Nguyên tắc sử dụng đèn chiếu sáng ô tô bạn cần nhớ

Nhiều người sử dụng ô tô nhưng chưa hiểu hết về tính năng của các loại đèn được trang bị trên xe, vì vậy dẫn đến cách sử dụng sai lầm. Đèn chiếu sáng trên ô tô là một phần cực kỳ quan trọng, vừa đảm bảo sự di chuyển an toàn, vừa tránh cho bản thân không bị vi phạm luật giao thông.

Thông thường trên mỗi loại xe ô tô đều được trang bị ba loại đèn cơ bản, gồm: đèn pha (hay còn gọi đèn chiếu xa), đèn cốt (đèn chiếu gần) và đèn sương mù. Mỗi loại đều có những tính năng hỗ trợ khác nhau.

Vị trí của đèn sương mù trên ô tô

Đèn pha ô tô là loại được đặt trên đầu xe, giúp chiếu sáng với cường độ ánh sáng lớn, nhằm mục đích giúp cho người lái bao quát được những chướng ngại vật từ xa, ngay cả khi di chuyển với tốc độ cao, đặc biệt để nhìn thấy các biển báo giao thông điều chỉnh tốc độ và cách đi. Tuy nhiên, đèn pha sẽ làm chói mắt người điều khiển xe phía đối diện, làm họ bị hạn chế tầm nhìn. Vì vậy phải sử dụng đèn pha những khi cần thiết theo quy định.

Đèn cốt ô tô được dùng để soi rõ những chướng ngại vật ở cự li gần (khoảng 3-5m). Thông thường, đèn cốt sử dụng loại bóng đèn xenon, kết hợp với đèn bi giúp tụ ánh sáng và bám đường tốt hơn. Loại đèn này cũng có mặt hạn chế, nếu di chuyển với tốc độ cao, đèn cốt có tầm chiếu sáng thấp, làm cho tài xế bị giới hạn khi quan sát.

Đèn sương mù có ánh sáng vàng và đặt dưới gầm của ô tô, giúp loại bỏ sự ảnh hưởng của sương mù. Nó là loại đèn được thiết kế khá chuyên biệt, hỗ trợ tầm nhìn của tài xế khi di chuyển.

Sử dụng sai mục đích của đèn có thể bị phạt vi phạm giao thông và gây khó chịu cho xe chạy ngược chiều

Tùy từng dòng xe sẽ có thiết kế vị trí bật tắt đèn khác nhau, khi mua xe chủ xe nên xem qua sách hướng dẫn sử dụng để chính xác hơn. Tuy nhiên ở đa số các dòng xe thông dụng được thiết kế nút vặn bật tắt đèn ở bên trái của vô lăng.

Khi bật chế độ đèn pha trên mặt đồng hồ sẽ hiển thị biểu tượng đèn sáng xanh để báo hiệu cho người sử dụng. Đèn báo này được hiển thị theo hình ảnh chiếc đèn pha và ba vạch ngang thể hiện tình trạng đèn pha cốt.

Khi đi trong thành phố, khu đông dân cư nên sử dụng đèn cốt chiếu gần để nhìn thấy rõ nét những vật thể phía trước. Việc chuyển đổi chế độ đèn pha cốt là vô cùng quan trọng vừa cải thiện độ sáng vừa không gây ảnh hưởng đến người xung quanh khi lưu thông.

Trên đường cao tốc có dải phân cách cao, tài xế được phép sử dụng đèn pha để tầm nhìn hiệu quả nhất. Những đường quốc lộ không có dải phân cách, nên sử dụng đèn pha và chỉ về cốt khi gặp xe đối diện. Nếu di chuyển đường xa, thỉnh thoảng tài xế nên chỉnh đèn về cốt để nhìn gần sẽ giúp mắt không quá căng thẳng. Nếu muốn vượt các xe cùng chiều, tài xế có thể sử dụng đèn pha (nháy nháy) để xin nhường đường, một tín hiệu mà các tài xế đường dài hay sử dụng.

Một giảng viên của Trung tâm đào tạo lái xe Trường Giao thông vận tải TPHCM cho biết: “Khi dạy học viên, chúng tôi cũng rất lưu ý về việc sử dụng đèn ô tô. Vì nếu sử dụng sai có khả năng gây tai nạn giao thông do làm chói mắt các phương tiện đi ngược chiều. Đồng thời, sử dụng sai nguyên tắc đèn cũng bị phạt lỗi vi phạm giao thông đường bộ”.

Khi đăng kiểm cũng được kiểm tra kỹ độ sáng của đèn

Theo đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ về lỗi sử dụng đèn sai quy định. Cụ thể:

Đối với xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô.

- Phạt tiền từ 600-800 ngàn đồng khi: Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (điểm g khoản 3 Điều 5).

- Phạt tiền từ 800-1,2 triệu đồng khi: Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định (điểm a khoản 4 Điều 5).

Đối với xe máy, các loại xe tương tự xe máy, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện).

- Phạt tiền 80-100 ngàn đồng đối với hành vi: Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn (điểm c khoản 1 Điều 6).

- Phạt tiền 200-400 ngàn đồng đối với hành vi: Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (điểm e khoản 3 Điều 6).

- Phạt tiền 500-1 triệu đồng đối với hành vi: Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ (điểm d khoản 5 Điều 6).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm