗi của ông A để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.

Trân trọng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm