Xông vào bệnh viện gây rối: Ứng phó ra sao?

LTS:Vụ một đám đông người quen, người nhà nạn nhân xông vào bệnh viện truy sát đối thủ đặt ra vấn đề: Các BV cần tổ chức lực lượng thế nào để có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ kiểu này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của các y bác sĩ, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện, nhất là việc cấp cứu bệnh nhân...

Ông Trần Cư, Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện phân công hai bảo vệ trực ở khoa Cấp cứu từ 18 đến 24 giờ mỗi ngày, khi có sự cố thì can thiệp đồng thời liên hệ với phòng bảo vệ để tiếp ứng, kết hợp bác sĩ giải thích nội quy bệnh viện. Trường hợp hơi phức tạp thì xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện và báo công an phường.

Mềm mỏng và bảo vệ bệnh nhân

BS Phan Văn Nghiệm, nguyên Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn (hiện là Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương), cho biết có hai dạng đối tượng mà y bác sĩ phải phân biệt được và phải hiểu. Thứ nhất là giang hồ đánh nhau, đâm nhau rồi đưa vào bệnh viện, phía hiềm khích dẫn người đến đe dọa, gây hấn, phản ứng luôn với các y bác sĩ. Lúc này nhân viên y tế phải mềm mỏng, tư vấn giải thích nhằm hạn chế sự quá khích của họ. Nếu đối tượng quá khích, phải chủ động rút lui, gọi bảo vệ và công an can thiệp.

Xông vào bệnh viện gây rối: Ứng phó ra sao? ảnh 1

Một “ông kẹ” vào BV Nhân dân Gia Định cấp cứu, sau khi hồi tỉnh, các y bác sĩ còn phải cho quần áo, tiền để về xe. Ảnh: TÙNG SƠN

Đối tượng thứ hai là những người có người nhà điều trị, không may tử vong do quá khả năng của thầy thuốc. Một số thân nhân bệnh nhân nóng tính, có thái độ khiếm nhã, chửi bới thì y bác sĩ nhẹ nhàng, mềm mỏng và chịu đựng để cơn nóng giận của họ qua đi, không để họ dựa vào đó mà tấn công. Ngoài ra, BV Đa khoa Sài Gòn còn ký hợp đồng với công ty bảo vệ, phòng cấp cứu có bảo vệ trực 24/24 giờ.

Bảo vệ chuyên nghiệp

Đại diện một bệnh viện ở quận Thủ Đức cho biết trước đây khu vực cấp cứu bị một số đối tượng vào gây hấn. Dù đã có sự can thiệp của lực lượng công an phường nhưng không phải lúc nào cũng có thể can thiệp vì sự việc xảy ra rất nhanh khi lực lượng công an tới thì họ đã rút đi…

Theo một phó trưởng phòng Hành chính Quản trị BV 115, bệnh viện này thuê bảo vệ chuyên nghiệp, mỗi ca trực có 18 bảo vệ, được công an cho phép sử dụng hai roi điện và một súng bắn đạn cao su, có hơn 70 camera theo dõi. Bệnh viện có quy trình phòng, chống tội phạm, côn đồ gây rối. Khi xảy ra sự cố, bảo vệ tại mục tiêu sẽ báo động qua bộ đàm, những bảo vệ khác sẽ nhanh chóng đến hiện trường khống chế đối tượng rồi giữ hiện trường để công an đến xử lý. “Chúng tôi cũng trang bị một tấm lưới phòng giữ những đối tượng nguy hiểm, khó tiếp cận, chẳng hạn như người quậy phá là bệnh nhân nhiễm HIV. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phải sử dụng biện pháp này” - ông Phúc cho biết.

Xông vào bệnh viện gây rối: Ứng phó ra sao? ảnh 2

Khoa Cấp cứu BV 115 luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: TÙNG SƠN

Hầu hết các bệnh viện đều kiến nghị lực lượng công an địa phương cần đến hiện trường nhanh hơn và số lượng đông hơn để giải quyết các sự cố. Lãnh đạo một bệnh viện ở quận Thủ Đức kiến nghị nên bố trí một chốt dân phòng thường trực trong khu vực cấp cứu của bệnh viện để tạo sự an tâm cho nhân viên y tế và phản ứng nhanh, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Bệnh viện, công sở, trường học… thông thường đều có lực lượng bảo vệ chuyên trách hoặc bán chuyên trách. Trong trường hợp cần công an địa phương hỗ trợ giữ gìn an ninh trong dịp đặc biệt, cao điểm thì người đại diện cơ quan, tổ chức đó phải có văn bản đề xuất. Trên cơ sở đó, công an địa phương sẽ bàn bạc, tính toán phương án tăng cường lực lượng cho cơ sở đó.

Trong trường hợp đột xuất, xảy ra các vụ gây rối thì công an địa phương sẽ căn cứ tình hình thực tế để điều lực lượng đến vãn hồi trât tự.

(Lãnh đạo công an một quận)

LƯU NGUYỄN ghi

Từ năm 2012, Công an quận Bình Thạnh đã ký kết quy chế phối hợp với BV Nhân dân Gia Định, BV Ung bướu, BV Bình Thạnh. Bước đầu, lực lượng bảo vệ của bệnh viện phải có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự bên trong khuôn viên bệnh viện. Khi có sự việc xảy ra, nếu đơn giản thì lực lượng công an phường sẽ phối hợp với bệnh viện để giải quyết. Nếu phức tạp thì công an quận sẽ điều các đơn vị nghiệp vụ đến tăng cường phối hợp.

HT

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm