Xin từ chối vay ODA để làm nhà máy nước

Theo ông Nguyễn Trường Ảnh (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng) thì sau khi cổ phần hoá nhà nước nắm 60% thì công ty có chuyển biến rõ rệt và đang tiếp tục đầu tư, cải tạo nhà máy nước Cầu Đỏ và các nhà máy khác để phục vụ cho nhân dân TP.

Sẽ tăng giá nước

“Trước đây tỉ lệ thất thoát nước khá cao nhưng hiện công ty đã đưa về được con số chỉ còn 17%, trong năm 2017 phấn đấu đưa tỉ lệ thất thoát về còn 15%”, ông Ảnh nói.

Ông Ảnh cũng cho biết, con số thất thoát nước của TP là ở mức trung bình khi cả nước là 23%. Trong khu vực thì Nhật Bản thất thoát thấp nhất, chỉ 8%.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thảo luận với lãnh đạo công ty cấp nước về việc xây dựng nhà máy nước Hoà Liên. Ảnh: LÊ PHI.

Trong khi đó, ông Đặng Thanh Bình (Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng) cho biết, theo lộ trình thì công ty sẽ nâng giá nước vào cuối năm 2016. Tuy nhiên vì mới cổ phần nên còn ngại dân phản ứng.

“Nhưng nếu không nâng thì khó có tích lũy để tái đầu tư. Vì vậy trong quý 2 chúng tôi sẽ trình xin tăng giá nước”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng đề nghị lãnh đạo TP cân nhắc việc giao các đơn vị nước ngoài đầu tư nhà máy nước Hoà Liên vì giá quá cao mà lại đi vay ODA.

“Nhà máy nước Hòa Liên tính toán của đơn vị Nhật Bản thì đầu tư từ 5.200-5.400 tỉ đồng, nhưng theo tính toán của chúng tôi thì không quá 1.500 tỉ. Trong khi đó về giá nước bên Nhật tính là khoảng 5.600 đồng/m3 nhưng chúng tôi tính toán khoảng 4.500 đồng/m3”, ông Bình phân tích.

Không vay ODA

Vì vậy, ông Bình xin lãnh đạo TP có vay vốn Nhật Bản để đầu tư hay không thì để chúng tôi tự tính mà TP không nên ép.

“Nếu giao chúng tôi làm chủ đầu tư nhà máy nước Hoà Liên thì quý 4 sẽ khởi công và quý 4- 2019 sẽ đem vào vận hành phục vụ nhân dân”, ông Bình cam kết.

Ông Bình cũng khẳng định: “Tôi xin mạnh dạn đề xuất TP là công ty cấp nước sẽ không dùng vốn ODA mà tự nội lực làm nhà máy nước Hoà Liên. Chúng tôi học tập TP là xin cơ chế chứ không xin tiền”.

Ông Thơ thay mặt UBND TP Đà Nẵng tặng quà cho công ty cấp nước. Ảnh: LÊ PHI.

Trước việc này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, công ty cấp nước phải làm tròn bổn phận kinh doanh nhưng phải đảm bảo nguồn nước chiến lược phục vụ người dân.

Ông Thơ cũng yêu cầu Sở Xây dựng TP kiểm tra rà soát các công trình xây dựng trên địa bàn đang có dấu hiệu khoan nước ngầm để xây dựng. Về nguyên tắc việc sử dụng nước ngầm để xây dựng là phải hết sức cân nhắc.

“Cái này tôi thấy quản lý đang rất lỏng lẻo trong khi việc cấp phép khoan lấy nước ngầm không phải chuyện đơn giản”, ông Thơ nói.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, nhà máy nước Hoà Liên đang chờ thủ tục phê duyệt dùng vốn ODA không hoàn lại là 40 triệu USD nhưng thủ tục khá phức tạp. Khi đưa vào sử dụng thì băn khoăn giá nước sẽ cao.

Ông Thơ cũng cho biết sẽ lưu ý tới các đề nghị của công ty cấp nước Đà Nẵng về việc tự huy động vốn đề đầu tư, và một số chính sách khác.

Tại buổi làm việc với VNPT Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh (Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng) đề nghị VNPT Đà Nẵng cần làm việc với Tập đoàn VNPT để nộp ngân sách cho TP nhiều hơn. “Doanh thu năm vừa rồi của VNPT Đà Nẵng là 600 tỉ đồng nhưng nộp ngân sách có 60 tỉ đồng là rất thấp so với nhiều địa phương khác. Việc VNPT khấu trừ VAT tại Đà Nẵng cũng là bất cập”, ông Thanh nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới