Băn khoăn bằng lái ô tô số tự động

Thông tin Bộ GTVT cho biết sẽ bổ sung loại bằng lái cho xe số tự động (thường gọi là AT, viết tắt từ Automatic Transmission) đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Một cán bộ sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô góp ý thẳng: “Bộ GTVT không cần quá chi tiết, chẻ nhỏ và cấp thêm bằng lái AT nữa mà cần có giải pháp hữu hiệu hơn để đảm bảo các trường không cắt xén giờ dạy và triệt tiêu chuyện “mua” bằng”.

Tăng lựa chọn

Bà Nguyễn Thị Hương (quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ vừa thi lấy được bằng lái B2. “Với bằng lái này, tôi được phép lái xe số sàn nhưng do công việc phải thường xuyên đi vào khu vực trung tâm TP.HCM nên tôi đã quyết định mua xe AT để đi lại. ở những nơi đông đúc hay phải dừng xe thì thao tác xe số tự động sẽ thuận tiện hơn. Do vậy, việc cấp thêm loại bằng lái cho xe AT là cần thiết” - bà Hương nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia, hiện nay lượng xe AT ngày càng được sử dụng nhiều. Thực tế nhiều người chỉ có nhu cầu sử dụng xe AT thì không có lý gì bắt họ học theo chương trình xe số sàn (MT, viết tắt từ Manual Transmission) và qua kỳ thi sát hạch như đối với bằng lái cấp cho xe MT. “Tôi cho rằng việc cấp thêm loại bằng lái cho xe AT là tăng thêm lựa chọn cho người dân, đồng thời giảm thiểu TNGT nghiêm trọng xuất phát từ đạp nhầm chân ga với chân thắng xảy ra ở xe AT. Vấn đề là thiết kế chương trình, thời gian phù hợp để đảm bảo trang bị cho người học các nguyên lý, kỹ năng tối thiểu để đảm bảo an toàn” - ông Long nói.

Việc bổ sung bằng lái ô tô số tự động được cho là vượt luật nhưng không đi vào thực chất của việc giảm thiểu TNGT. Ảnh: MP

Nhưng thêm rủi ro

Một cán bộ sát hạch cấp GPLX ô tô (đề nghị không nêu tên) cho rằng việc Bộ GTVT ban hành thêm một loại bằng lái cho xe AT sẽ không đi vào thực chất vấn đề giải quyết, giảm thiểu được TNGT. Số giờ học lấy bằng lái AT sẽ giảm so với loại bằng lái hiện hành và điều này có chăng chỉ giúp giảm chi phí, thời gian cho người học. Nhưng điều cốt yếu là người học có được trang bị những kỹ năng, được “dợt” qua một số tình huống để đủ kỹ năng kiểm soát chiếc xe thì chưa được rõ ràng.

Là một người đam mê, nghiên cứu xe và tham gia nhiều cuộc thi về xe địa hình (off-road), ông Nguyễn Minh Giang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Giang (quận Thủ Đức, TP.HCM), đồng tình với ý kiến trên. Theo ông Giang, không cần phải tách bạch hai loại bằng lái vì hai loại xe này về cơ cấu hoạt động như nhau, vị trí ghế ngồi, vô lăng… giống nhau. Cái khác nhau cơ bản giữa AT và MT là ở chân côn, theo đó MT phải đạp côn còn AT thì tự động và nếu cần thiết “giảm xe điên” (do đạp nhầm chân ga với chân thắng) thì bổ sung một vài tiết học về xe AT là giải quyết được ngay. “Khi tham gia giao thông, điều bắt buộc là phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Còn sử dụngxe MT hay AT thì chỉ cần bổ sung việc dạy lái xe AT vào chương trình hiện nay là sẽ ổn chứ đâu nhất thiết phải đặt ra thêm một loại bằng lái riêng, một chương trình riêng” - Giám đốc một trung tâm dạy GPLX ô tô ở TP.HCM bổ sung.

Ý kiến của ba người vừa được nêu đều cho rằng những người lái xe MT tốt thì chỉ trong vòng vài giờ làm quen là đảm bảo điều khiển tốt chiếc xe AT nhưng ngược lại thì không đảm bảo. Họ nói: “Thực tế hiện nay thì nhiều người không phải chỉ đi mỗi chiếc xe của mình mà còn đi xe thuê, xe mượn nên nếu họ được cấp bằng lái xe AT và đến một lúc nào đó chạy xe MT thì sao? Trong khi lực lượng chức năng sẽ không thể phân biệt được người có bằng lái xe AT điều khiển xe MT (trừ khi CSGT dừng xe kiểm tra) thì điều này càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn”.

Cấp bằng lái xe AT vì nhu cầu

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị đang sửa đổi quy định sẽ cấp bằng lái xe số tự động, việc sửa đổi này xuất phát từ nhu cầu thực tế vì hiện nay số người sử dụng xe AT lớn, đặc biệt là phụ nữ. Ngoài ra, ở một số nước như Hàn Quốc đã tách ra, một là học lái cả xe MT và AT hoặc chỉ học lấy bằng lái xe AT. Do vậy, Bộ GTVT đã thống nhất bổ sung thêm bằng lái xe AT nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Thời gian học lấy bằng lái xe AT sẽ ngắn hơn nhưng việc học sẽ tập trung vào một loại xe giúp người học tìm hiểu chuyên sâu cũng như sử dụng thành thạo các thao tác trong việc điều khiển xe AT nên tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra... Phía sau GPLX AT có ghi rõ “chỉ được lái xe số tự động” để tạo tiện lợi trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không có quyền dừng tất cả xe đang chạy trên đường để kiểm tra mà chỉ dừng các xe vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm. Do vậy, để tránh được trường hợp người có bằng lái xe AT điều khiển xe MT thì ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, áp dụng công nghệ tiên tiến theo dõi, giám sát và xử phạt.

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Thêm bằng lái xe số tự động là vượt luật

Khoản 4 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ căn cứ vào loại xe ô tô, số chỗ ngồi (hoặc tải trọng) và mục đích hành nghề (kinh doanh hay không kinh doanh) để phân hạng GPLX từ hạng B1, B2, C, D, E, FC… Luật này cũng quy định điều kiện (sức khỏe, độ tuổi…) của người lái xe chứ tuyệt nhiên không có điều khoản nào phân biệt ô tô MT hay AT. Nói cách khác, người dân đã được cấp GPLX được điều khiển loại ô tô phù hợp được ghi trong GPLX, bất kể đó là số sàn hay số tự động.

Khoản 10 Điều 61 của luật này cũng chỉ cho phép bộ trưởng Bộ GTVT quy định hình thức, nội dung, chương trình đào tạo, sát hạch và cấp, đổi, thu hồi GPLX. Như vậy, việc Bộ GTVT “sáng kiến” thêm một loại GPLX ô tô AT là không phù hợp, trái với Luật Giao thông đường bộ.

Thực tế, đối với những người đã lái được xe MT thì chỉ cần làm quen, tập lái trong khoảng 45 phút đã có thể làm chủ được loại xe AT. Thế mới thành chuyện vui lâu nay là “xe AT để cho phái đẹp”. Vì vậy, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan chức năng đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô theo đúng Luật Giao thông đường bộ. Không ban hành quy định vượt quá luật.

Kỹ sư NGUYỄN THÀNH LẬP,
cựu sĩ quan cao cấp công an (Hà Nội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm