Đôi trai gái đang phê thuốc. Ảnh: NGUYỄN HUY - DUY BÙI
“Cần xem những con nghiện là đối tượng cần xử lý nghiêm chỉ cần "xét nghiệm" mà không cần xét xử. Vì họ tự đưa bản thân vào tình trạng như vậy, khi đã lệ thuộc ma túy họ rất dễ phạm tội, gây mất an toàn cho trật tự xã hội. Tác hại của ma túy cả dân tộc Việt Nam đã chứng kiến, phải gánh chịu từ thời Pháp thuộc rồi, thật lạ là có người là Đại biểu Quốc Hội lại coi loại tội phạm Ma Túy là bệnh nhân cần nâng niu, đúng là mơ hồ, và ngây thơ quá. Với suy nghĩ như thế thì cảnh báo về một thảm họa quốc gia là có cơ sở, có lẽ cũng vì vậy mà ma túy cứ ùn ùn đổ về Việt Nam. Trừ những người "tự nguyện" vào cơ sở cai nghiện mới được coi là bệnh nhân được nhà nước, cộng đồng hỗ trợ cai nghiện”.
Bạn đọc
Văn Lãng đã chia sẻ như thế khi gửi ý kiến về Diễn đàn “
Người nghiện là bệnh nhân đáng thương hay đối tượng cần xử lý” trên PLO. Đồng quan điểm với bạn
Văn Lãng, rất nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng cần xử lý nghiêm với những đối tượng nghiện ma túy cũng như những người buôn bán ma túy để trả lại cuộc sống an lành cho người dân.
Cái nhìn bi quan về người nghiện
Đây là tâm trạng chung của rất nhiều bạn đọc khi gửi ý kiến tham gia diễn đàn. “Thực tế nhiều mặt cho thấy một cách quá rõ ràng: người nghiện là đối tượng cần phải xử lý theo pháp luật tiên tiến. Hầu hết con nghiện là tội phạm, thậm chí là phạm trọng tội (giết người, cướp của…)”- bạn đọc Bá Đào nhấn mạnh. Còn bạn đọc teo thì bày tỏ sự bi quan đối với tương lai của người nghiện một cách ngắn gọn: “Cuộc đời họ đã chấm dứt khi dính vào ma túy, còn ích gì cho xã hội nữa đâu”.
Bạn đọc Người dân cũng cho rằng “Người nghiện đúng là bệnh nhân, đáng thương. Nhưng khi đi ăn cắp, cướp giật, cướp có vũ khí... thì họ gây nên hậu quả rất lớn về trật tự, an toàn xã hội. Không thể nương tay được”.
Bạn đọc niemtin thì thể hiện thái độ “không tin” đối với những người dính váo cái chết trắng: “Nói đến nghiện thì "Hết Thuốc Chữa". Tôi chưa thấy bất kể một con nghiện nào đi cai nghiện mà bỏ được, thậm chí kể cả đi tù mấy năm, khi hết hạn tù về lại nghiện nặng hơn. Đâu đâu cũng có con nghiện, trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, giết người cũng từ con nghiện mà ra”.
Chị PTL (40 tuổi) - công nhân Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM mỗi ngày thu nhặt cả trăm ống kim tiêm của người nghiện bỏ lại bãi cỏ (ảnh trên). Chị L. đã ba lần bị phơi nhiễm HIV. Ảnh: XUÂN NGỌC
“Tôi thấy người nghiện trước khi nghiện phần lớn là những người hư hỏng, những người lười lao động, thành phần khác chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Nhưng hậu quả của người nghiện gây ra cho xã hội rất lớn, vì vậy phải xem họ là tội phạm hình sự thì mới giải quyết được thực trạng ở nước ta” - bạn đọc nguyen duy dien nêu quan điểm. Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Nguyễn Văn Ren nhấn mạnh: “Những đối tượng nghiện ma tuý không thể đáng thương mà phải đáng trách và cần xử lý thật nghiêm. Vì những đối tượng nghiện ma tuý thường là những kẻ không biết lo làm ăn mà lo chơi bời đua đòi và làm cho tệ nạn xã hội càng ngày càng nguy hiểm hơn”.
Bạn đọc PhamHe lại bày tỏ sự bức xúc của mình trước thực trạng nghiện hiện nay mà ai có là nạn nhân trực tiếp mới thấu hiểu. Bạn đọc này phân tích: Nếu sử dụng ma túy không phải là tội phạm mà là bệnh nhân thì những kẻ buôn bán ma tuý đừng bắt nữa và hãy coi đó làm bình thường đi. Hơn nữa kẻ nghiện ma tuý coi là bệnh nhân thì sao không quyên tiền cho chúng chơi để chúng không vật rồi đỡ phải chứng kiến cảnh trộm cắp, cướp của, giết người hàng ngày hàng giờ hàng phút và thậm chí là hàng giây ở khắp đất nước Việt Nam này. Mấy ông ngồi bàn giấy có đi thực tế đâu mà biết được cảnh sống khốn khổ của người dân khi chung sống hoặc là hàng xóm của con nghiện. Theo quan điểm của tôi, kẻ nghiện chỉ coi là bệnh nhân mà không coi là tội phạm trừ khi kẻ nghiện đó thất học - nghĩa là không được một ngày ngồi trên ghế nhà trường còn đã học hết cấp tiểu học mà chưa nhận thức được về ma tuý thì cho đi cai hoặc bóc lịch là bài toán hay nhất. Bản thân tôi đang sống gần kẻ nghiện tôi biết rõ điều này. Không chăn nuôi được con gì, không làm ăn yên ổn, đi ra khỏi nhà là lo mất trộm.
Gia đình còn khiếp sợ huống gì người ngoài
Cần cách ly và xử lý nghiêm, đó chính là quan điểm của đa số bạn đọc PLO khi tham gia diễn đàn này. Bạn đọc HuyNam cho rằng sai lầm của từng cá nhân thì không thể đổ lỗi bởi tại bởi vì môi trường xấu của xã hội. Đối với người nghiện, dù gọi là người bệnh thì cũng phải được quản lý tập trung để chữa trị, vì không gia đình nào có đủ kinh nghiệm chạy chữa chăm sóc, phương tiện, chi phí để có thể chạy chữa cho người thân con em mình được. Đối với những người nghiện có hành vi manh động dọa dẫm chứ chưa nói đến việc phạm pháp hình sự thì cũng phải nghiêm trị.
Theo bạn đọc hanga, người nghiện sẽ bị ảo giác tâm thần khi sử dụng thuốc nên áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh ở trại cai nghiện là hợp tình hợp lý nhất. Bạn đọc nguyen van truong cũng cương quyết: “Theo tôi những người ngiện ma túy cần phải xử lí thật ngiêm khắc, cách li khỏi cộng đồng. Vì bọn nghiện ngày càng manh động và phát triển nhiều làm mất an ninh cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến xã hội”.
Đồng quan điểm này, bạn đọc xuanvu nhấn mạnh đây là “tệ nạn không thua không kém” và bạn đọc ngocquang bày tỏ “ma túy dưới hình thức nào cũng là phạm pháp phải xử thật nặng. Toàn dân đều tán thành, loanh quanh làm gì cho bọn ma túy được đà gia tăng”. Trong khi đó, bạn đọc Võ Đại Sự thẳng thắn: “Theo tôi nên xem những người nghiện ma tuý là những đối tượng đặt biệt cần xử lý nghiêm khắc”.
Một người nghiện đang tiêm chích ở mặt tiền căn nhà gần công viên cư xá Bà Điểm dọc quốc lộ 22 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn). Nhà này đang rao bán. Ảnh: XUÂN NGỌC
Bạn đọc Hương Lan dành nhiều thời gian để phân tích một cách cặn kẽ và bày tỏ quan điểm của mình đối với vấn đề người nghiện - bệnh nhân hay tội phạm. Theo bạn đọc này, từ bệnh nhân chỉ dành cho những người mang những căn bệnh mà bản thân họ không hề mong muốn bị, không cố tình tạo ra tình trạng bệnh lý trong người, có ý thức tự phòng tránh và tìm mọi cách để khám chữa bệnh khi được chẩn đoán phát hiện. “Đứng cạnh ông nghiện thuốc lá, ông nghiện rượu, ông nghiện ma tuý bạn cảm giác sợ ai, lo lắng bất an với ai hơn? Ba ông này đều đem đến cho xã hội những tác hại thấy rõ quá rồi không cần bàn nữa. Nhưng tác hại lớn nhất, trầm trọng hơn cái sự ô nhiễm không khí, cái hiểm họa tai nạn giao thông,... chính là sự bất an trong cộng đồng, bất ổn về an ninh trật tự xã hội do phần đông người nghiện ma tuý gây ra”- bạn đọc Hương Lan đặt vấn đề.
Bạn đọc này cho rằng việc cấm sử dụng ma tuý, cai nghiện bắt buộc, chính là việc làm NHÂn ĐẠO cho chính người nghiện, cho gia đình họ và cho cả cộng đồng. Việc làm này là cần thiết và đúng đắn để ngăn ngừa một thảm hoạ xã hội ở ngay truước mắt nếu cứ để số người nghiện ma tuý ngày càng tăng theo tỉ lệ thuận với các loại tội phạm hình sự…
Phân tích cụ thể hơn, bạn đọc Lan phân tích: Các chất gây nghiện khác đều ám ảnh, đều làm cho người nghiện bị lệ thuộc cả, chỉ có điều chất ma tuý tác động và huỷ hoại nhanh chóng, trực tiếp lên hệ thần kinh - cơ quan kiểm soát các hành vi và ý thức của con người dẫn đến việc người nghiện ma tuý trở thành một mối nguy hiểm đến sự an toàn cho chính bản thân họ, cho những người thân trong gia đình, cho hàng xóm và rồi cho cả cộng đông. Khẳng định nghiện ma tuý là cái sai rất khó sửa vậy thì tốt nhất phải bắt buộc họ cai nghiện theo luật chứ không thể chờ họ tự sửa sai một mình ở nhà được. Còn thái độ khinh bỉ, giận dữ hay sợ hãi của nhiều người dành cho người nghiện ma tuý cũng là điều dễ hiểu vì những hậu quả họ gây ra, gia đình còn phải khiếp sợ huống gì người ngoài.
Nghiêm luật để tránh thảm họa
Trong dòng ý kiến chủ lưu đề nghị xử lý nghiêm đối tượng nghiện ma túy, chỉ duy nhất bạn đọc Van ut có ý kiến khác. “Xin thưa một số anh chị, làm người thì nên có chút lòng vị tha, mỗi chúng ta ai cũng có sai lầm, bồng bột, có những cái sai chúng ta có thể sửa, còn cái sai kho dính vào ma tuý thì rất khó sửa, bản thân chúng ta không một ai muốn sống tủi nhục cả. Người nghiện cũng vậy. Tại sao người ta gọi nó là ma tuý, vì nó là thứ mà khi đã lệ thuộc rồi thì nó cứ ám ảnh day dứt người nghiện. Có thể bạn thông minh, bạn giỏi bạn không bao giờ đụng vào nó, nhưng em bạn, con bạn thì chưa chắc. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Cho nên trước khi lên án, khinh bỉ, mỉa mai ai điều gì xin bạn hãy đặt bản thân bạn vào họ vào gia đình họ. Luật pháp do quốc hội , cơ quan đại diện cho tất cả nhân dân soạn ra. Nếu bạn cho đó là dở, thì bạn là người khôn hơn 80 triệu dân của đất nước này. Với tôi xem người nghiện là nạn nhân thì chính xác”- bạn đọc Van ut chia sẻ quan điểm cá nhân.
Bình luận về ý kiến này, bạn đọc Rùa Con phản biện: “Một số độc giả bảo phải có lòng vị tha cho những sai lầm của người nghiện. Nhưng ai thông cảm cho những hệ lụy của xã hội phải gánh chịu do những người nghiện gây ra. Đồng ý con người phải có lòng tốt nhưng lòng tốt con người phải đặt đúng chỗ, đúng người chứ không thể hiểu một cách hời hợt, nông cạn, không đúng cách”.
“Dùng ma túy làm động lực gây án mà không phải là tội phạm? Không ai túi không tiền mà lại tham gia chơi thử ma túy, chỉ có kẻ nghiện mới tự làm cho họ trở thành túi không tiền. Nghiêm luật cũng là giúp cho người tiềm năng nghiện thoát khỏi nguy cơ, xã hội tránh được hiểm họa, khác đi chỉ là ngụy biện”- bạn đọc ilmenau nêu ý kiến.
Dung hòa quan điểm hai bên, bạn đọc Năm An Nhứt cho rằng nghiện ma túy và bệnh tâm thần là bệnh nhân đáng thương, cần sự hỗ trợ của cộng đồng để từng bước giúp họ tự cải tạo bản thân, hòa nhập cùng mọi người! Nhưng tùy mức độ mà có giải pháp thích hợp, trong đó có chuyện cách ly họ để tránh những hành vi xấu có thể xảy ra cho cộng đồng! Nhiều em nghiện ma túy, ngáo đá, lên cơn tâm thần... cầm hung khí đâm chém cả người thân trong gia đình nên chuyện cách ly là cần thiết cho bản thân họ chứ đừng hiểu nhầm họ là "tội phạm"!
Các con nghiện vô tư tiêm chích ma túy giữa đường phố TP.HCM. Ảnh: TL-HK
Bạn đọc Binh an cũng phân tích: Khi xét bất cứ vấn đề gì thì phải xét cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nếu mặt tích cực nhiều thì cho đó là điểm tốt, mặt tiêu cực nhiều là điểm xấu, tuy nhiên khi cần biến nó thành luật, thì mặt tích cực phải trội vượt hơn mặt tiêu cực vì khi thành luật nó sẽ tác động rất lớn đến xã hội. Coi người nghiện là bệnh nhân, thì phải xét theo nhiều khía cạnh: Người đó bị dụ dỗ lỡ lầm và cố gắng để chữa bệnh, không gây hại cho người khác, còn nếu do ăn chơi, đàng điếm, rồi khi mắc không lo chữa mà chỉ lo tiếp tục ăn chơi không kể đến tính mạng của người khác thì đó là tội phạm rất kinh khủng. Nguyên tắc là trong hai điều xấu hãy chọn điều nào ít xấu hơn, coi người nghiện là bệnh nhân thì có vẻ nhân đạo nhưng lại làm cho cả xã hội không thể sống được ai cũng lo sợ thì điều nào nên chọn. Không thể bắt chước những mô hình nước ngoài khi hoàn cảnh xã hội, trình độ văn hóa và dân trí của ta còn nhiều khác biệt”.
***
Rõ ràng việc xử lý vấn đề người nghiện là một bài toán phức tạp, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc triệt tiêu nguồn cung ma túy, đến việc ứng xử cụ thể với những người không may dính vào cái chết trắng như thế nào để vừa đảm bảo nhân đạo, vừa đảm bảo an toàn cho xã hội.
Có thể thấy, hầu hết các ý kiến tham gia diễn đàn đều nhấn mạnh cần phải nhanh chóng cách ly người nghiện ma túy ra khỏi cộng đồng để giúp họ cai nghiện một cách có hiệu quả, đồng thời hạn chế những hậu quả xấu mà họ có thể gây ra. PLO xin trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của bạn đọc và mong rằng những cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, sửa đổi những quy định hiện hành để có thể giải quyết thấu tình đạt lý vấn đề này.
PLO