Cẩn trọng với khóa điều khiển từ xa

Cẩn trọng với khóa điều khiển từ xa ảnh 1

Hiện nay, các dòng xe ô tô từ bình dân đến cao cấp đều sử dụng khóa điều khiển từ xa. Trước khi rời khỏi xe, người sử dụng chỉ cần nhấn nút lock trên remote, xe sẽ tự động đóng cửa. Và ngược lại, muốn mở cửa xe, chỉ cần nhấn nút unlock. Thế nhưng chính sự tiện lợi, đơn giản ấy cũng gây ra nhiều phiền phức mà nhiều người sử dụng không ngờ tới. Những lái xe có kinh nghiệm cho biết, chính chiếc remote ấy là nguyên nhân của những vụ mất cắp đồ dùng trên ô tô.

Không phải remote của xe này có thể mở khóa xe khác, nhưng khi hai xe đậu cạnh nhau, cùng sử dụng khóa điều khiển theo hướng ngược nhau (lock và unlock) thì tác dụng của khóa xe sẽ mất. Nghĩa là, khi bạn sử dụng khóa điều khiển từ xa để khóa cửa xe ô tô vàcùng lúc đó một người khác cũng dùng khóa điều khiển từ xa ấn và giữ nút mở cửa thì xe của bạn sẽ không được khóa cửa.

Thường thì các dòng xe của Toyota, Ford như Innova, Fortuner, Altis, Vios, Everest, Escape... đều dùng khóa có mã số cố định. Loại khóa này sử dụng sóng radio để chuyểnmột mã cố định tới máy thu đặt trong xe. Khi bấm giữ, khóa sẽ phát sóng liên tục gây nhiễu cho khóa khác, khiến bộ thu từ chối do sai lệch mã.

Và như vậy, xe bị nhiễu sóng không thể đóng cửa, đèn xinhan không sáng và còi không kêu. Thậm chí, khi sử dụng khóa từ xa ở những nơi phát sóng radio mạnh cũng sẽ xảy ra tình trạng trên. Hiện tượng này không chỉ diễn ra khi hai xe đỗ cạnh nhau mà khi chúng cách nhau đến vài chục mét. Toyota Việt Nam cho biết, một số dòng xe của thương hiệu này sử dụng khóa phát sóng AM cũng gặp tình trạng trên. Khi nhấn 2 khóa cùng lúc thì 2 sóng radio tần số khác nhau sẽ phát ra.

Hai sóng này bị nhiễu xạ lẫn nhau, làm phát ra sóng có biên dạng khác. Khi sóng mới không trùng với tín hiệu đăng ký ban đầu thì xe sẽ không được khóa hay mở cửa. Bởi vậy mà trong hướng dẫn sử dụng, Toyota Việt Nam đã đề cập đến vấn đề nhiễu sóng. Hãng này nêu rõ khóa từ xa có thể bị ảnh hưởng khi có remote khác đang hoạt động gần đó, xe đỗ gần nguồn phát sóng radio mạnh hoặc máy tính cá nhân.

Theo các chuyên gia kỹ thuật, chính “kẽ hở” này đã tạo điều kiện cho “đạo chích” ra tay. Khi xe chưa đóng cửa thì nguy cơ mất đồ trên xe rất dễ xảy ra, thậm chí còn có thể mất luôn cả xe.

Thời gian qua, có không ít vụ mất cắp đồ dùng trên ô tô vì nguyên nhân này. Lời khuyên của những người nhiều kinh nghiệm là để đề phòng mất cắp, sau khi bấm nút khóa xe bằng điều khiển từ xa, chủ xe nên quan sát xem đèn báo hoàn thành việc khóa cửa (đèn báo rẽ nháy sáng cả trước và sau) và còi hú.

Với những xe đời mới, nên để ý thêm đến gương chiếu hậu. Chỉ khi gương chiếu hậu tự động gập lại thì khi đó việc khóa cửa mới hoàn thành. Nếu vẫn chưa yên tâm với đèn nháy, còi xe, nên kiểm tra lại cửa sau khi đã bấm khóa. Cẩn thận hơn, sau khi ra khỏi xe, không nên để đồ vật quý hoặc tiền trong xe.

Theo Thiên Lý (GĐVN)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm